Nguyễn Xuân Trường sinh năm 1984 (Giáp Tý). Anh từng là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và làm việc cho một số công ty trước khi quyết định sang Mỹ học MBA tại trường Đại học Missouri vào năm 2012.
Đầu năm 2014, Nguyễn Xuân Trường về nước và cùng một số người bạn sáng lập startup Olymsearch với định hướng trở thành Google cho lĩnh vực mua sắm ở Việt Nam. Dự án này từng được Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley đầu tư. Tuy nhiên nhận thấy thị trường còn sớm và quy mô giới hạn, anh và những người đồng sáng lập quyết định “fail fast, fail cheap” (thất bại sao cho nhanh nhất, rẻ nhất) và kết thúc hành trình Olymseach ngay trong năm 2014.
7 tháng đầu năm 2015, Nguyễn Xuân Trường gia nhập Adayroi để học tại sao mình thất bại, cũng như hiểu sâu hơn về cách phát triển sản phẩm và xây dựng hệ thống vận hành thương mại điện tử.
Tháng 8/2015, anh có cơ hội gặp Lương Duy Hoài (CEO của Giao Hàng Nhanh và hiện là CEO của Scommerce – công ty mẹ của AhaMove). Một tháng sau, Nguyễn Xuân Trường tham gia vào đội ngũ dẫn dắt AhaMove – startup một tháng tuổi được thành lập với mục tiêu giải quyết vấn đề giao hàng trong nội thành theo nhu cầu.
“Những khoảnh khắc giao thời 2016 - 2017, tôi có một giấc mơ cho AhaMove là trên mỗi con đường, mỗi góc phố TP HCM và Hà Nội đều có một ‘siêu anh tài’ shipper đối tác của mình”, cựu CEO AhaMove nhớ lại.
Trải qua những ngày tháng khó khăn, đến đầu năm 2019, giấc mơ của Nguyễn Xuân Trường thành hiện thực khi đối tác của AhaMove xuất hiện trên khắp các con phố của Hà Nội và TP HCM. Nhưng đó cũng là thời điểm anh nói lời chia tay với AhaMove và đầu quân cho Ví điện tử MoMo. Chia sẻ về sự thay đổi này, Nguyễn Xuân Trường lý giải đơn giản rằng mọi thứ đều xuất phát từ chữ “duyên”.
- Năm 2019 cũng là năm cuối cùng của thập kỷ. Nhìn lại 10 năm qua, anh thấy mình đã làm được gì và chưa làm được gì?
- Thập kỷ qua là 10 năm nhiều cảm xúc trong cuộc đời. Tôi đã vượt qua giới hạn của bản thân khi quyết định sang Mỹ du học MBA dù trước đó chỉ là một kỹ sư đơn thuần. Nhờ mentor (cố vấn) là anh Hùng Trần (nhà sáng lập Got It), tôi quyết tâm du học thành công và chuyến hướng từ học tư vấn quản trị sang khởi sự kinh doanh, “nhào lặn” những công ty theo mô hình sáng tạo và tăng trưởng đột phá được thúc đẩy bởi công nghệ.
10 năm qua cũng là thời gian tôi thực sự dấn thân vào hành trình khởi nghiệp, trải qua nhiều thăng trầm với những kinh nghiệm vô giá. Chưa làm được đủ tới, song tôi đã được nếm trải cảm giác thất bại khi phải kết thúc dự án của mình và dư vị thành công khi gọi được vốn đầu tư mạo hiểm, giúp công ty tăng trưởng đột phá, từng bước tới điểm hòa vốn bền vững.
Về cuộc sống cá nhân, tôi có một gia đình nhỏ hạnh phúc và 3 “startup” riêng thành công là 3 thiên thần nhỏ. Không thể tăng tốc tới “startup” thứ tư, mà thế là đã đủ đầy và cũng khiến tôi toát mồ hôi hột (cười).
- Khi du học ở Mỹ, có khi nào anh nghĩ sẽ ở lại đó làm việc thay vì về nước?
- Đã từ ngày đầu tiên, tới tận ngày cuối cùng, tôi nhất quán với lựa chọn trở về và tạo nên sự thay đổi trên mảnh đất quê hương, nơi tôi mang nặng nghĩa tình và còn nhiều trách nhiệm mang tới sự thay đổi.
- Nếu chỉ nhìn riêng năm 2019, anh có bước thay đổi lớn trong sự nghiệp khi rời bỏ vị trí CEO AhaMove sau hơn 3 năm gắn bó. Đến nay anh có hối hận với quyết định này?
- Chính xác là tôi gắn bó với AhaMove 3 năm 6 tháng 10 ngày. Tôi chưa từng hối hận về quyết định của mình. Thay vào đó, tôi biết ơn những người đồng đội trẻ đến và đi, những người vẫn tiếp tục ở lại trên “núi” AhaMove khi tôi nói lời tạm biệt. Không có họ, tôi không thể nào dẫn dắt AhaMove vượt qua được “vực thẳm”, phát triển như hiện nay. Tôi cũng biết ơn những bài học tại AhaMove đã giúp tôi trưởng thành hơn và cả những anh chị em tài xế không quản ngại nắng mưa, mang hàng triệu đơn hàng đi khắp các nẻo đường. Tôi nghĩ rằng khi một cánh cửa đóng lại là cơ duyên để cánh cửa kế tiếp mở ra.
- Chuyển từ vị trí đồng sáng lập và CEO startup sang “làm thuê” cho MoMo, anh thấy đâu là điều khác biệt?
- Ở AhaMove, chúng tôi gọi nhau là những nhà leo núi AhaClimbers. Khi dừng lại, cũng là hành trình bước xuống núi của tôi. Tôi học được bài học xây dựng tổ chức phát triển đột phá nhờ bám đuổi ý nghĩa cộng đồng, bắt đầu với câu hỏi “Tại sao”. Tôi học được sự biết ơn mỗi khoảnh khắc trên hành trình.
Và tôi cũng học cách quên những thành tựu khi ở trên đỉnh núi để tạo cho mình tâm thế tiếp nhận những bài học mới của một học sinh tiểu học, háo hức cắp sách tới trường ở một ngọn núi cao vượt tầm nóc nhà Đông Dương - MoMo.
- Sau khi từ chức CEO AhaMove, anh từng chia sẻ rằng “làm startup không đẹp như tranh vẽ”. Vậy nếu được đưa ra định nghĩa về startup dựa trên thực tế những gì đã trải qua, anh sẽ nói gì?
- Startup bị chết hoặc ở trong tình trạng không thể lớn nhiều nhan nhản, và tới từ đủ mọi loại nguyên nhân: không có nhu cầu thị trường, “cạn xăng” hết tiền, đội ngũ dẫn dắt “vắt mũi chưa sạch”, cơn bão cạnh tranh càn quét... Đó là một thực tế khắc nghiệt.
Hiếm ai biết loài động vật có sức sống mãnh liệt nhất, xuất hiện từ hơn 300 triệu năm trước, có thể sống sót trước thảm họa hạt nhân và vô cùng khó để diệt trừ chính là gián. Thay vì trông đẹp đẽ nhưng chóng tàn như đóa hoa hồng, startup giai đoạn đầu khởi nghiệp cần chấp nhận xù xì, xấu xí, mà giữ được sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng siêu phàm như loài gián vậy. Cơ hội sẽ chỉ nở rộ với những kẻ sống sót cuối cùng.
- Trong năm 2019, ngoài anh, nhiều CEO các startup gọi xe, giao hàng cũng rời ghế nóng. Theo anh đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này? Phải chăng thị trường gọi xe Việt Nam đã phân định rõ thắng thua khi Grab đang chiếm ưu thế lớn?
- Theo tôi nguyên nhân bên ngoài đến từ sự khốc liệt của thị trường, bao gồm sự cạnh tranh giữa các đối thủ và sự khắt khe trong lựa chọn của khách hàng.
Về phía các công ty cũng có sự thay đổi về chiến lược khi chứng kiến những cú “shock” của các startup kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD) vang bóng như Uber sau IPO giá liên tục giảm, hay tệ hơn là WeWork không niêm yết thành công và giá trị sụt giảm nặng nề. Ofo - một startup theo mô hình chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc - từng được định giá 2 tỷ USD nhờ khoản đầu tư của Ant Financial, phải đệ đơn phá sản.
Ngoài ra, việc các CEO rời ghế nóng cũng có thể đến từ việc họ không còn duyên với tổ chức và đội ngũ đó.
Xét về thị trường gọi xe, tôi cho rằng Go-Viet và Be vẫn đang kiên cường trong cuộc chiến với Grab. Vận tải đường dài Grab chưa làm được gì đáng kể ở một thị trường nhu cầu rất lớn nhưng rất phân mảnh, nơi đó có Phương Trang, Vexere, Havaz và hàng chục nghìn hãng xe truyền thống tại khắp các tỉnh thành.
Về thị trường giao đồ ăn, Now và Go-Viet cũng chiếm thị phần nhất định. Còn với thị trường giao hàng siêu tốc nội thành (cạnh tranh với Grab Express), AhaMove đang có lãi bền vững và tăng trưởng nhanh chóng. Ở thị trường Fintech, MoMo vẫn dẫn đầu và có 5-7 những người “khổng lồ” khác trong cuộc cạnh tranh với Grabpay by Moca.
Và khi quy mô thị trường vẫn đang nở nhanh, bức tranh cạnh tranh sẽ tiếp tục rất sắc màu.
- Anh từng làm việc cho Adayroi (lĩnh vực thương mại điện tử); AhaMove (giao nhận) và giờ đây là MoMo (ví điện tử). Đây đều được coi là những lĩnh vực “đốt tiền” và là thị trường “winner-takes-all market” (người chiến thắng giành lấy tất cả). Quan điểm của anh như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, cụm từ “winner-takes-all market” hơi sáo rỗng và xa vời. Những công ty như AhaMove, Adayroi, MoMo, hay những người đi trước như FPT, Viettel, TGDĐ… dù đã ngã xuống hay tiếp tục cuộc chơi thì đều là những tổ chức đáng phục, vì họ dám lĩnh nhận trách nhiệm người tiên phong, thay đổi nhận thức thị trường để mang lại cho cộng đồng những giá trị xã hội mới. “Đốt tiền” hiểu đúng ở đây là họ chung sức, mượn của cải – nguồn lực từ những tổ chức tài chính có tầm nhìn mạnh mẽ vào tương lai, để liên minh thay đổi hiện trạng.
Nếu họ thành công với sứ mệnh ấy, họ được cộng đồng công nhận. Mỗi lĩnh vực có thể là một hay nhiều công ty dẫn dắt đẩy thị trường đi tới. Thực tế, hành trình đường dài luôn có sự sóng đôi, tam mã, hay tứ hùng, như: thị trường bán giày thể thao có Nike vs. Adidas, bán lẻ có Amazon vs. Walmart vs. Ebay, kiểm toán có E&Y vs. KPMG vs. Deloitte vs. PWC, hay thị trường thương mại điện tử Việt Nam có Shopee vs. Tiki vs. Lazada vs. Sendo.
- Với vị trí giám đốc mạng lưới chuyển tiền (Director of Social Payment), công việc cụ thể của anh tại MoMo hiện nay là gì? Điều gì khiến anh được truyền cảm hứng nhất khi làm việc tại đây?
Ở MoMo, tôi và đội ngũ ở mảng kinh doanh Social Payment mới khai sinh đang nỗ lực tạo nên làn gió mới, nho nhỏ mỗi ngày. Một số dự án có thể kể đến như giúp quyên góp từ thiện qua nền tảng Heo đất MoMo và Trái tim MoMo; Giúp mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt, nỗ lực đi bộ nhiều hơn cùng tính năng “Đi bộ cùng MoMo”; Giúp mọi người có cái Tết vui hơn, với trò chơi Lắc Xì cùng MoMo; Khiến việc chuyển tiền diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn, không cần tiền mặt hiện diện nữa...
Và những giá trị nho nhỏ ấy chính là động lực truyền cảm hứng cho tôi và những đồng đội trẻ mỗi sáng thức dậy nhiều năng lượng cùng MoMo, dù có lúc chưa chung quan điểm khi đối mặt với thách thức nội tại.
- Từng là giảng viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh có nghĩ mình sẽ tiếp tục với nghề dạy học nếu không khởi nghiệp/làm việc cho các công ty khởi nghiệp?
- Tôi từng dạy học, từng được những người thầy dẫn dắt qua gian khó tới trưởng thành, và mỗi ngày chứng kiến lũ trẻ nhà mình khôn lớn dưới sự dìu dắt của người thầy, tôi cũng nhận thấy đây là cái duyên và là trách nhiệm “pay it forward” (Tiếp tục cho đi) của mình.
Giờ đây, khi vẫn đang hữu duyên với môi trường khởi nghiệp, tôi nỗ lực tích lũy và gieo những hạt mầm tri thức từ từng bài học thành công hay thất bại của mình với những đồng đội, anh em, và cộng đồng. Tôi nghĩ đó cũng là một hình thức dạy học.
- Năm 2020 được coi là “năm tuổi” của anh. Có người cho rằng năm tuổi sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn, nhưng cũng có ý kiến đánh giá đây là bước đệm để thành công. Còn với bản thân anh, anh có lo lắng hay chờ đợi điều gì đó đặc biệt trong năm 2020?
- Điểm thú vị là 2020 là năm tuổi con chuột lần 3 của tôi, cũng là năm khởi đầu của hành trình 10 năm thập kỷ tiếp theo trong hành trình sống. Ai cũng có ấp ủ cho riêng mình. Tôi cũng mong đợi những điều nhỏ nhoi, đó là thấy mình còn ý nghĩa cho cuộc sống này và được sống trong hiện tại - như tôi dành trọn tâm trí ở khoảnh khắc đặc biệt Tết đến xuân về này, để chia sẻ câu chuyện hành trình theo đuổi giá trị của cá nhân mình.
- Cảm ơn anh!
Bài: Diệu Tuyết
Thiết kế: Bảo Linh
Theo Người Đồng Hành