Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Forbes 30 under 30 châu Á Nguyễn Hoàng Hải: ‘Tôi chủ động đề xuất tìm CEO mới thay mình’

18/08/2020 12:15

Với Nguyễn Hoàng Hải, Co-founder startup Canavi, thành công không phải là giữ chiếc ghế CEO cho riêng mình mà là tìm được người phù hợp dẫn dắt công ty ngày một phát triển hơn

Nguyễn Hoàng Hải sinh năm 1990, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường RMIT Hà Nội. Anh từng cùng một số bạn trẻ khác thành lập công ty sản xuất video quảng cáo VIVI Digital và là cổ đông của công ty cổ phần truyền thông AdsBNC.

Năm 2015, khi vào TP HCM mở rộng thị trường cho VIVI Digital, Hải và cộng sự nhận ra nhu cầu tuyển dụng nhân viên nữ bán thời gian tại đây rất lớn. Ý tưởng thành lập Canavi.com - một trang web tuyển dụng các công việc cho nữ giới như PG, người mẫu ảnh, MC, trợ lý, thư ký... ra đời từ đó.

Tháng 4/2017, Hải là một trong 3 CEO startup Việt được tạp chí Forbes vinh danh trong Top những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á. Tháng 7 cùng năm, Canavi công bố nhận đầu tư từ quỹ ESP Capital.

- So với thời điểm được tạp chí Forbes châu Á vinh danh trong Top 30 under 30 năm 2017, anh và Canavi hẳn đã có một số thay đổi?

- Sau quãng thời gian năm 2017 thì cả năm 2018 Canavi ngồi làm lại sản phẩm để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chúng tôi quyết định “lấn sân” sang các mảng việc liên quan đến nhà hàng, khách sạn, chuỗi bán lẻ... đồng thời mở rộng đối tượng ứng viên tuyển dụng thay vì chỉ dành cho nữ giới như trước đây.

Sau khi chính thức “launching” mô hình mới vào tháng 4/2019 thì mỗi tháng người dùng và giao dịch tăng trưởng 15%. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, công ty chững lại vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đầu tháng 7 vừa qua, Canavi cũng bổ nhiệm một Co-founder khác đảm nhận vị trí CEO. Hiện công việc của tôi không thay đổi nhiều, đó là quản trị tài chính và làm việc với các nhà đầu tư ở công ty (CIO - Chief Investor-Relation Officer), có khác chỉ là khác chức danh thôi.

- Việc chuyển hướng từ công việc chỉ dành cho phái nữ sang nhiều đối tượng hơn đã đem lại những kết quả gì cho Canavi?

- Tôi cho rằng việc mở rộng đối tượng tuyển dụng là đúng đắn. Điều này giúp Canavi có thể làm việc được với những tệp khách hàng đa dạng hơn, từ đó giúp tăng trưởng doanh thu. Ngoài ra, công ty cũng giúp được nhiều ứng viên phù hợp kiếm được việc làm.

- Rời khỏi vị trí CEO sau nhiều năm gắn bó, anh cảm thấy thế nào?

- Quyết định bổ nhiệm CEO mới được đưa ra bởi tôi và đội ngũ đồng sáng lập, các nhà đầu tư hiện tại cũng ủng hộ quyết định đó. CEO mới có thế mạnh về vận hành chi tiết doanh nghiệp, giai đoạn này năng lực đó sẽ phù hợp hơn. Tôi cảm thấy thoải mái vì mình là người chủ động đưa ra đề xuất này. Tôi nghĩ mình đã điều hành công ty khá lâu, đây là lúc cần phải thay đổi để có những bước tiến mới.

- Đại dịch Covid-19 có phải một trong những nguyên nhân khiến anh quyết định rời “ghế nóng”?

- Thực tế, tôi và các nhà đầu tư đã nghĩ tới việc bổ nhiệm một CEO mới từ 2 năm nay rồi, nhưng giờ mới chọn được người phù hợp để làm điều đó. Nếu không có Covid-19 có thể tôi đã rời ghế CEO từ cuối năm trước.

- Theo anh, khi nào một startup nên có sự thay đổi ở vị trí CEO và người sáng lập có nhất thiết phải đảm nhiệm vai trò này?

- Theo tôi, sau 2-3 năm đầu thì người sáng lập nên tìm lứa kế cận thay thế mình để giúp công ty có những làn gió mới phát triển tốt hơn. Mọi chuyện phải tuỳ vào suy nghĩ của người sáng lập và hoàn cảnh cụ thể để đưa ra quyết định. Với cá nhân tôi thì tôi thấy hiện tại người sáng lập (là mình) nên có người mới thay thế. Tất nhiên, tôi vẫn đồng hành cùng đội ngũ và hỗ trợ họ bình thường.

- Khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, anh và đội ngũ của mình có cảm thấy hoang mang?

- Lúc đó tôi cũng chưa kịp hoang mang. Nhưng theo thói quen thì toàn bộ đội ngũ sáng lập đã ngồi lại để tính những tình huống xấu nhất có thể xảy đến và giải pháp được đưa ra cho từng trường hợp. Thực tế thì tình hình dịch bệnh hiện nay cũng rất xấu như lúc đội ngũ sáng lập đã thảo luận với nhau.

- Đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến startup của anh?

- Do ảnh hưởng chung của Covid-19, nên doanh thu của Canavi giảm 40% so với cùng kỳ. Tình hình tuyển dụng hiện nay của công ty đã tích cực trở lại, nhưng vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ. Những nhà đầu tư, đội ngũ sáng lập chính là những người bạn, cố vấn giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Kế hoạch của Canavi đặt ra hồi đầu năm 2020 đến nay gần như thay đổi toàn bộ. Mọi thứ sẽ được điều chỉnh dựa vào tình hình thực tế vì hiện tại có tính toán thế nào thì hầu hết cũng sẽ không đúng.

- Vậy còn chuyện giảm lương, sa thải vì Covid-19 – điều này có xảy ra tại Canavi? Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, anh nghĩ startup của anh có thể cầm cự bao lâu nếu không có nguồn vốn mới?

- Đầu tháng 5, công ty đã có bước điều chỉnh tái cấu trúc lớn. Việc này cũng gây tranh luận cho nhiều nhân sự, những ai lúc đó chấp nhận cùng Canavi thay đổi thì ở lại, số khác không đồng ý đã rời đi. Sau lần điều chỉnh đó, tình hình hiện tại của công ty đã khả quan hơn nhiều. Nếu tình hình dịch có kéo dài sang năm tới thì Canavi vẫn hoạt động bình thường mà không cần huy động thêm vốn mới.

- Được biết hồi tháng 4, Canavi đã triển khai chiến dịch “10.000 việc làm vì cộng đồng”. Từ đâu anh có ý tưởng này và kết quả của chương trình ra sao?

- Trong tháng 4 khi dịch diễn ra phức tạp, đội ngũ Canavi cũng định để nhân sự nghỉ để đợi tình hình tốt lên thì đi làm lại. Tuy nhiên, thời gian đó có quá nhiều ứng viên mất việc và bị kẹt lại ở Hà Nội và TP HCM nên đội ngũ đã ngồi lại và thống nhất để chạy chiến dịch này trong một tháng. Sau đó, tôi bàn với chị Tú Ngô (Đồng sáng lập Yola) và anh Trần Quang Hưng (Phó Bí Thư Thành Đoàn Hà Nội), anh Hiếu (Đồng sáng lập học viện G.A.P) để cùng nhau tổ chức chương trình.

Sau chiến dịch có tổng hơn 300 doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tuyển dụng thành công hàng nghìn việc làm thời vụ cho ứng viên trong giai đoạn dịch. Trong suốt một tháng diễn ra chương trình, học viện G.A.P đã hỗ trợ tổ chức đào tạo online 4 buổi học về kỹ năng viết CV, kỹ năng phỏng vấn và kỹ năng bán hàng để các ứng viên có thể trau dồi thêm kiến thức, thích ứng nhanh hơn với công việc mới, với tổng số lượng hơn 300 người đăng ký tham dự các khoá học..

- Sau đợt Covid-19 đầu tiên, startup của anh đã rút ra một vài bài học?

- Sau đợt Covid-19 đầu tiên, startup của tôi có một bài học là luôn phải chuẩn bị kế hoạch để giải quyết cho những điều còn tồi tệ hơn. Khi đợt dịch Covid-19 thứ hai diễn ra, đội ngũ Canavi đã thích ứng dần và cũng không bị xáo trộn nhiều như lần đầu tiên nữa. Hiện chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho các tình huống dịch sẽ trở lại vào mùa thu, mùa đông hoặc kéo dài sang năm sau.

- Một ngày của anh và các nhân viên Canavi thời Covid-19 diễn ra như thế nào? Nó có gì khác so với trước khi đại dịch diễn ra?

- Trước Covid-19 thì đội ngũ sẽ ưu tiên dành thời gian tìm kiếm ứng viên. Tuy nhiên giờ thời gian chính là đi tìm kiếm các nhà tuyển dụng. Thời gian cách ly xã hội công ty để toàn bộ nhân viên làm việc từ xa. Hiện tại thì nhân sự vẫn đến công ty làm việc như bình thường. Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay nước diệt khuẩn... vẫn được chúng tôi áp dụng theo quy định.

- Anh đánh giá như thế nào về những ảnh hưởng của Covid-19 đến các startup tuyển dụng nói chung? Canavi đã có giải pháp hoặc bước chuẩn bị gì cho những thay đổi trong tương lai?

- Nhìn chung hiện nay nguồn cung ứng viên đang rất dồi dào, tuy nhiên, nguồn tuyển từ công ty (bên chi trả) lại đang thu hẹp lại, nên rất ảnh hưởng đến các công ty tuyển dụng. Trong thời gian tới, sự chênh lệch giữa hai đầu này sẽ ngày càng lớn. Hiện tại giải pháp với các startup tuyển dụng là tối ưu quy mô để giảm chi phí và tăng nhân sự bán hàng để tiếp cận các khách hàng vẫn còn nhu cầu tuyển dụng.

- Như anh chia sẻ, thời gian chính của Canavi hiện nay là tìm kiếm nhà tuyển dụng, vậy công ty có chính sách gì đặc biệt dành cho khách hàng? Theo anh đâu là điểm khác biệt của Canavi so với các startup về tuyển dụng trên thị trường?

- Điểm cơ bản trong mô hình của Canavi là Job Matching - tức là thu phí dựa trên lượt kết nối công việc thành công, toàn bộ quy trình đều được kiểm soát trên hệ thống, so với mô hình thu phí đăng tin (Job Listing) của các bên khác. Theo tôi, trong tình hình hiện tại, mô hình Job Matching sẽ được các nhà tuyển dụng ưu tiên lựa chọn hơn.

- Bất chấp Covid-19, thời gian qua nhiều startup tuyển dụng tại Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư từ các quỹ ngoại. Canavi vẫn chưa thực hiện vòng gọi vốn mới, anh có lo lắng rằng với tiềm lực tài chính tốt hơn, các startup khác sẽ bỏ Canavi ở lại phía sau?

- Đương nhiên là chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng mục đích cuối cùng của huy động vốn cũng là có thêm nhiều khách hàng mới để phục vụ. Vì vậy, hiện nay việc Canavi ưu tiên là huy động vốn từ chính các khách hàng vẫn còn đang tin tưởng sử dụng dịch vụ của mình. Đó là điều quan trọng nhất.

- Covid-19 có phải thời điểm khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp của anh?

- Tôi nghĩ rằng khi nhìn lại chặng đường khởi nghiệp thì lúc nào cũng có khó khăn. Covid-19 có thể là giai đoạn khó khăn nhất vì ảnh hưởng chung tới hầu hết ngành nghề ở tất cả các quốc gia, hạn chế việc đi lại, gặp gỡ nên nguồn thông tin, nguồn vốn ở tất cả các nơi hầu như đóng băng. Những lúc này, nếu vẫn có những người sáng lập cùng đồng hành đó là điều vô cùng may mắn.

- Theo anh, yếu tố nào quan trọng nhất giúp người lãnh đạo đưa startup vượt qua những cuộc khủng hoảng như Covid-19?

- Theo tôi, yếu tố đầu tiên là sự thích nghi và thay đổi nhanh chóng, dù sự thay đổi đó có khiến mình ra những quyết định rất khắc nghiệt. Yếu tố thứ hai là quay trở lại với tầm nhìn ban đầu, kiên trì thực hiện theo. Và yếu tố cuối cùng là có mội đội ngũ sáng lập đồng hành cùng mình theo tầm nhìn ban đầu đó.

- Cảm ơn anh.

Bài: Diệu Tuyết

Thiết kế: Bảo Linh

Theo NDH