Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG được bầu làm tân Chủ tịch Hapro. Hiện doanh nghiệp của bà sở hữu rất nhiều khu 'đất vàng' của Hà Nội.
Sáng 24/6, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018, thông qua kế hoạch kinh doanh sau cổ phần, bầu hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG được bầu làm tân Chủ tịch Hapro; ông Vũ Thanh Sơn là Tổng giám đốc.
Được biết, đại gia Nguyễn Thị Nga là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, hiện doanh nghiệp của bà sở hữu rất nhiều khu đất vàng của Hà Nội.
Theo Zing, tập đoàn này đang sở hữu đất vàng tại Khách sạn Thắng Lợi (cạnh hồ Tây) và xin xây dựng cao ốc 36 tầng.
Trước đó, cuối năm 2014, BRG gây xôn xao thị trường khi mua lại vốn của khách sạn này. Giá trị mua không được công bố. Lô đất vàng nằm ngay cạnh hồ Tây này có diện tích lên tới 42.000 m2
BRG cũng được cho là sở hữu một lô đất nằm ngay cạnh Hồ Hoàn Kiếm rộng gần 3.000 m2 tại 22-32 Lê Thái Tổ, vốn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Intimex Việt Nam.
Từ năm 2009, Tập đoàn BRG đã bắt đầu chi tiền mua lại 11,59% vốn Intimex Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT Intimex Việt Nam.
Đến năm 2015, khi SCIC chủ trương thoái toàn bộ 34,3% vốn tại doanh nghiệp này, Công ty Thung lũng vua (thành viên của BRG) đã chi ra hàng trăm tỷ mua lại toàn bộ số vốn, nâng sở hữu cả trực tiếp lẫn gián tiếp của BRG tại công ty này lên hơn 46%.
Đến tháng 7/2016, UBND TP. Hà Nội cho phép triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ, chính thức xóa sổ siêu thị Intimex.
BRG cũng mua lại và chi phối để gián tiếp sở hữu nhiều khu đất vàng của Tổng công ty thương mại và dịch vụ Hà Nội (Hapro).
Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam là đơn vị trực thuộc tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chuyên kinh doanh ôtô nhãn hiệu Honda, được UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt là nhà đầu tư chiến lược của Hapro.
Theo bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa Hapro đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.
Cụ thể, thông tin trên THCL cho hay, có 32 địa điểm cơ sở nhà, đất Hapro ký hợp đồng thuê nhà đất với Nhà nước thì không tính giá trị tài sản trên đất và đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, phần diện tích Hapro xây dựng thêm được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi IPO.
Có 64 địa điểm có tài sản nhà là tài sản của doanh nghiệp, đất thuê của Nhà nước. Trong đó có dự án 11B Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm không tính vào giá trị doanh nghiệp IPO, đã tính vào giá trị vốn góp của Hapro tại CTCP Khách sạn Tràng Thi (đang nắm giữ 30%). Hapro đang đứng tên thuê đất, có trách nhiệm phối hợp với CTCP Khách sạn Tràng Thi và Sở TNMT Hà Nội để hoàn tất thủ tục đất đai, đầu tư dự án khách sạn tại 11B Tràng Thi. Còn 63 cơ sở nhà, đất còn lại Hapro sẽ phải tiến hành đánh giá lại tài sản trên đất để xác định vào giá trị doanh nghiệp khi IPO.
Đáng chú ý có 3 cở sở nhà đất Hapro đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dài hạn, đã thu tiền cho cả thời gian thuê gồm: Dự án 11B Cát Linh: Có tổng diện tích 17.720m2, đây là tòa nhà cao 15 tầng và 2 tầng hầm, 1 tầng mái, gồm có 5 tầng thương mại, 10 tầng văn phòng cho thuê và trụ sở Hapro. Hiện đang cho 3 công ty thuê lại, trong đó có Vietcombank;
Địa điểm 362 Phố Huế: Có diện tích đất hơn 618m2, diện tích nhà hơn 3.376m2 gồm có 7 tầng cao và 1 tầng hầm, đang cho một ngân hàng thuê.
Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng: công trình này đang xây dựng dở dang và cũng gặp phải không ít tai tiếng. Hapro hợp tác với Doji triển khai xây dựng từ 2010 trên diện tích 1.624m2.
Ngoài ra, Hapro còn đang tham gia đầu tư vào 5 cở sở nhà, đất khác đang có tranh chấp. Đáng chú là có dự án Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình tại 132 Nguyễn Trãi có diện tích đất hơn 3.100m2. Dự án này Hapro hợp tác với CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất, hiện dự án bị tạm dừng do bà Châu Thị Thu Nga đã bị bắt. Hapro được sở hữu 2.200m2 sàn tại tầng 1 và 12 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế ứng trước đã nhận 6 tỷ.
Bên cạnh đó, quỹ đất mà Hapro gián tiếp quản lý và sử dụng cũng khá lớn. Phần lớn quỹ đất này do các công ty con, công ty liên kết mà Hapro nắm phần lớn vốn góp...
Theo Zing, nhiều chuyên gia cho rằng BRG nằm trong nhóm những doanh nghiệp có nhiều "đất vàng" nhất tại Thủ đô.
Theo Hồng Liên/Kiến Thức