Cùng áp dụng phương pháp đầu tư, thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thua lỗ, rồi tìm cách vực dậy chúng như cách huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng làm. Song những doanh nghiệp về tay Shark Vương vẫn tiếp tục thua lỗ, kết quả kinh doanh kém tích cực, cổ phiếu cũng liên tục dò đáy.
Warren Buffett được đánh giá là “huyền thoại” đầu tư nhờ khả năng thâu tóm các “xác sống” rồi vực dậy chúng để thu lợi về cho mình
Warren Buffett được đánh giá là “huyền thoại” đầu tư. Điều khiến nhà đầu tư này trở nên nổi tiếng là việc ông chuyên thực hiện những thương vụ thâu tóm động trời. Trong những thương vụ này, rất nhiều doanh nghiệp chỉ là “xác sống” - các công ty kinh doanh thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.
Sau khi thâu tóm doanh nghiệp, Warren Buffett đã vực dậy những “xác sống” đó. Cuối cùng, chúng mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Warren Buffett và biến ông thành huyền thoại trong lĩnh vực đầu tư.
Những bước đi của ông Trần Anh Vương (Shark Vương) trong thời gian qua có khá nhiều nét tương đồng với Warren Buffett. Trong quá khứ, Shark Vương từng gây chú ý với phát biểu: “Cứu sống một doanh nghiệp có khi còn tốt hơn tạo ra một doanh nghiệp mới”.
Theo đó, không phải doanh nghiệp đang hoạt động tốt thì sẽ tốt, mà có những doanh nghiệp đang thua lỗ… vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, đó chính là "xác sống".
Và trên thực tế, ông Trần Anh Vương đã và đang là lãnh đạo hoặc thành viên HĐQT tại rất nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1), Công ty CP Đầu tư BVG (BVG), Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP), Công ty CP Vật liệu Điện và Viễn thông Sam Cường (SMT), Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN)
Khẩu vị đầu tư của Shark Vương và ẩn số tăng trưởng 400%
“Khẩu vị” đầu tư của Shark Vương được thể hiện rõ sau khi ông này trở thành Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM (SAM) vào tháng 5.2016.
Bởi SAM Holdings trước thời điểm ông Trần Anh Vương trở thành lãnh đạo được biết đến là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng dây cáp, cáp điện và điện tử khác, thiết bị viễn thông… với hơn 30 tuổi đời.
“Khẩu vị” đầu tư của Shark Vương được thể hiện rõ sau khi ông này trở thành Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM
Song từ sau ĐHĐCĐ thường niên 2017, với định hướng sẽ là công ty chuyên đầu tư tài chính, công ty đã đổi tên thành Công ty CP SAM Holdings. Đồng thời, tăng vốn lên hơn 2.400 tỷ đồng và đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20-30%.
Shark Vương đã mua 11,8 triệu cổ phiếu DVN của Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Ở thời điểm đó, DVN giao dịch quanh mức 23.000 đồng/cổ phiếu. Theo giá này, SAM Holdings phải chi ra khoảng 270 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.
Cùng lúc đó, SAM Holdings cũng rót tiền đầu tư cho Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (DSP). Đến cuối năm 2017, SAM Holdings tiếp tục công bố đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) bằng cách mua vào 14 triệu cổ phiếu TTF.
Thương vụ hợp tác này gây chú ý vì TTF là cổ phiếu tai tiếng nhất thời điểm đó. Trường Thành từng khiến cổ đông mất niềm tin vì thua lỗ triền miên và làm biến mất gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho.
Tính tới ngày 31.12.2017, tổng đầu tư ngắn hạn của SAM Holdings đạt hơn 544 tỷ đồng, tăng gấp đôi đầu kỳ và chiếm đến 21% tổng tài sản ngắn hạn. Trong đó, 3 đơn vị chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của SAM gồm Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) giá gốc 283 tỷ, dự phòng gần 35 tỷ đồng; Gỗ Trường Thành (TTF) tổng giá trị 154 tỷ đồng; Đất Xanh Group (DXG) tổng giá trị đạt 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, SAM Holdings còn đầu tư một số cổ phiếu tăng tốt hiện nay như PVD với 422 triệu, Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) với 2,3 tỷ đồng và Alphanam (ALP) với giá trị xấp xỉ 2 tỷ đồng…
Trong năm 2017, SAM Holdings ghi nhận khoản doanh thu tài chính đột biến, đẩy lãi ròng tăng hơn 447% lên 114 tỷ đồng. Song một trong hai mảng kinh doanh chủ lực là bất động sản với những kế hoạch táo bạo được đề ra từ 10 năm trước tới cuối năm 2017 vẫn ghi nhận lỗ. Dự án đình đám SAM Tuyền Lâm ghi nhận lỗ 46 tỷ đồng, cao hơn mức 36 tỷ đồng của năm 2016.
“Quả đắng” phải nhận từ thâu tóm “xác sống”
Những thương vụ thâu tóm mà ông Trần Anh Vương (Shark Vương) thực hiện đã có lúc mang lại trái ngọt cho SAM Holding, nhưng quả đắng mà doanh nghiệp này phải nhận cũng không hề ít.
Tính tới thời điểm 30.6.2018, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của SAM Holdings tăng gấp 3,4 lần đầu kỳ, lên gần 135 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp 1,5 lần, ghi nhận 1.633 tỷ đồng.
Những khoản chi phí và dự phòng kể trên đã kết quả kinh doanh quý II.2018 của SAM Holdings giảm mạnh trên 68% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 7,51 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 5,7 tỷ đồng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của SAM Holdings tăng trưởng 10% với 1,044 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 15% với gần 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 7% về mức 48,7 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch cả năm đã đề ra thì SAM đã thực hiện được hơn 35% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SAM Holdings
Trên thị trường, cổ phiếu SAM liên tục dò đáy, hiện đang giao dịch tại mức 7.160 đồng/cổ phiếu ở thời điểm chốt phiên 24.8.
Còn cổ phiếu DVN đã giảm gần 50% xuống chỉ còn khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó cũng có nghĩa khoản đầu tư của SAM vào công ty dược này “bốc hơi” gần 50%.
Những khoản đầu tư của SAM Holdings đã phải trích lập dự phòng lên tới hơn 134 tỷ đồng
Thời điểm SAM công bố hợp tác với Gỗ Trường Thành, cổ phiếu TTF giao dịch quanh mức 7.100 đồng/CP. Đầu tháng 4.2018, SAM Holdings đã bán ra phần lớn cổ phiếu TTF với giá chỉ hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Dù thua lỗ nhưng SAM Holdings vẫn may mắn khi “chạy” kịp thời. Nếu bán chậm, khoản đầu tư vào Gỗ Trường Thành đã “bốc hơi” mạnh khi hiện tại, cổ phiêúTTF chỉ giao dịch trên mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Vấn đề minh bạch thông tin của Trường Thành cũng rất đáng chú ý khi công ty này đã bị UBCKNN phạt tiền 60 triệu đồng cho hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính mẹ và hợp nhất quý 2 năm 2017; Báo cáo tài chính quý 1 năm 2017; Giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý 1 năm 2017 bị lỗ; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017.
Về kết quả kinh doanh, trong quý II.2018, chi phí giá vốn tăng mạnh trong quý II và lớn hơn cả doanh thu khiến Trường Thành ghi nhận lỗ gộp gần 70 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 64% và chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 10 lần cùng kỳ càng khiến Công ty lỗ ròng gần 556 tỷ đồng, cắt đứt mạch có lãi trong 4 quý liên tục trước đó. Tại thời điểm 30.6.2018, lỗ lũy kế đã vượt ngưỡng 1,900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 301 tỷ đồng.
Hoàng Nhật
Theo Dân Việt