Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cựu 'banker' Lý Xuân Hải: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực chất là cuộc chiến giành ngôi vị thứ nhất

07/10/2018 08:44

Cốt lõi của nền kinh tế là công nghệ và nền tảng công nghệ được quyết định bởi tài nguyên. Theo Tiến sĩ Lý Xuân Hải, Cựu CEO Ngân hàng ACB, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực chất là cuộc chiến giành ngôi vị thứ nhất.

Chiến tranh tiền tệ chỉ là cuộc chiến giữa đồng Nhân dân Tệ với USD

Tại hội thảo: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam”, Tiến sĩ Lý Xuân Hải, Giám đốc chiến lược CTCP Hoàng Anh Gia Lai, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhận định trong ngắn hạn, cuộc chiến tranh tiền tệ tác động lên các chính sách tiền tệ của các quốc gia là không lớn.

Và nếu có tác động thì xuất phát bởi các yếu tố khác chứ không phải bởi chiến tranh tiền tệ gây ra.

“Bản thân công cụ chính sách tiền tệ là con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng không khéo léo thì đánh lại chúng ta”, ông Hải cho hay.

Theo Tiến sĩ Hải, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực chất là một động thái địa chính trị. Việc chia lại trật tự thế giới ngày hôm nay là chia thị phần thương mại với vũ khí là sự răn đe chứ không phải súng ống.

Vì thế, sức mạnh của quốc gia được quyết định bởi tiềm lực kinh tế. Cốt lõi của nền kinh tế là công nghệ và nền tảng công nghệ được quyết định bởi tài nguyên. Theo ông Hải, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực chất là cuộc chiến giành ngôi vị thứ nhất.

Cuộc chiến ấy chỉ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Và khi nói về chiến tranh tiền tệ thì chỉ là cuộc chiến giữa đồng Nhân Dân Tệ với USD. Các đồng tiền khác không có ý nghĩa gì hết, kể cả VND.

cuu banker ly xuan hai chien tranh thuong mai my trung thuc chat la cuoc chien gianh ngoi vi thu nhat
Tiến sĩ Lý Xuân Hải, Giám đốc chiến lược Hoàng Anh Gia Lai, Cựu CEO Ngân hàng ACB.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đối phó?

Ông Hải cho rằng, với 5 đề nghị của Tổng thống Mỹ Donal Trump đưa ra thì Trung quốc khó lòng mà chấp nhận.

Theo đó, Trung Quốc sẽ dựng lên các rào cản thuế, thương mại. Về lâu dài có thể có cả rào cản về chính trị để ngăn cản “những viên đạn” của đối thủ bắn về phía mình. Khi dựng lên rào cản thì sẽ có nhiều góc khuất, rắc rối và chênh lệch về giá.

Nhận định về việc khi nào chiến tranh thương mại kết thúc, ông Hải cho rằng có hai kịch bản xảy ra. Thứ nhất sau khi đánh nhau “chán”, cả hai bên sẽ bắt tay làm hòa. Thứ hai, cuộc chiến sẽ có kẻ thua.

Cá nhân ông cho rằng cuộc chiến tranh thương mại có thể ngày càng leo thang và kết thúc khi có người thắng kẻ thua.

Khi chiến tranh thương mại xảy ra, ban đầu thị trường chứng khoánphản ứng tiêu cực nhưng sau đó nhà đầu lại cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ hoà hoãn nên giá chứng khoán hồi phục.

Tuy nhiên, theo ông Hải nếu đây là cuộc chiến tranh thuần túy về kinh tế thì có thể hòa hoãn, nhưng mục đích đằng sau lại là động thái địa chính trị với tham vọng lớn là giành ngôi vị thứ nhất thế giới.

Ông Hải nhận định cuộc chiến tranh này có thể không dừng lại, nếu dừng lại thì chỉ là “giải lao” để tiếp tục leo thang với hình thức căng thẳng hơn.

Trước những lo ngại về việc doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đối phó, ông Hải cho rằng khi rào cản dựng lên thì lập tức có sự khác biệt về giá. Có rào cản thì sẽ cơ hội về giá và cơ hội kinh doanh cũng sẽ xuất hiện.

Cơ hội dài hay ngắn rất khó xác định, tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp. Theo ông Hải, sự vượt trội về kinh doanh phụ thuộc vào việc tận dụng cơ hội.

"Chúng ta phải coi rằng cuộc chiến tranh thương mại xảy ra là điều bình thường. Mâu thuẫn về chiến tranh cục bộ có thể diễn ra nhiều nước, ở những nơi có thể đạt được mục tiêu về chiếm lĩnh về tài nguyên, công nghệ, thương mại, đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu tận dụng cơ hội được sẽ tạo ra sự vượt trội”, ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp Việt Nam nên giải quyết bài toán cốt lõi về quản trị, điều hành thị trường công nghệ, dành cho nó nhiều thời gian.

Nói về cơ hội về ngành gỗ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Hải cho biết việc đa dạng hóa thị trường là điều kiện bắt buộc khi ngành gỗ thường có giá trị gia tăng thấp cho nên cần giảm số lượng công nhân, tăng năng suất và tìm thị trường mới.

Ông Lý Xuân Hải là cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. Ông Hải đã được mãn hạn tù và được trả tự do hồi đầu năm 2017 sau hơn 4 năm bị tạm giam và thi hành bản án về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".

Từ 1996 đến 2002, ông Hải lần lượt đảm trách các vị trí Phó giám đốc và Giám đốc Ngân hàng ACB chi nhánh Hải Phòng. Sau đó, ông Hải giữ chức Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán ACB (ACBS) từ 2002 đến 2005. Năm 2005, ông Hải được bổ nhiệm Tổng giám đốc Ngân hàng ACB.

Ngày 18/12/2017, ông Lý Xuân Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc chiến lược CTCP Hoàng Anh Gia Lai .

Trước đó, vào tháng 7/2017, ông Hải đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Tơ lụa Bảo Lộc Silk đồng thời là cổ đông lớn nhất nắm giữ 27% cổ phần tại công ty này.

Minh Anh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng