WinEco

Kinh doanh khó khăn, cổ phiếu Hòa Phát liên tục giảm sâu, vợ chồng ông Trần Đình Long muốn chi 144 tỷ đồng mua vào để tăng tỷ lệ sở hữu

18/06/2019 16:47

Nếu giao dịch thành công, ông Trần Đình Long sẽ nắm 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát, còn bà Vũ Thị Hiền sở hữu 202 triệu cổ phiếu.


Nếu giao dịch thành công, ông Trần Đình Long sẽ nắm 700 triệu cổ phiếu Hòa Phát, còn bà Vũ Thị Hiền sở hữu 202 triệu cổ phiếu.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, hai vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền vừa đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu.

Trong đó, ông Long đăng ký mua 5.566.010 cổ phiếu để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên tròn 700 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25,35%.

Đồng thời, bà Hiền đăng ký mua 849.249 cổ phiếu để nâng số cổ phiếu sau giao dịch lên tròn 202 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 7,32%.

Như vậy, tổng cộng số cổ phiếu mà hai vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát muốn mua thêm là hơn 6,4 triệu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 21/6 đến 19/7.

Ông Long và bà Hiền đăng ký mua trong bối cảnh giá cổ phiếu của Hòa Phát liên tục giảm thời gian gần đây. Tính đến cuối ngày 17/6, giá HPG trên sàn chứng khoán còn 22.450 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 10% trong 1 tháng qua và giảm hơn 17% nếu so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3. Tạm tính ở mức giá này, số tiền mà hai vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát cần chi để thực hiện giao dịch là 144 tỷ đồng.

Mới đây, ông Long đã thế chấp 100 triệu cổ phiếu Hòa Phát để đảm bảo cho khoản vay 1.700 tỷ đồng của dự án Thép Hòa Phát Dung Quất.

Kinh doanh khó khăn, cổ phiếu Hòa Phát liên tục giảm sâu, vợ chồng ông Trần Đình Long muốn chi 144 tỷ đồng mua vào để tăng tỷ lệ sở hữu - Ảnh 1.

2019 là năm nhiều khó khăn đối với Hòa Phát, khi giá quặng sắt đầu vào tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Bên cạnh đó, các loại chi phí của Hòa Phát được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay, do lãi vay bắt đầu hạch toán vào chi phí tài chính, sau khi dự án đi vào hoạt động. Trước đây, lãi vay được hạch toán vào vốn hóa.

Ngoài ra, Hòa Phát còn gặp nhiều khó khăn khách quan, như giá điện tăng, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Chủ tịch Trần Đình Long từng dùng từ "thảm cảnh" khi nói về dịch tả lợn đang hoành hành tại Việt Nam.

Năm 2019, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 24% lên 70.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 22% xuống 6.700 tỷ đồng. Nếu đạt mức lợi nhuận này, đây sẽ là lần đầu tiên lợi nhuận Hòa Phát giảm, sau 7 năm tăng trưởng liên tiếp.


Hà My

Theo Trí Thức Trẻ