Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ký ức về "thuở khủng hoảng" tại Thế giới Di động: 25 Tết phải đóng bớt cửa hàng, thu nhập bị cắt giảm, nhưng hơn 300 nhân viên không người nào bỏ đi, chẳng ngờ doanh nghiệp từ lỗ vài tỷ đến lãi gần 3.000 tỷ

05/06/2019 09:58

"Tôi gia nhập công ty năm 2007. Đến năm 2008 thì khủng hoảng kinh tế, Thế giới Di động bị lỗ, 25 Tết tôi phải đi đóng cửa hàng. Rất nhiều nhân viên phải dừng việc vào thời điểm đó. Nhưng không một người nào nghỉ việc. Năm 2009, anh Nguyễn Đức Tài gửi thư thông báo giảm thu nhập của anh em. Anh ấy thu nhập bị giảm nhiều nhất", Giám đốc Nhân sự Thế giới Di động chia sẻ.


"Tôi gia nhập công ty năm 2007. Đến năm 2008 thì khủng hoảng kinh tế, Thế giới Di động bị lỗ, 25 Tết tôi phải đi đóng cửa hàng. Rất nhiều nhân viên phải dừng việc vào thời điểm đó. Nhưng không một người nào nghỉ việc. Năm 2009, anh Nguyễn Đức Tài gửi thư thông báo giảm thu nhập của anh em. Anh ấy thu nhập bị giảm nhiều nhất", Giám đốc Nhân sự Thế giới Di động chia sẻ.

Trong buổi chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) - đã nhắc lại quan điểm dùng người của Thế giới Di động: Không có người sử dụng lao động và người lao động, không có kẻ mua người bán sức lao động. Thế giới Di động chỉ có một thủy thủ đoàn 45.000 người cùng ra khơi đánh cá và cùng chia sẻ thành quả.

"Để một quản lý cống hiến cho doanh nghiệp 5 - 10 năm mà chưa có cuộc sống sung túc là một nỗi nhục của nhà lãnh đạo", ông Tài khẳng định nguyên tắc quản trị nhân sự của mình.

Ông Đặng Minh Lượm - Giám đốc Nhân sự của Thế giới Di động - người cùng ông Tài chia sẻ tại hội thảo đã gắn bó với doanh nghiệp bán lẻ này 12 năm. Chưa rõ thu nhập hàng năm của ông Lượm ở mức nào, nhưng lượng cổ phiếu MWG ông nắm giữ là 545.626 cổ phiếu, tương đương với 46,9 tỷ đồng.

Thuở chưa hứa hẹn được một "cuộc sống sung túc" của Thế giới Di động: 25 Tết phải đóng bớt cửa hàng, năm tiếp theo cắt giảm lương từ sếp đến nhân viên

"Startup lợi nhuận chưa đảm bảo, làm sao có được chính sách lương thưởng hấp dẫn người tài?" - câu hỏi của một startup đặt ra tại sự kiện do Mekong Capital và MWG tổ chức được Chủ tịch HĐQT MWG nhường phần trả lời lại cho ông Lượm - vị giám đốc nhân sự đã gia nhập vào đội ngũ MWG từ năm 2007.

Thời điểm ông Lượm gia nhập công ty, Thế giới Di động có 9 cửa hàng và 305 nhân viên.

Ký ức về thuở khủng hoảng tại Thế giới Di động: 25 Tết phải đóng bớt cửa hàng, thu nhập bị cắt giảm, nhưng hơn 300 nhân viên không người nào bỏ đi, chẳng ngờ doanh nghiệp từ lỗ vài tỷ đến lãi gần 3.000 tỷ - Ảnh 1.

"Đến năm 2008 thì khủng hoảng kinh tế, Thế giới Di động bị lỗ, 25 Tết tôi phải đi đóng cửa hàng. Rất nhiều nhân viên phải dừng việc vào thời điểm đó. Nhưng không một người nào nghỉ việc".

"Năm 2009, anh Nguyễn Đức Tài gửi thư thông báo giảm thu nhập của anh em. Anh ấy thu nhập bị giảm nhiều nhất. Những người quản lý cấp trung thì giảm vừa vừa, nhân viên cấp dưới giảm ít hơn nữa. Lúc đó, Thế giới Di động không trả thù lao tốt cho nhân viên, nhưng điều gắn bó của những người lao động như tôi vào thời điểm đó là nhìn vào cách cư xử của doanh nghiệp này", ông Lượm kể lại.

Lúc khó khăn, Thế giới Di động không trả thù lao tốt cho nhân viên, nhưng điều gắn bó của những người lao động như tôi vào thời điểm đó là nhìn vào cách cư xử của doanh nghiệp này

Ông Lượm chia sẻ rằng ông có niềm tin ở môi trường làm việc này, tin rằng nếu tất cả tập thể này cùng chiến đấu, cùng vượt qua khó khăn, thì thành quả này sẽ được chia sẻ. Và niềm tin đó rất mãnh liệt.

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế, Thế giới Di động lỗ 5 tỷ đồng.

Tháng 5/2009, Thế giới Di động lúc đó còn không đủ tiền để thuê một hội trường to và đẹp, mà phải xin phòng của Liên đoàn Lao động Quận Nhất, ngay đối diện Dinh độc lập, để ông Nguyễn Đức Tài tập hợp đội ngũ quản lý lại, chia sẻ "Chính sách ra biển lớn".

Ông Tài từng mô tả về chính sách này, ví doanh nghiệp giống như một chiếc tàu đánh cá: Người chủ tàu bỏ ra nhiều triệu USD mua tàu và một đoàn thủy thủ hàng trăm người cùng ngồi lên để lèo lái con tàu. Khi tàu cập bến với cá đầy boong tàu, cá phải chia sao cho công bằng giữa người bỏ tiền mua tàu và 100 người thủy thủ đoàn 3 tháng trời ròng rã trên biển để đánh bắt cá.

"Cái này có thiệt không?"

"Anh Tài, anh Huân (ông Đinh Anh Huân) - PV), anh Tùng (ông Trần Huy Thanh Tùng - PV)… gặp mọi người để chia sẻ, nói về ý nghĩa của công việc, nói về thành quả này nếu đạt được sẽ như thế nào. Và sau buổi chia sẻ đó, mọi người ra về đều hỏi nhau "Cái này có thiệt không?" "Công ty vừa rồi lỗ hơn 5 tỷ, để mà đạt cái "ra biển lớn" phải đạt 30 tỷ mới được thưởng, làm sao mà đạt được"".

"Tôi ngồi ăn ở quán cóc với mọi người. Tôi chia sẻ vấn đề quan trọng là giờ anh em mình có niềm tin rằng mình có thể đạt được như vầy không. Và điều thành công nhất trong buổi hội thảo, ở hội trường đó, là ban lãnh đạo công ty đã truyền được niềm tin cho từng nhân viên, mọi người tin rằng nếu cùng chung vai, cùng nhau trong chuyến hải trình này thì thành quả được chia sẻ", Giám đốc Nhân sự 12 năm gắn bó với MWG nhớ lại.

Và kỳ tích đã xảy ra. Cuối năm 2009, báo cáo tài chính MWG cho thấy doanh nghiệp đạt lợi nhuận hơn 48 tỷ đồng. Chính sách "ra biển lớn" được chia sẻ ngay năm đó. Từ đó, thành quả được chia sẻ và niềm tin ấy được lan rộng.

Năm 2018, Thế giới Di động đạt doanh thu 87.738 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.880 tỷ đồng.

Trong mô hình quản trị nhân sự kim tự tháp ngược của MWG, Nhân viên là đối tượng được đặt ưu tiên ở vị trí thứ 2, trên cả Cổ đông và chỉ sau Khách hàng, Chính sách "ra biển lớn", hay còn gọi là profit sharing (chia sẻ lợi nhuận) của MWG, cho phép công ty phát hành lượng cổ phiếu ESOP đến 3% tổng cổ phiếu đã phát hành, khi công ty tăng trưởng 10%.


Bảo Bảo - Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ