Gửi tiền tiết kiệm tại VietABank, nhiều khách hàng tá hỏa khi tiền trong tài khoản bị kẻ xấu làm giả giấy tờ để rút ra hoặc thế chấp cho khoản vay khác.
Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).
Việc khởi tố vụ án hình sự được thực hiện khi cơ quan công an điều tra đơn tố giác tội phạm của VietABank và anh Đặng Nghĩa Toàn (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm giả mạo hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Giả chữ ký khách hàng để vay vốn
Cuối tháng 5, anh Đặng Nghĩa Toàn chuyển 20 tỷ đồng vào tài khoản đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành mở tại VietABank chi nhánh Đông Đô (đường Lê Văn Lương, Hà Nội).
Tháng 7, anh Toàn tất toán tài khoản đồng sở hữu, chuyển 20 tỷ sang sổ tiết kiệm. SMS banking thể hiện số tiền trên được chuyển từ tài khoản sang lập sổ tiết kiệm nhưng đầu tháng 12, anh Toàn thấy một số khách hàng tố cáo bà Thành câu kết với ngân hàng chiếm đoạt tài sản.
“Bà Thành cũng thừa nhận đã giả mạo chữ ký của tôi và cấu kết với nhân viên ngân hàng sử dụng số tiền 20 tỷ trên để thế chấp cho một khoản vay khác”, anh Toàn kể và cho biết đó là lý do sổ tiết kiệm của anh bị phong tỏa đến hôm nay.
Sau hôm đó, nhiều khách hàng mang theo băng rôn kéo đến trụ sở chính của VietABank ở phố Hàn Thuyên (Hà Nội) đòi lại tài sản bị chiếm đoạt. Làm việc hôm 12/12, ông Trần Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc VietABank, cam kết trong vòng 15 ngày, sẽ giải tỏa và trả lại sổ tiết kiệm nếu cơ quan chức năng kết luận chữ ký trong hồ sơ vay tiền cầm cố sổ tiết kiệm không phải của anh Toàn.
Kết luận giám định được cơ quan điều tra thông báo hôm 27/12 cho thấy chữ ký, chữ viết trong hồ sơ vay vốn cầm cố sổ tiết kiệm không phải của anh Đặng Nghĩa Toàn. Tuy nhiên, sau nửa tháng như cam kết, khách hàng này không gặp được lãnh đạo VietABank hoặc nhận được thông tin về hướng giải quyết sự việc.
Trao đổi với Zing.vn, VietABank xác nhận việc cơ quan công an đang điều tra hành vi lừa đảo của Nguyễn Thị Hà Thành và một số người khác. Đại diện ngân hàng này cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ sự thật, qua đó bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như ngân hàng. Tuy nhiên, VietABank từ chối thông tin về bà Thành cũng như số lượng khách hàng và tiền gửi bị chiếm đoạt.
Trong khi anh Đặng Nghĩa Toàn khẳng định những lần đến VietABank chi nhánh Đông Đô, anh thấy Nguyễn Thị Hà Thành tự do ra vào quầy giao dịch và phòng giám đốc. Đó là lý do nhiều khách hàng gửi tiền vào tài khoản đồng sở hữu theo thuyết phục của Thành để nhận mức lãi suất ưu đãi.
Nghi vấn cán bộ ngân hàng tiếp tay
Quá trình tìm hiểu về vụ án này, Zing.vn nhận được phản ánh của một số khách hàng khác là bị hại trong vụ án. Trong số này, có trường hợp bị chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng.
Ngày ngày trông chờ hướng xử lý sự việc từ VietABank, ông Triệu Văn Cường (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ông và em gái gửi tổng cộng 170 tỷ vào 6 sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thanh và một số người khác.
Trên giấy tờ, bà Thành chỉ là người được bảo lãnh vốn kinh doanh. Hợp đồng chứng từ gốc với ngân hàng đều do phía ông Cường nắm giữ nhưng mới đây, ông không thể rút tiền vì 170 tỷ đang được đảm bảo cho khoản vay khác mà ông không hay biết.
"Muốn rút tiền trong tài khoản đồng sở hữu phải có ủy quyền của tôi và em gái. Bà Thành không thể tự chiếm đoạt 170 tỷ đồng", ông Cương đặt nghi vấn về việc cán bộ VietABank tiếp tay cho Nguyễn Thị Hà Thành.
Bị phong tỏa sổ tiết kiệm 15 tỷ đồng với hoàn cảnh tương tự, chị Quế Anh (một doanh nhân thường sử dụng dịch vụ của VietABank) khẳng định chỉ gửi tiền, không ký bất kỳ giao dịch vụ nào nên không có chuyện ký vay khoản tiền tương đương giá trị sổ tiết kiệm.
“Tôi nhìn thấy hồ sơ đó hoàn toàn là giả mạo, được lập chỉ một ngày sau khi lập sổ tiết kiệm. Quá trình làm việc tôi cũng cung cấp giấy tờ chứng minh hôm đó tôi ở Lạng Sơn thực hiện các giao dịch ngân hàng khác, không thể có mặt ở Hà Nội để ký vay”, chị Quế Anh nói.
Nữ doanh nhân cũng cho rằng bà Thành có động cơ không tốt thì cũng không thể tự chiếm đoạt tài sản. Vấn đề mấu chốt cần làm rõ là sơ hở trong quy trình quản lý của ngân hàng và những cá nhân thuộc nhà băng được hưởng lợi gì khi câu kết lừa đảo.
Theo luật sư Kiều Anh Vũ, đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm. Theo quy định chung của pháp luật dân sự về đồng sở hữu, việc rút tiền phải do các đồng sở hữu cùng thực hiện.
Trường hợp đồng sở hữu không thể có mặt để cùng thực hiện thủ tục rút tiền thì phải làm văn bản ủy quyền hợp pháp, hợp lệ cho đồng sở hữu còn lại hoặc người khác thực hiện thủ tục rút tiền có các yếu tố cơ bản như họ tên, địa chỉ, số, ngày, nơi cấp CMND hoặc hộ chiếu của từng thành viên đồng chủ sở hữu; số tiền thuộc sở hữu của mỗi người, điều cam kết chung và chữ ký của từng thành viên.