JPMorgan dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2020

14/09/2018 10:26

Theo mô hình tính toán của JPMorgan, thế giới sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính vào năm 2020 nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ không như 10 năm trước.

10 năm sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, các chiến lược gia tại Ngân hàng JPMorgan đã thiết lập một mô hình nhằm tính toán thời gian và mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo. Theo mô hình này, thế giới sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính vào năm 2020.

Tin tốt là thiệt hại của cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ không nghiêm trọng bằng những gì từng xảy ra trong quá khứ, theo như phân tích của JPMorgan. Còn tin xấu là thanh khoản của thị trường tài chính sẽ giảm mạnh đến nỗi các doanh nghiệp khó mà có thể thoát ra được.

Mô hình của JPMorgan tính toán kết quả dựa trên chiều dài của sự phát triển kinh tế, giai đoạn mà cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể xảy ra, mức độ đòn bẩy, định giá tài sản, mức độ nới lỏng quy định và cải cách tài chính trước khi khủng hoảng diễn ra.

Cụ thể, JPMorgan dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 20%, với chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tăng vọt khoảng 1,15%. Tại khối thị trường mới nổi, chứng khoán sẽ giảm mạnh 48% cùng với thị trường tiền tệ mất 14,4%, đồng thời nợ công tăng thêm 2,79%. Giá năng lượng và kim loại cơ bản lần lượt giảm 35% và 29%.

“Những con số dự báo này có vẻ không thấm vào đâu so với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước gây ra”, chiến lược gia John Normand và Federico Manicardi của JPMorgan nhận định.

Trước đó, chuyên gia Marko Kolanovic của ngân hàng này từng kết luận rằng nguy cơ thị trường bị gián đoạn ngày càng lớn khi nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ phương thức quản lý tài sản chủ động. Điều này có thể nhìn thấy thông qua sự phát triển của các quỹ chỉ số, quỹ ETF và chiến lược giao dịch dựa trên định lượng. Ông Kolanovic và các đồng nghiệp cho rằng thế giới có thể sẽ phải trải qua một cuộc “đại khủng hoảng thanh khoản”.

“Khả năng ngăn chặn và phục hồi từ những đợt suy thoái của thị trường ngày càng giảm do xu hướng dịch chuyển từ phương thức quản lý tài sản chủ động sang bị động, và đặc biệt là số lượng nhà đầu tư giá trị chủ động giảm”, hai chuyên gia phân tích khác tại JPMorgan cho hay.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng gần đây của thị trường mới nổi cho thấy tài sản tại các nước đang phát triển ngày càng rẻ hơn trong năm nay, từ đó mức giảm từ đỉnh xuống đáy trong cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ hạn chế hơn, theo ông Normand và Manicardi.

Ý Nhi/Theo Bloomberg