Mua khi thị trường đang dò đáy
Trong 8 tháng của năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những biến động mạnh, khi chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới và đạt mức cao nhất, với 1.204 điểm ngày 9/4, tăng 220,09 điểm, tương đương 22,4% so với phiên đóng cửa năm 2017. Thế rồi, cũng chỉ 3 tháng sau, VN-Index đánh tuột mọi thành quả của năm, giảm mạnh 311,17 điểm, tương đương 25,84%, về mức 893,16 điểm ngày 11/7/2018 và phục hồi về mức 972,7 điểm ngày 20/8.
Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Tây Ninh đã bật dậy sau khi được chính lãnh đạo doanh nghiệp này mua lại. Trong ảnh: Cánh đồng mía của Thành Thành Công - Tây Ninh |
Cho dù thị trường diễn biến bất ngờ, lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan vẫn tiếp tục mua ròng trong 8 tháng qua, thể hiện niềm tin của họ vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê từ FiinPro Platform (thuộc Stoxplus) cho thấy, đã có gần 1.900 giao dịch mua/bán cổ phiếu với tổng giá trị mua ròng khoảng 603 tỷ đồng từ đầu năm đến hết ngày 9/8.
Động thái mua ròng tập trung mạnh vào tháng 6, 7, 8 khi thị trường đang dò đáy và phục hồi đi lên. Cụ thể, tháng 6/2018, khi VN-Index đang giảm mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan mua vào nhiều nhất, với giá trị mua ròng 763 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 24/7/2018 - 13/8/2018, nhiều thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) đã liên tiếp có động thái với thị trường khi đăng ký mua vào một lượng lớn cổ phiếu SBT.
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT đã mua vào 1 triệu cổ phiếu SBT trong ngày 3/8. Giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu của ông Dương lên 2,5 triệu đơn vị, chiếm 0,46%. Ông Trần Quốc Thảo, Phó tổng giám đốc, cũng mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 0,21%.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc cùng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch lần lượt từ ngày 10/8 đến 8/9 và từ 17/8 đến 15/9. Nếu giao dịch thành công, ông Ngữ sẽ nắm 0,57% vốn và ông Việt nắm 0,3% vốn SBT.
Trong khi đó, ngành xây dựng và vật liệu là nhóm ngành có số lượng lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan mua ròng lớn nhất, với giá trị mua ròng là 813 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2018 (theo thống kê từ FiinPro Platform).
Điển hình tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (HOSE: DIG). Trong thời gian từ ngày 10 - 17/7, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIG cũng mua xong 2 triệu cổ phiếu DIG và đã sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,67% vốn điều lệ.
Chưa dừng lại, vị phó chủ tịch ngay lập tức thông báo đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu DIG trong thời gian từ 23/7 đến 21/8.
Ngoài ông Cường, Chủ tịch HĐQT DIG Nguyễn Thiện Tuấn đã mua được 2,7 triệu cổ phiếu trong tổng số 4 triệu cổ phiếu đăng ký trong thời gian từ 4/6 - 3/7. Sau đó, ông Tuấn lại đăng ký mua tiếp 3 triệu cổ phiếu từ 9/7 đến 7/8.
Đầu tư vào giá trị
Ngoài niềm tin vào doanh nghiệp của mình, những lãnh đạo hàng đầu đang thể hiện mình là nhà đầu tư đích thực khi luôn thực hiện việc “mua đáy, bán đỉnh” chính cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Đây là những chiêu thức mà nhà đầu tư Warren Buffett thực hiện trong nhiều thương vụ lịch sử vào các công ty như Gillette, Coca-cola, Wells Fargo.
Bản chất vấn đề nằm ở triết lý đầu tư giá trị của doanh nghiệp, chứ không phải dựa vào cung và cầu hay dòng tiền đối với cổ phiếu đó. Giá cổ phiếu là mức giá mà thị trường trả cho mỗi cổ phiếu của công ty. Trong khi giá trị cổ phiếu bao gồm toàn bộ những lợi ích mà nhà đầu tư nhận được khi nắm giữ cổ phiếu đó. Bao gồm cổ tức, quyền biểu quyết, sở hữu công ty ở hiện tại và tương lai cho tới khi nào mà nhà đầu tư ngừng nắm giữ cổ phiếu.
Warren Buffett từng nói: “Thời điểm tốt nhất để mua vào cổ phiếu đó là khi công ty gặp khủng hoảng và giá cổ phiếu công ty đang lao dốc, hoặc trong bối cảnh cả thị trường giảm điểm… Chỉ cần chắc chắn rằng, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra tốt và niềm tin về triển vọng lợi nhuận dài hạn của nhà đầu tư đối với công ty vẫn còn nguyên, nhà đầu tư giá trị sẽ tiếp tục mua vào”.
Động thái 4 lãnh đạo và những cá nhân liên quan của SBT mua lượng lớn cổ phiếu sau khi SBT thuộc nhóm những cổ phiếu bị tác động mạnh trong đợt giảm giá, đã giúp SBT đã bật dậy đáng kể, khi từ ngày 28/5 đến ngày 9/8, giá SBT đã tăng trưởng trở lại hơn 12%. Đặc biệt, trong kỳ rà soát danh mục tháng 7 vừa qua, SBT là công ty thuộc ngành mía đường duy nhất tại Việt Nam nằm trong Rổ chỉ số VN30 của HOSE.
Ngoài ra, SBT nằm trong danh mục của Quỹ VFMVN30 EFT Fund - Quỹ ETF nội lấy Chỉ số VN30 làm tham chiếu với 2,8 triệu cổ phiếu đang sở hữu. “Sớm muộn gì, thị giá của cổ phiếu SBT cũng sẽ quay lại với đúng giá trị thực. Tôi và ban điều hành đang nỗ lực để đảm bảo các chỉ số sinh lợi mà các cổ đông kỳ vọng”, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc SBT cho biết.
Có thể thấy, không chỉ là chủ doanh nghiệp, họ còn là những nhà đầu tư làm chủ trong cuộc chơi.