Giải mã sự thành công của nữ tỷ phú “Thảo VietJet Air"

07/06/2020 11:01

Người ta thường thấy một CEO VietJet cứng rắn, thẳng thắn, kiên định trên bàn đàm phá và đứng vững trước những sóng gió của thương trường. Song, Thảo cũng luôn xuất hiện một cách giản dị và hài hòa trong từng cử chỉ, cách quan sát, tương tác với những người xung quanh. Có lẽ, hiếm có tập đoàn, doanh nghiệp lớn nào, lại có người đứng đầu gần gũi và chan hòa với nhân viên đến thế.

Giải mã sự thành công của nữ tỷ phú “Thảo VietJet Air”

Khi còn nhỏ, Thảo từng ước ao trở thành một cô giáo như mẹ, nghĩa là tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"… là đủ. Tuy nhiên, trường Đại học Plekhanov - nơi Thảo du học theo học bổng Nhà nước - là nơi các chính trị gia, nhà kinh tế, tài phiệt hằng ngày tiếp xúc với nhau; Thầy giáo Thảo là Chủ tịch Quốc hội thời đó.

Lúc này, công cuộc “perestroika” (tiếng Nga, có nghĩa là đổi mới, làm lại từ đầu) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn Liên Xô và Đông Âu, cái nôi của chủ nghĩa xã hội. Bối cảnh này đã tác động sâu sắc đến nhận thức và tiềm năng kinh doanh trong con người Thảo. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc phải dấn thân để mang đến sự thay đổi đã định hình và lớn dần trong con người Thảo.

Việc tiếp cận với các “soái”, đại gia đàn anh cùng du học thời đó trong các nước Liên Xô, Ba Lan, trong đó có “soái Ba Lan” Nguyễn Văn Thân, cựu nghiên cứu sinh ở Ba Lan và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam càng thôi thúc và hiện thực hóa ước mơ đổi đời của Thảo… Và Thảo chính thức tập tành “vừa học, vừa làm”, bước vào kinh doanh ngay từ khi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.

Trong kinh doanh, Thảo sớm biết lắng nghe và thấu hiểu thị trường. Khi khởi sự, mọi thứ tại thị trường Đông Âu đều khan hiếm thì Thảo kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu; đồng thời, Thảo cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…

Ngoài “có duyên, có số” trong nghiệp doanh nhân, Thảo là người ham học hỏi và may mắn có quá trình học tập ở những trường lớp cùng các giảng viên hàng đầu. Sự học và kiến thức, kỹ năng của các thầy đã tạo dựng cho Thảo thói quen nghiên cứu bài bản, kỹ càng, rồi mới làm. Thảo cũng coi trọng việc tìm kiếm đối tác phù hợp và may mắn có sự giúp sức của những cộng sự có năng lực, tâm huyết, có tầm…

Với bản tính "cái gì đã quyết làm thì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng", nên năm 21 tuổi, sau 3 năm “khởi nghiệp”, Thảo đã có 1 triệu USD trong tay. Chính thức trở thành “Chủ Soái” trong cộng đồng người Việt ở châu Âu thời đó; thời mà 1 chỉ vàng giá 200.000 đồng và 1 cây vàng giá 450 USD, có thể mua được cả một căn nhà cấp 4 rộng vài chục mét vuông ở một khu tập thể lớn tại phường Cống Vị, đường Liễu Giai, Thủ đô Hà Nội bây giờ...

VietJet là hãng hàng không tư nhân nhận giấy phép số 1, chuyển từ ý định ban đầu phải là một hãng hàng không 5 sao thành mô hình hãng hàng không đại chúng, giá rẻ đích thị là cả một quyết định cách mạng trong nhận thức và chứng tỏ sự nhạy cảm thương trường, gắn quyện với sự thấu cảm nhân văn cao của Thảo.

Chính sự hội tụ đủ các nguồn lực tài chính, kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ không mấy ai có được sau 30 năm kinh doanh ở nước ngoài và ở Việt Nam đã tạo nên cơ hội “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. Bên cạnh đó, cùng với sự đúng đắn của chủ trương chiến lược tránh cạnh tranh đối đầu, ưa tự mở mang “khốt” mới (tiếng Nga chỉ kênh, cách làm ăn mới), khai thác đối tượng khách hàng mới, thị trường ngách mới, sân bay mới, gắn với coi trọng nhu cầu thị trường và biến hạnh phúc của hàng triệu người dân lần đầu tiên có cơ hội đi máy bay là niềm hạnh phúc của mình, mà tỷ phú đã thành danh trong lĩnh vực hàng không, vốn đã nhấn chìm nhiều tên tuổi và sự nghiệp của không ít tỷ phú trong nước và quốc tế này.

Tay không mà "gột nên hồ", từ cô sinh viên mảnh dẻ và hay cười thuở nào mà đến nay, Nguyễn Thị Phương Thảo đã là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không VietJet, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank. Chị là Cử nhân Kinh tế và Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sỹ Kinh tế.

Thảo quan niệm: Cái tâm và tính thiện lương đều có trong mỗi người và sẽ hướng mình làm điều đúng đắn, có ích cho xã hội. Ở vị trí lãnh đạo, ngoài tự nêu gương, Thảo biết khơi gợi trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên, biến tính lương thiện và coi các hoạt động ý nghĩa hướng đến cộng đồng phải trở thành một phần đời sống của văn hóa doanh nghiệp.

Với doanh nhân, mỗi năm gần đến Tết, việc thăm hỏi đối tác làm ăn là nghĩa cử quan trọng; nhưng với Thảo, nếu mà chưa đi thăm hỏi, tặng quà những hoàn cảnh khó khăn, người có công… thì lòng còn thấy bứt rứt, tâm chưa an yên…!

Với Thảo, tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp và giúp đỡ được nhiều người hơn! Kinh doanh giúp bản thân lớn mạnh hơn để giúp đỡ được nhiều người hơn, chia sẻ thành quả của mình với xã hội, đặc biệt là những người yếu thế, thiệt thòi...

Bởi vậy, Thảo đã luôn dành một phần đáng kể thu nhập của mình cho các chương trình xã hội, chương trình thiện nguyện và các chương trình mang tính chất tạo bệ phóng cho nhan sắc, trí tuệ Việt tỏa sáng, vươn xa như: Giải cờ vua quốc tế của HDBank; bóng đá futsal; các cuộc thi hoa hậu…

Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do VietJet và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp thực hiện thu hút hơn 6 triệu đoàn viên thanh niên ủng hộ, cổ vũ, truyền cảm hứng cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của từng mảnh đất, con người, của đồng bào và hun đúc tình yêu quê hương, đất nước…

Hàng trăm chương trình xã hội, thiện nguyện của Thảo diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương trong nước, và cả ở Philippines, Ấn Độ, nơi hãng hàng không của Thảo bay tới...

Người phụ nữ đứng đầu VietJet ý niệm: Mình cứ cho đi đã, chưa nghĩ đến việc mình nhận về gì. Song, Thảo cũng thật vui và hãnh diện khi thấy kỳ thủ Lê Quang Liêm trưởng thành từ những giải cờ vua HDBank từ nhỏ, nay đã mang về vinh quang và định vị trí tuệ Việt Nam trong làng cờ vua thế giới…

Thảo còn tự hào vì là người góp phần mang hình ảnh đất nước quảng bá ra thế giới, qua những chuyến bay của VietJet mang màu quốc kỳ Việt Nam.

Tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội trong văn hóa kinh doanh của Thảo còn thể hiện cụ thể ở chủ trương: VietJet chỉ sử dụng đội tàu bay mới với tỷ lệ nhiên liệu, khí thải, tiếng ồn giảm nhiều, nhằm cùng các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới chống biến đổi khí hậu.

HDBank đang và sẽ phải từng bước trở thành ngân hàng xanh, cốt lõi là nắm bắt, sử dụng tiến bộ công nghệ mới mang đến những trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho hàng triệu khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn…

Coi trọng tinh thần tự tôn dân tộc thời Minh Trị thần kỳ của Nhật Bản và tinh thần của các doanh nhân chaebol Hàn Quốc. Thảo luôn động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ và tin rằng, khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó sẽ là nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt thời đại mới.

Chính những niềm vui đó cộng tích thành động lực tinh thần và sức mạnh tâm linh của Thảo trong cả kinh doanh và đời thường.

Thảo quan niệm, thương trường là nơi chỉ dành cho những người can đảm, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ nương tay chỉ vì bạn là phụ nữ.

Thảo làm gì cũng đều chuẩn bị kỹ càng từ trước nên sự nghiệp kinh doanh dù sóng gió ngầm luôn chờ chực, song ít trắc trở, không chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng”, hoặc “về mo” hay “đi metro” như cách nói chỉ người phá sản ở Nga thời Thảo bên đó.

Ngoài tinh thần làm việc chăm chỉ và nghiêm túc bên cạnh lòng can đảm và quyết tâm như bao doanh nhân khác, Thảo biết khai thác các phẩm chất được trời phú cho người phụ nữ, như đức hy sinh, sự nhẫn nại và lòng bao dung để cùng với doanh nghiệp của mình đi qua những khó khăn, hướng tới sự toại nguyện trong cuộc sống kinh doanh.

Với Thảo, dù làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, thì cũng đề phải cống hiến và thể hiện năng lực của mình, không ỷ lại vào lợi thế về giới tính…

Đặc biệt, nữ tính của Thảo còn thể hiện rõ trong việc dành nhiều quỹ thời gian cho gia đình, cho công ty, thay vì phải giao lưu, ngoại giao như nam giới. Cũng vì nữ tính cao mà Thảo luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng gấp đôi, gấp ba nam giới.

Về cá tính, Thảo thích sự riêng tư cho cá nhân mình, nhưng công việc lãnh đạo doanh nghiệp đã buộc Thảo phải biến mình thành người của tập thể, của công chúng, luôn ý thức tinh thần gương mẫu đi đầu, chia sẻ và hy sinh sự riêng tư, sở thích của mình.

Thảo thích mặc áo dài và với Thảo, áo dài là quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Mặc áo dài chính là thể hiện sự tôn trọng, khẳng định và giữ gìn giá trị văn hóa của người Việt, giúp người mặc thấy có trách nhiệm với bản thân, phải yêu bản thân, đừng để mất dáng làm xấu, tội cho cho áo dài...

Nữ tính và năng lực thẩm mỹ cao đã giúp Thảo lựa chọn được đồng phục tiếp viên VietJet, được vinh danh và đoạt giải bộ đồng phục tiếp viên hàng không đẹp nhất châu Á.

Thảo khiêm nhường và có phần hay e lệ, không quan tâm thể hiện khâu oai. Thảo không phật ý, mà thấy vui khi thấy những người cộng sự đi cùng được nhiều đối tác làm ăn luôn mời vào trước, đón tiếp tíu tít vì tưởng Thảo chỉ là thư ký nên bị bỏ đứng trơ khấc một mình.

Thảo có trái tim người mẹ luôn đồng hành cùng với bản lĩnh thép doanh nhân. Thảo mang vào trong kinh doanh cả chất phụ nữ và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, kiến thức hàn lâm, quản trị nhân sự...

Đằng sau những phút cứng rắn trên thương trường, “người phụ nữ có bàn tay sắt” này cũng là một người mẹ, người vợ tràn đầy tình yêu thương, luôn quan tâm và chăm sóc từng thành viên trong gia đình, từ những việc nhỏ nhất. Trân trọng con người và những giá trị hạnh phúc nhỏ bé là tính cách nổi bật của nữ Tổng Giám đốc quyền lực này và cũng là triết lý kinh doanh của hãng hàng không VietJet.

Về nhà, dù bận rộn, nhưng cuối tuần Thảo vẫn đi xem phim với con lớn, tắm, bế ẵm con bé… Thảo quan niệm thách thức lớn nhất là làm sao có thể làm tốt nhất vai trò của lãnh đạo trong tổ chức, doanh nghiệp của mình, mà vẫn thăng bằng thiên chức người phụ nữ, lo cho con cái, quán xuyến việc nhà, nấu ăn, đồ đạc ủi sạch thơm tho, biết cách thắt cà vạt cho chồng vừa nhanh và đẹp… Để đạt được trạng thái này, đòi hỏi mình phải nỗ lực gấp ba lần người bình thường.

Trái tim người mẹ Việt Nam và phẩm chất doanh nhân hiện đại luôn đồng hành trong Thảo. Nữ tỷ phú có ý thức và chiến lược lâu dài về sự chuyển giao sự nghiệp thế hệ khi quyết định cho con trai học ở trường phổ thông nội trú ở Anh và dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu: "Mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo".

Con trai Thảo vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu, học giỏi và tự lập ở trời Tây như mẹ và được kỳ vọng trở thành “truyền nhân đời thứ nhất” của “môn phái Thảo VietJet”!

Người ta thường thấy một CEO VietJet cứng rắn, thẳng thắn, kiên định trên bàn đàm phá và đứng vững trước những sóng gió của thương trường.

Song, Thảo cũng luôn xuất hiện một cách giản dị và hài hòa trong từng cử chỉ, cách quan sát, tương tác với những người xung quanh.

Có lẽ, hiếm có tập đoàn, doanh nghiệp lớn nào, lại có người đứng đầu gần gũi và chan hòa với nhân viên đến thế.

Thảo không từ chối chụp ảnh chung với nhân viên, dù đó là người giản dị nhất trong hàng chục nghìn lao động đang làm việc trong tập đoàn.

Thảo chưa bao giờ nghĩ mục tiêu chính mình có bao nhiêu tiền, vì cuộc sống không thiếu thốn.

Làm doanh nhân, Thảo luôn nghĩ làm sao cho doanh nghiệp, nhân viên mình phát triển tốt nhất. Thảo chưa đuổi việc ai bao giờ và được nhân viên gọi là "sếp hiền".

Là phụ nữ Hà Nội từ nhỏ đã được rèn giũa nữ công gia chánh, nên ngày lễ, Tết Thảo luôn tự tay làm cỗ, thắp hương gia tiên, ông bà.

Ngày đầu năm, Thảo cũng luôn tự tay nấu bếp mời anh chị em cộng sự bữa tiệc chào xuân mới.

Thảo làm điều đó hoàn toàn tự nguyện, với tâm niệm: Nhờ năng lượng của đất trời, hồng phúc của ông bà tổ tiên, anh linh của người đã khuất mình mới được như ngày hôm nay, mình tự làm cỗ, sắp lễ thành tâm mới là phải đạo.

Và cái Đạo Làm Người đơn giản ấy góp phần tạo nên cốt cách riêng, nền tảng vững chắc giúp cho Thảo luôn đi đúng đường và trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam trên thế giới.

Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã làm được một đại sự mà chưa từng có người Việt Nam nào làm được cho đến nay, đó là khẳng định, phụ nữ Việt Nam không thua kém các phụ nữ trên thế giới về khả năng kinh doanh, làm giàu.

Với nhiều tỷ phú như nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chắc chắn một ngày không xa, đất nước Việt Nam ta sẽ có thể “vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.

Hà Nội, ngày đại dịch Covid-19

TS. Nguyễn Minh Phong / Thiết kế: An Nguyên

Reatimes
http://reatimes.vn/giai-ma-su-thanh-cong-cua-nu-ty-phu-thao-vietjet-air-20200324115912880.html

Bạn đang đọc bài viết "Giải mã sự thành công của nữ tỷ phú “Thảo VietJet Air"" tại chuyên mục Featured.