Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giám đốc Manpower Việt Nam: Doanh nghiệp đang ngày càng khó tuyển nhân sự có kỹ năng chuyên môn sâu, lành nghề

04/09/2019 16:00

“Khi đi tuyển dụng, ngồi trước mặt các sếp, dựa vào kinh nghiệm, thành tựu và mức lương hiện tại của bản thân, người lao động phải biết mình cần gì, muốn gì. Ngoài ra, cần tìm hiểu vị trí ấy trên thị trường thường có thu nhập tương ứng như thế nào. Từ đó, tự đặt ra mức lương kỳ vọng phù hợp, thể hiện bản thân thật tốt và khéo léo khi thương lượng với sếp”


“Khi đi tuyển dụng, ngồi trước mặt các sếp, dựa vào kinh nghiệm, thành tựu và mức lương hiện tại của bản thân, người lao động phải biết mình cần gì, muốn gì. Ngoài ra, cần tìm hiểu vị trí ấy trên thị trường thường có thu nhập tương ứng như thế nào. Từ đó, tự đặt ra mức lương kỳ vọng phù hợp, thể hiện bản thân thật tốt và khéo léo khi thương lượng với sếp”

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Toàn quốc Dịch vụ Tuyển Dụng và Tư Vấn Nhân sự Tập Đoàn Manpower Việt Nam trước thềm diễn ra chương trình “Cơ hội cho ai - Whose Chance”  trong tháng 9/2019 trên VTV3. Đây là chương trình truyền hình thực tế, các ứng viên trả lời phỏng vấn, thương lượng trực tiếp với các sếp cấp cao của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

 

Theo bà Trang, chương trình được xem là tạo “cú hích” cho thị trường lao động, có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường lao động tại Việt Nam trước bối cảnh: Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều gặp khó khăn trong tuyển dụng những người có năng lực tốt hay còn gọi là nhân tài.

“Khi ngồi phỏng vấn trực tiếp trước mặt các sếp, là những ông chủ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, dựa vào kinh nghiệm, thành tựu và mức lương hiện tại của bản thân, người lao động phải biết mình cần gì, muốn gì. Ngoài ra, cần tìm hiểu vị trí ấy trên thị trường thường có thu nhập tương ứng như thế nào. Từ đó, tự mình đặt ra mức lương kỳ vọng phù hợp, thể hiện bản thân thật tốt và khéo léo khi thương lượng với sếp”, bà Trang nhắn nhủ.

Nói về chương trình thực tế giúp bạn trẻ tiếp cận cơ hội nghề nghiệp ở các doanh nghiệp lớn trong nước hiện nay, bà Trang cho rằng, điều đầu tiên ngay cả khi lên truyền hình hay ở ngoài thực tế thì các ứng viên phải giữ cho tinh thần thật tốt để nói chuyện với các sếp, làm sao thể hiện được những giá trị của bản thân rõ nét nhất trước sếp.

“Khi được lựa chọn, ứng viên cần cho các sếp thấy “Tôi là ứng viên có kinh nghiệm và thái độ phù hợp với doanh nghiệp của các sếp. Từ đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp so với các ứng viên khác”, Bà Trang nhấn mạnh.

Theo vị giám đốc Tập đoàn Manpower Việt Nam, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đang muốn tìm cơ hội nghề nghiệp, mong muốn thay đổi bứt phá hoặc có những hoài bão được làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Việc tạo ra những chương trình thực tế về nghề nghiệp sẽ tạo được “cú hích” cho thị trường lao động, có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường lao động trong nước. Người lao động sẽ cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trong khi từ phía các sếp của doanh nghiệp sẽ có cơ hội ngoài việc tìm kiếm được nhân sự phù hợp với công ty còn giúp họ quảng bá được văn hoá doanh nghiệp, cách thức tuyển dụng, những chính sách đặc biệt của doanh nghiệp và uy tín của doanh nghiệp trên thị thị trường lao động, thu hút được nhân tài cho công ty về lâu dài.

Theo báo cáo của ManpowerGroup về tình hình nhân sự, cho thấy, 45% nhà tuyển dụng toàn cầu báo cáo việc tuyển dụng đang trở nên khó khăn hơn khi họ nỗ lực vô cùng trong việc tuyển dụng những nhân viên có đầy đủ kỹ năng chuyên môn và tố chất phù hợp với yêu cầu công việc. Đặc biệt ở những vị trí yêu cầu kỹ năng lành nghề, đại diện bán hàng và kỹ sư cũng là những kỹ năng khó tìm kiếm nhất. Trong đó, ứng viên thiếu kỹ năng chuyên ngành hoặc kỹ năng mềm là các lý do chính khiến nhà tuyển dụng toàn cầu gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân tài cho công ty.

Giám đốc Manpower Việt Nam: Doanh nghiệp đang ngày càng khó tuyển nhân sự có kỹ năng chuyên môn sâu, lành nghề - Ảnh 1.

Hiện nay đa số doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tuyển dụng những người có năng lực tốt/nhân tài

Cũng theo đơn vị này, 56% những nhà tuyển dụng đang thay đổi mô hình làm việc hiện tại của mình, bao gồm mô hình làm việc linh hoạt (về thời gian, không gian, cách thức làm việc...) để có thể tuyển được người. Đồng thời, 33% nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nguồn nhân tài đến từ nhiều chủng tộc đa dạng, các độ tuổi hay khu vực địa lý khác nhau nhằm khai thác tối đa nguồn nhân tài, bao gồm những người nghỉ hưu muốn đi làm lại, những người thất nghiệp dài hạn hoặc những bậc phụ huynh đi làm lại sau giai đoạn nghỉ thai sản và những người làm việc bán thời gian.

Điều này cho thấy, nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng thuộc tất cả các lĩnh vực mà các nền kinh tế trên toàn cầu đang cần ngày càng gia tăng, trong khi nhà tuyển dụng đang rất khó khăn trong việc tìm được nguồn nhân tài được trang bị đầy đủ những kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm mà họ cần.

Vì vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, doanh nghiệp cần một cách tiếp cận mới để thu hút, tuyển dụng và giữ chân người tài. Cụ thể, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài hiện nay, các doanh nghiệp cần tìm kiếm nhân tài có kỹ năng từ bên ngoài, tìm các nguồn lực hỗ trợ và tạo điều kiện để nhân lực có kỹ năng được đảm trách các vai trò khác nhau trong tổ chức. Trong đó, cần đánh giá cao tiềm năng của người lao động hơn là hiệu suất làm việc của họ. Trên hết là doanh nghiệp phải xây dựng tài năng để tạo ra một lực lượng lao động có đầy đủ các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm mà các doanh nghiệp cần để phát triển trong hiện tại cũng như tương lai.


Phương Nga

Theo Nhịp Sống Kinh Tế