Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hết VCB đến lượt HPG vào 'tầm ngắm' của Hoa hậu Mai Phương Thúy với các phân tích đầy chất xám

19/05/2020 00:55

Sau VCB, Hoa hậu Mai Phương Thúy tiếp tục khiến giới đầu tư phải trầm trồ khi có những phân tích sắc nét khi đầu tư cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Sau VCB, Hoa hậu Mai Phương Thúy tiếp tục khiến giới đầu tư phải trầm trồ khi có những phân tích sắc nét khi đầu tư cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đang là tâm điểm trong phiên 18/5 khi tăng trần ở mức giá 25.100 đồng/cp với dư mua lên đến hơn 4 triệu cổ phiếu, tổng khối lượng đặt lệnh lên đến hơn 13 triệu cổ phiếu.

HPG đạt trần cũng mang đến niềm vui đến một nàng hậu nổi tiếng trong lĩnh vực chứng khoán đó là Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, nàng hậu chia sẻ bản thân tự nhận mình "ôm nhiều cổ phiếu", không những thế cô còn công khai danh mục của mình bao gồm chị Thảo Vietjet (VJC), chú Long Hòa Phát (HPG) và tất nhiên không thể thiếu anh Thành Vietcombank.

Ngay trong trưa 18/5, Hoa hậu Mai Phương Thúy đã có đôi dòng chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình với những lời mở đầu: “Nhân một ngày HPG gần CE...”.

Theo nàng hậu thì đội ngũ điều hành, chất lượng sản phẩm, và tình hình tài chính là những điểm nên nhìn để xem chất lượng của Hòa Phát.

Mai Phương Thúy cho rằng tỷ lệ trả nợ vay của HPG chưa đến 43%. Tỷ lệ trả nợ vay quá thấp so với lợi nhuận và doanh số. Hòa Phát có dòng tiền tốt nên lãi suất vay quá tốt (5.7%).

"Trong khi hiệu quả đầu tư ngay cả trong năm 2019 cũng đã tốt rồi, và Dung Quất có thể xem là đã thành công bước đầu. Nhìn debt equity ratio (Nợ/Vốn chủ) của HPG tầm 0.69 là quá tốt cho một doanh nghiệp đang tăng 3-3.5x công suất.

Thậm chí HPG sẽ trả cổ tức tiền mặt cho năm nay. Với tình hình đang diễn ra, HPG nếu muốn có thể trả hết nợ trong 3-4 năm tới. Tất nhiên là HPG sẽ không làm vậy.

Ở góc cạnh nào đó, xu hường giảm lãi suất tại Việt Nam cũng như thế giới đang có lợi cho các doanh nghiệp lớn có dự án tốt và vay mượn khá. HPG là một trong số đó."

Tại buổi gặp mặt đại diện các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước vài ngày 15/5, bà Phạm Thị Kim Oanh – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020, dư nợ của Hòa Phát tăng lên khoảng 46.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng xoay quanh 22.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt sẽ tăng lên tương ứng.

Do đó nợ ròng của Hòa Phát (tức dư nợ trừ tiền mặt) đến cuối năm cũng xoay quanh mức 35.000 tỷ đồng như thời điểm hiện nay, đảm bảo sức khỏe tài chính an toàn.

Về mức định giá, Hoa hậu Mai Phương Thúy phân tích “Nhìn vào EV/EBITDA, HPG năm 2020 có lẽ sẽ đâu đó ở mức 5.2-5.4x, trong khi nhìn các công ty thép trong khu vực với lợi thế cạnh tranh kém hơn và giai đoạn phát triển khác nhau thì Thúy thấy cũng tầm 6-6.5x bình quân.

Nhìn chút về số liệu quá khứ, PER của Hòa Phát tầm 6.8x và PBR tầm 1.1x cho năm 2020 so với mức median khoảng 7.5x PER và 1.6x PBR trong 5-10 năm qua. Có lẽ HPG bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với một định giá rẻ hơn mức bình quân trong quá khứ của chính nó. Một mức PBR 1.1x với ROE khoảng 18-20% cho năm 2020-21, và mức tăng trưởng tầm 25-30%, không dễ tìm.”

Ảnh chụp bài đăng của Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Hòa Phát dự kiến có lãi 9.000 - 10.000 tỷ đồng năm 2020

Được biết, Hòa Phát đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2020 với doanh thu dao động khoảng 85.000 - 95.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế dao động từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực kinh doanh thép, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long chia sẻ, đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, chứ không phải Formosa. Hiện tại thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 31,4%, dẫn đầu cả nước và đã vươn lên dẫn đầu về sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ, doanh thu mảng nông nghiệp dự kiến đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ cho năm 2020, lớn thứ 2 sau mảng thép.

Sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp một cách cẩn trọng và vững chắc, các trang trại chăn nuôi đều đang phát triển tốt, trình độ quản trị sản xuất ngày càng được nâng cao. Bò Úc của Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 sau gần 5 năm đầu tư với hơn 50%, trứng gia cầm cũng thuộc Top đầu với hơn 400.000 quả/ngày.

Trong năm nay, Hòa Phát dự kiến cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, 200.000 con heo thương phẩm (chưa tính heo giống, heo cai sữa) và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày vào thời điểm cuối năm 2020.

Nói thêm về nông nghiệp quý 1, ông Long cho biết, lợi nhuận lĩnh vực này đã đạt gần 500 tỷ, nhưng không thể nhân 4 kết quả của quý I cho cả năm vì có thể thị trường còn nhiều biến động, nhất là Chính phủ đang điều hành điều tiết giá thịt heo theo hướng giảm.

Anh Nhi

Theo Vietnamdaily