Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cơn hoảng loạn tháo chạy khỏi chứng khoán, 19 năm có một!

10/03/2020 11:13

 Các chỉ số phiên đầu tuần đều mất hơn 6%, hơn 190.000 tỷ đồng vốn hoá sàn HSX bị “cuốn trôi”. Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 1 phiên giao dịch tồi tệ nhất suốt 2 thập kỷ qua. >>Cổ phiếu nhà Cường Đôla tăng 79% giữa cơn “ác mộng” trên sàn chứng khoán >>Hàng tỷ USD bị “thổi bay” ngay đầu tuần vì lo ngại Covid-19

Các chỉ số phiên đầu tuần đều mất hơn 6%, hơn 190.000 tỷ đồng vốn hoá sàn HSX bị “cuốn trôi”. Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 1 phiên giao dịch tồi tệ nhất suốt 2 thập kỷ qua.

Nhiều mã cổ phiếu "chất lượng" nhưng vẫn trắng bên mua trong khi bị bán ở giá sàn
Nhiều mã cổ phiếu "chất lượng" nhưng vẫn trắng bên mua trong khi bị bán ở giá sàn)

Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầu tuần (9/3) đầy tiêu cực với diễn biến lao dốc của các chỉ số chính ngay từ đầu phiên và tiếp tục nới rộng đà giảm.

VN-Index đóng cửa mất 55,95 điểm tương ứng 6,28% còn 835,49 điểm - mức thiệt hại được cho là sâu kỷ lục trong vòng 19 năm qua của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm 7,31 điểm tương ứng 6,43% xuống còn 106,34 điểm và UPCoM-Index giảm 2,97 điểm tương ứng 5,37% còn 52,44 điểm.

Riêng chỉ số chung của thị trường là VNX-Allshare mất tới 76,36 điểm tương ứng 6,1% còn 1.175,6 điểm. Đây là chỉ số được tính toán theo phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Theo đó, các cổ phiếu niêm yết trên hai Sở sẽ được sàng lọc kỹ về điều kiện niêm yết, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản.

Trong phiên giao dịch này, dòng tiền bắt đáy mặc dù gia nhập mạnh mẽ song vẫn không thể thắng được áp lực bán ra.

Khối lượng giao dịch trên HSX ghi nhận đạt con số 309,1 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch 5.561,15 tỷ đồng; HNX có 54,69 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 765,59 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM có 30,37 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 342,68 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường bao phủ bởi sắc đỏ giảm giá và màu xanh xám giảm sàn. Tổng cộng có tới 676 mã giảm giá, 263 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với chỉ 110 mã tăng và 32 mã tăng trần.

Đáng chú ý là trong rổ VN30-Index, hầu hết các mã lớn đều giảm sàn (với 23 trên 30 mã giảm sàn) và rơi vào trạng thái “trắng bên mua”, dư bán sàn vẫn còn rất lớn.

Ngay cả VIC cũng bị bán sàn, mất 7.300 đồng xuống còn 97.700 đồng và rớt khỏi mốc 100.000 đồng. VHM giảm sàn mất 5.600 đồng còn 75.300 đồng; VCB giảm sàn mất 5.900 đồng còn 78.600 đồng; BID giảm sàn mất 3.250 đồng còn 43.600 đồng; VNM giảm sàn mất 7.200 đồng còn 97.000 đồng.

Cổ phiếu dầu khí cũng nằm sàn la liệt. Hai ông lớn là PLX và GAS cũng giảm sàn, lần lượt mất 3.450 đồng còn 46.250 đồng và mất 5.400 đồng còn 72.100 đồng.

Cơn hoảng loạn tháo chạy khỏi chứng khoán, 19 năm có một! - 2
Chứng khoán châu Á cũng diễn biến bất lợi trong phiên giao dịch đầu tuần

Theo ghi nhận của chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán BVSC, trong phiên này, cả 10 trên tổng số 10 nhóm ngành đều giảm điểm. Dẫn đầu là ngành công nghệ với mức giảm 6,93% do tác động tiêu cực từ MWG (giảm 6,98%); CMG (giảm 6,98%) và DGW (giảm 6,95%). Tiếp theo là ngành dầu khí (6,91%) do sự giảm điểm của GAS (giảm 6,97%), PLX (giảm 6,94%) và PVD (giảm 6,94%).

Với phiên sụt mạnh của phiên 9/3, vốn hoá thị trường của sàn HSX “bốc hơi” 191.271 tỷ đồng và rớt khỏi mốc 3 triệu tỷ đồng.

Thực tế, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mới gặp khó phiên đầu tuần. Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm: Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 5%; Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,23%; Shanghai SE Composite giảm hơn 3%; Kospi của Hàn Quốc giảm 4,19%; Straits Times của Singapore giảm 6,03%; Stock Exch of Thai Index của Thái Lan giảm tới 7,96% …

Ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ, vừa mở cửa phiên thì Dow Jones đã mất tới 1.800 điểm còn S&P 500 mất 7% giá trị, khiến thị trường đã bị kích hoạt chế độ “ngắt mạch” và phải tạm dừng giao dịch trong 15 phút trước áp lực bán tháo quá mạnh.

BVSC cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến tiêu cực sau khi Covid-19 phát tán trở lại tại Việt Nam trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán thế giới và giá dầu đang lao dốc mạnh do sự lây lan không có dấu hiệu được kiểm soát của giá dầu.

VN-Index sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ 860 điểm thì sẽ hướng xuống vùng hỗ trợ thấp hơn tại 780-820. Tại đây, thị trường được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị nên giảm tỷ trọng về mức thấp 10% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn.

Nhà đầu tư cầm tiền mặt nên đứng ngoài thị trường giai đoạn hiện tại. Với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên bán phần ngắn hạn trong các nhịp bulltrap của thị trường.

Mai Chi

Theo Dân Trí