Điểm danh các 'đại gia' gục ngã vì COVID-19: Lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng

05/05/2020 00:34

Nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ nặng trong 3 tháng đầu năm vì COVID-19. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn ngành hàng không, xăng dầu báo lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi báo lỗ nặng trong 3 tháng đầu năm vì COVID-19. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn ngành hàng không, xăng dầu báo lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng…

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) hiện đang ôm mức lỗ kỷ lục so với các doanh nghiệp trên sàn là 2.545 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ đến 2.589 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1.197 tỷ đồng.

Kết quả này cũng khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của hãng bay này trong quý đầu năm 2020 âm hơn 3.800 tỷ đồng.

Số lỗ này không nằm ngoài dự đoán vì Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề và hoạt động kinh doanh gần như ngưng trệ trong mùa COVID-19.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội hồi đầu tháng 4, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành ước tính trong quý 1 Vietnam Airlines lỗ 2.383 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 19.212 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp ngành hàng không toàn cầu nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 1 của công ty mẹ giảm 32%, trong đó doanh thu bình quân của hành khách nội địa giảm hơn 29%, của hành khách quốc tế giảm hơn 34%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%. Tổng chi phí giảm ít hơn doanh thu nên lợi nhuận đi xuống, dẫn tới thua lỗ.

Các công ty con của Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ hàng không như Vacs, Skypec, Viags,… cũng ghi nhận sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh, dẫn tới khoản lỗ hợp nhất hơn 2.600 tỷ đồng.

Bên cạnh Vietnam Airlines thì Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) - chủ hãng bay Bamboo Airways cũng là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý 1.

Dù ghi nhận doanh thu thuần tăng 60% lên 4.768 tỷ đồng, tuy nhiên, giá vốn trong kỳ lên tới 6.215 tỷ đồng đã dẫn đến khoản lỗ gộp gần 1.448 tỷ đồng của FLC.

Tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cho biết, giá vốn tăng mạnh là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản của FLC.

Sau cùng, FLC báo lỗ 1.892 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ 1.172 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng hơn 8 năm, FLC phải báo lỗ kinh doanh quý (kể từ sau quý 2/2011).

Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng trong quý 1/2020.

Ngoài khó khăn do COVID-19 gây ra thì những doanh nghiệp ngành dầu khí lại đối mặt thêm với diễn biến giảm mạnh của giá dầu thế giới, chính tác động kép này khiến CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, UPCoM: OIL).

Cụ thể, do kinh doanh dưới giá vốn khi giá vốn ngốn tới 19.982 tỷ đồng, khiến BSR lỗ gộp gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gộp 856 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, BSR lỗ ròng 2.330 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 608 tỷ đồng.

BSR cho biết, quý 1/2020 giá dầu thô bắt đầu giảm mạnh từ 67,02 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,83 USD/thùng bình quân tháng 3/2020, tức giảm 47%.

Với đặc thù về sản xuất, nhà máy phải duy trì một lượng dầu thô và cần thờ gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm bán. Điều này dẫn đến việc khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.

Đồng thời, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh quý 1/2020 của công ty giảm mạnh.

“Ông lớn” khác trong ngành dầu khí là PV Oil ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 537 tỷ đồng, qua đó đưa lỗ lũy kế tại ngày 31/3 lên gần 1.200 tỷ đồng.

Cái tên bất ngờ góp mặt trong danh sách thua lỗ là Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, mặc dù doanh thu thuần của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng nguyên nhân là do hệ thống Vinmart, Vinmart+ lỗ gần 900 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ kể từ quý 2/2014.

Được biết, hệ thống Vinmart, Vinmart+ mới được chuyển giao từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sang cho Masan từ đầu tháng 12/2019.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) của bầu Đức cũng gây bất ngờ khi trở lại quỹ đạo thua lỗ. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 1 đạt gần 834 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Song, gánh nặng chi phí tài chính và lãi từ liên doanh liên sụt giảm mạnh nên Công ty của bầu Đức lỗ tới 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 36 tỷ đồng.

Được biết, năm 2020, HAGL đặt mục tiêu 4.307 tỷ đồng doanh thu thuần, còn lợi nhuận trước thuế là 566 tỷ đồng. Như vậy, riêng trong quý 1, HAGL đã vỡ kế hoạch đề ra, liệu 3 quý còn lại có khả năng hoàn thành kế hoạch?

Trước tình hình đó, bầu Đức đã có đôi lời nhắn nhủ với cổ đông trong Báo cáo thường niên 2019. Vị Chủ tịch cho biết HAGL đang trong giai đoạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng nên phát sinh các khoản lỗ do chi phí chuyển đổi vườn cây và chi phí thanh lý các tài sản gắn liền với vườn cây cũ, trong khi hơn một nửa diện tích cây ăn trái đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản.

Các khoản lỗ này sẽ giảm dần và HAGL sẽ nỗ lực để chuyển sang trạng thái có lợi nhuận trong thời gian sớm nhất.

Anh Nhi

Theo Vietnamdaily