Sinh nhật 10 tuổi Winmart

[Hồ sơ doanh nhân] Park Tae Joon – “Người đàn ông của thép”

22/10/2018 11:09

Nhà sáng lập Posco là ông Park Tae Joon, được người Hàn mệnh danh là “ông vua ngành thép”. Trong 25 năm ông lãnh đạo dưới cương vụ Chủ tịch từ 1968, Posco đạt sản lượng sản xuất 21 triệu tấn thép mỗi năm.

Ông vua ngành thép

Ông Park Tae Joon (1927-2011) là một ông trùm kinh doanh người Hàn Quốc, ông còn là một nhà lãnh đạo chính trị, một anh hùng thời chiến và cũng là một nhà từ thiện.

Thành công nổi tiếng nhất của ông bao gồm việc thành lập POSCO vào năm 1968 và phát triển nó thành một trong những công ty thép lớn nhất và thành công nhất thế giới trong suốt nhiệm kỳ nhiều thập kỉ của ông với vai trò Chủ tịch và Giám đốc điều hành. Nếu như Andrew Carnegie là một trong những doanh nhân kiến tạo, là vua thép của nước Mỹ thì ở Hàn Quốc chính là Park Tae Joon.

Park Tae Joon xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Trước đó, ông từng phục vụ trong Quân đội Nam Triều Tiên và chỉ huy một số trung đội trong Chiến tranh Triều Tiên và cuối cùng lên đến cấp Thiếu Tướng. Ông cũng thành lập POSTECH (trường đại học nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc), đội bóng Pohang Steelers, và quỹ POSCO TJ Park. Là một chính trị gia, ông từng giữ chức vụ Thủ tướng của Hàn Quốc. Bút hiệu của ông là Chungam.

Với ý chí, nghị lực và tình yêu đất nước, con người Hàn Quốc, ông đã biến khát vọng thành hiện thực. Từ một quốc gia không có thép, ông Park Tae Joon đã kiến tạo Posco Hàn Quốc khiến nước này trở thành cường quốc về thép, bản thân ông cũng trở thành một doanh nhân thần tượng của giới trẻ Hàn Quốc. Park Tae Joon được ví như một trong ba ngôi sao trên bầu trời doanh nhân Hàn Quốc, bên cạnh Lee Byung Chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung, Chung Ju Yung - người sáng lập Tập đoàn Hyundai.

POSCO (trước đây là Pohang Iron and Steel Company) là một công ty sản xuất thép đa quốc gia có trụ sở tại Pohang, Hàn Quốc. Năm 2010, POSCO từng là công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường. Sản lượng của công ty này đạt 39,1 triệu tấn thép thô trong năm 2011. Công ty này đạt sản lượng 42 triệu tấn thép thô vào năm 2015, khiến họ trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ tư thế giới. Ngoài ra, trong năm 2012, công ty này trở thành tập đoàn lớn thứ 146 trên thế giới do tạp chí Fortune liệt kê 500 tập đoàn, công ty lớn nhất thế giới.

POSCO hiện đang hoạt động tích hợp hai nhà máy thép tại Hàn Quốc, tại thành phố Pohang và Gwangyang. Ngoài ra, POSCO còn có hoạt động liên doanh với tập đoàn thép U.S. Steel, lấy tên USS-POSCO nằm ở Pittsburg, California, Hoa Kỳ.

Câu chuyện "chế tạo thép báo quốc" và những ưu ái đặc biệt

Nguyên nhân chính đằng sau thành tựu này là sự hậu thuẫn nhiệt tình từ ông Park Chung Hee. Sau khi Park Chung Hee lên chức Tổng thống Hàn Quốc năm 1961, ông Park Tae Joon được chỉ định chức Tổng thư ký.

2 năm sau, ông được thăng chức lên Chủ tịch của Korea Tungsten, một công ty xuất khẩu nhân kim loại vonfam theo đề nghị của tổng thống Park Chung Hee, vì chỉ có ông mới có khả năng cứu vãn "cỗ máy in tiền cho Hàn Quốc" trong cơn điêu đứng và thua lỗ. Nhờ bố trí nhân tài đúng chỗ, quét sạch những nhờ vả, tổ chức nhân sự trong sáng, quản lí tài chính một cách tiên tiến, cải tiến nguyên tắc kinh doanh, cải thiện phúc lợi, Park Tae Joon đã cứu Đại Hàn Vonfram khỏi vũng lầy của sự thua lỗ triền miên và chuyển sang cơ chế lợi nhuận.

Ông cũng được Tổng thống lệnh lên kế hoạch thành lập một công ty sản xuất thép, vì ông Park Chung Hee muốn Hàn Quốc có một nguồn cung nguyên liệu vững chắc, phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhưng thật không dễ dàng, ông gặp phải vô vàn khó khăn từ phía nước ngoài cũng như trong nước, sự toan tính quyền lợi kinh tế hoặc cạnh tranh thu hút đầu tư gay gắt giữa các thế lực chính trị, từ mâu thuẫn biên bản thỏa ước lượng dự tính đến phương thức thành lập công ty.

Nhưng sau 3 lần tranh luận và trình bày những ưu nhược điểm của dự án, cuối cùng Park Tae Joon cũng thuyết phục được Tổng thống và ông được giao mọi trọng trách.

Ngày 01/4/1968, Công ty cổ phần chế tạo thép liên hợp Pohang (POSCO) ra đời.

Qua bao nhiêu lần thai nghén và sảy thai, khi nhà máy chế tạo thép liên hợp ra đời với tư cách pháp nhân đầy gian truân, tại vùng đất Pohang, tỉnh Gyeongbuk lại đứng trước nguy cơ không được cung cấp vốn đầu tư nước ngoài, không giải phóng được mặt bằng vì vấp phải sự phản đối của một cô nhi viện.

Chuyện mặt bằng được ông giải quyết nhanh chóng. Sau đó ông tuyển dụng nhân tài với ba nguyên tắc cơ bản: tạo dựng môi trường cho nhân viên POSCO làm việc theo đúng nghĩa con người; thực hiện chính sách kinh doanh thỏa mãn ước mơ chung của mọi người; chăm lo cơ sở giáo dục và môi trường sống chất lượng hàng đầu thế giới.

Trong thâm tâm ông luôn khắc sâu ý chí rằng nếu kết hợp năng lực lãnh đạo sáng suốt với ý thức đúng đắn của các nhân viên thì mọi đói nghèo, áp bức đều có thể khắc phục để hướng đến cuộc sống đúng nghĩa con người.

Với quyết tâm cao cả, ông đã đưa đức tin chế tạo thép báo quốc vào cốt lõi câu phương ngôn của một thời sĩ quan: "Hiến dâng cuộc đời ngắn ngủi cho tổ quốc bất diệt", với niềm tin sẽ chèo lái nhà máy chế tạo thép đi đến thành công, chặt đứt xiềng xích của tình cảnh đói nghèo tuyệt vọng lưu truyền từ đời này sang kiếp khác suốt 5 ngàn năm.

Khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ sản xuất thép, hầu hết các cường quốc khác tỏ ý chê cười, trong đó có Nhật Bản và Mỹ.

Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này thời bấy giờ đạt chưa đầy 100USD/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 42 triệu USD vào năm 1967. Trong khi đó, chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất sắt thép đồng bộ là 150 triệu USD.

Không tìm được nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Posco xin Tổng thống cho phép dùng vốn từ quỹ bồi thường Nhật Bản trả cho Hàn Quốc sau 36 năm thực dân cầm quyền.

Bản thân hiệp ước bồi thường này cũng gây phẫn nộ trong dư luận. Khi chính quyền ông Park Chung Hee thông qua đề xuất bồi thường của Nhật Bản, người dân chỉ trích nhà lãnh đạo bán rẻ lòng tự tôn dân tộc đổi lấy tiền bạc. Vì Nhật không đề cập tới bồi thường cho các tổn hại về thể chất và tinh thần của người Hàn Quốc.

Gom được 74 triệu USD từ quỹ bồi thường, vay 50 triệu USD từ ngân hàng Nhật Bản, ông Park Tae-joon đủ tiền thành lập Posco vào tháng 4/1968, tên sơ khai là Công ty sắt và thép Pohang.

Ông Park Chung Hee tiếp tục hậu thuẫn Posco hết mực. Ví dụ năm 1970, một tờ báo đã tiếp cận được biên bản thỏa thuận giữa chính quyền Hàn Quốc và Posco, cam kết chính phủ sẽ chọn tập đoàn này khi nảy sinh các hợp đồng khẩn cấp. Người ký biên bản, không ai khác ngoài ông Park Chung Hee.

Tổng thống Hàn Quốc cũng thể hiện sự quan tâm qua việc đến thăm Pohang tới 13 lần chỉ trong 3 năm xây dựng nhà máy.

Chỉ một năm sau khi nhà máy được đưa vào sản xuất, Công ty sắt thép Pohang ghi nhận doanh số 100 triệu USD, thanh toán hết sạch nợ.

Từ năm 1970 – 1992, khi ông Park từ chức, doanh số hàng năm của công ty đạt 38 triệu USD, lợi nhuận đạt 4,2 triệu USD. Doanh số hàng năm tăng 149 lần, lợi nhuận ròng tăng 40 lần.

Như vậy, từ một POSCO không vốn, không kỹ thuật, cũng không kinh nghiệm, dưới sự chỉ huy của một con người trong sáng, trung thực, có khí phách, không tiếc thân mình cho sự nghiệp phát triển của công nghệ chế tạo thép, một vùng đất hoang vu đã trở thành một công trình chế tạo thép hiện đại bậc nhất thế giới.

Tháng 6/2004, POSCO được đánh giá là doanh nghiệp có sức cạnh tranh vượt trội nhất trong các công ty sắt thép thế giới trong suốt ba năm liền. Trong 20 hạng mục được đánh giá, POSCO chiếm ngôi vị quán quân ở sáu lĩnh vực gồm mức lợi nhuận, khả năng chi phối thị trường, năng lực gây quỹ, khả năng đàm phán giá cả, chất lượng và trình độ tay nghề người lao động.

Người xem giáo dục là nền tảng cốt lỏi

Là một biểu tượng của doanh nhân Hàn Quốc, Park Tae Joon luôn coi "giáo dục là sự nghiệp công ích lớn nhất trong thiên hạ và chỉ đạt thành với sự tận tâm của muôn vạn người". Đến từ ý tưởng "Từ nhà trẻ số một đến trường đại học hàng đầu", ông đã đảm trách nhiều dự án học bổng khách nhau.

Về sau, Đại học Công nghệ Pohang chính là kết tinh của sự nỗ lực cả về mặt tinh thần lẫn vật chất mà suốt 19 năm, POSCO đã hiến dang cả bầu nhiệt huyết để sáng lập nên. Đó cũng là kết tinh của khát vọng dân tộc với sứ mệnh trọng đại nuôi dưỡng nguồn chất xám cao cấp, đi đầu trong sự nghiệp phát triển của nền công nghiệp đất nước, đồng thời bồi dưỡng các thế hệ lãnh đạo cho tương lai.

Tư tưởng chấn hưng giáo dục của Park Tae Joon lấy cốt lõi là "giáo dục báo quốc", ngụ ý là mong muốn được góp phần vào sự nghiệp phục hưng dân tộc và xây dựng quốc gia phồn thịnh thông qua sự nghiệp giáo dục.

Ý Nhi/TH