Cho phép nhân viên làm việc ở nhà, quán cà phê, hoặc thậm chí là công viên … Unilever không chỉ nhận được hiệu quả lao động cao mà còn tiết kiệm chi phí hoạt động và góp phần bảo vệ môi trường.
Chính sách "làm việc linh hoạt"
Nhân viên Unilever có cơ hội tiếp xúc với "môi trường của tương lai" ngay từ lần đầu bước chân vào tập đoàn. Thay vì được giới thiệu phòng ban và chỗ ngồi cố định, "ma mới" được phép chọn vị trí làm việc tùy thích, miễn sao vẫn đảm bảo hiệu quả làm việc.
Được triển khai từ năm 2009, toàn bộ tập đoàn Unilever phải tuân thủ 3 nguyên tắc "linh hoạt":
- Cho phép nhân viên thay đổi cả về địa điểm lẫn thời gian làm việc, miễn sao vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
- Hạn chế tối đa số chuyến công tác.
- Cấp bậc quản lý sẽ được chấm điểm "hỗ trợ nhân viên làm việc linh hoạt" mỗi năm.
Rất nhiều tập đoàn khác cũng đã công bố rằng mình có một "chính sách linh hoạt", tuy nhiên, họ chẳng qua chỉ ép toàn bộ nhân viên mới vào một khu vực bừa bãi và chật chội, trong khi thành phần lãnh đạo luôn "yên vị" trong phòng kín đáo và mát mẻ.
Không những thế, dù khẳng định rằng mọi quy trình đều được "linh hoạt hóa", các cuộc họp đều phải đặt trước vài tuần nếu muốn có mặt đầy đủ thành viên, trong khi các cổng thông tin điện tử chẳng bao giờ được quan tâm và phát triển.
Nhưng tại Unilever, "làm việc linh hoạt" được thực hiện cực kỳ nghiêm chỉnh.
Công nghệ sẵn sàng
Rất nhiều công ty tự vào về "Văn phòng ảo" - nơi mà nhân viên có thể truy cập và làm việc ở mọi nơi, nhưng đa phần lại chẳng có công nghệ để biến nó thành hiện thực.
Tại Unilever, từ ngày đầu tiên làm việc, nhân viên đã được cung cấp một chiếc laptop gọn nhẹ với khả năng truy cập toàn bộ hệ thống quản lý nội bộ. Chiếc laptop với đầy đủ phần mềm này sẽ nhanh chóng hỗ trợ quá trình huấn luyện đầu vào và giúp nhân viên "hòa nhập" thành một phần của tập đoàn.
Ngoài ra, hơn 107.000 nhân viên toàn cầu của Unilever luôn được cập nhật thông tin trên hệ thống Skype nội bộ, mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm, liên lạc, gọi điện, gọi video, chia sẻ phần mềm, dữ liệu… quanh thế giới chỉ với vài giây.
Và khi gặp trục trặc kỹ thuật, phòng IT ảo sẽ đăng nhập vào tài khoản đang gặp sự cố, giải quyết và trả lại máy một cách nhanh chóng.
Động lực cho nhân viên
Theo một báo cáo gần đây, "chính sách linh hoạt" giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn đến 13% và đa phần nhân viên đều bày tỏ lòng biết ơn với doanh nghiệp, sẵn sàng cống hiến lâu hơn. Ở một mặt khác, Unilever cũng tiết kiệm được chi phí duy trì văn phòng và gia tăng trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Một nhân viên Unilever cho hay: "Tôi luôn có động lực cao khi làm việc vì cảm nhận được sự tin tưởng từ tập đoàn, sẵn sàng kiểm tra email ngay khi thức dậy hoặc làm việc xuyên suốt những đợt nghỉ lễ để hoàn tất dự án. Vì công tác tại Châu Âu, tôi cũng liên tục tham gia các buổi họp sớm với nhóm Ấn Độ hoặc ở lại trễ hơn để trao đổi với các đồng nghiệp tại Mỹ.
Như một "luật bất thành văn", tôi luôn để trạng thái "active" trong lúc đang làm việc và "busy" nếu như bận.
Vì luôn đảm bảo được hiệu quả công việc, tôi luôn cảm thấy thoải mái khi nghỉ trưa lâu hơn quy định hoặc về sớm vào mỗi thứ 6 để có thêm thời gian riêng tư."
Khi sếp là những tấm gương
Dù một mực tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng sẽ chẳng ai dám "đi trễ về sớm" nếu sếp không là người "làm gương".
Chính vì thế, rất nhiều quản lý cấp cao của Unilever đã chủ động làm việc tại nhà vào Thứ 2 và Thứ 6 mỗi tuần, nếu có nhu cầu, mọi cuộc họp sẽ được tổ chức từ 10 giờ tới 16 giờ từ Thứ 3 đến Thứ 5 để phù hợp với lịch làm việc của mọi người.
Những buổi họp lớn hằng tháng sẽ được tổ chức 2 lần, vào 8 giờ và 16 giờ trong một ngày để đảm bảo nhiều nhân viên có thể tham gia.
Một giám đốc khu vực đã liên tục khuyến khích nhân viên: "làm việc tại nhà, tại quán cà phê, hay thậm chí là tại công viên… miễn sao đảm bảo được hiệu quả công việc". Nếu muốn liên hệ với vị giám đốc này, mọi người chỉ cần nhắn ông trên Skype thay vì gửi email.
Tương tác trong công việc
Một trong những "mặt tối" của chính sách làm việc linh hoạt là thời gian tiếp xúc giữa các nhân viên sẽ bị hạn chế, có thể dẫn tới nhiều xung đột không đáng có.
Chính vì thế, Unilever đã phổ biến nền tảng mạng xã hội riêng của tập đoàn mang tên Chatter. Với công cụ này, nhân viên có thể thành lập nhiều nhóm để chia sẻ thông tin và dữ liệu, nhưng không chỉ là về công việc, nhiều nhóm Chatter đã được thành lập để nhân viên có thể chia sẻ về thú vui chung, bàn bạc những vấn đề cá nhân …
Một nhân viên đã chia sẻ: "Điện thoại, máy tính bảng và laptop của tôi liên tục cập nhật được những mẫu tin nhắn mới. Điều này giúp tôi chưa bao giờ cảm thấy bị cô đơn trong công việc".
CEO Paul Polman trong một buổi trao đổi online
Không những thế, thời gian tham gia mạng xã hội còn được ban quản lý Unilever khuyến khích, rất nhiều chương trình được đưa lên cả hệ thống nội bộ và cả Facebook, Twitter để kêu gọi sự tham gia của nhân viên trên toàn thế giới.
Ngoài ra, mỗi nhân viên Unilever còn đóng vai trò "đại sứ" trên mạng xã hội LinkedIn, được tập đoàn khuyến khích chia sẻ những câu chuyện thú vị về công ty cho danh sách bạn bè của mình.
CEO Unilever cũng thường xuyên tổ chức những buổi "trao đổi online", nhân viên đang công tác ở mọi nơi luôn có cơ hội trao đổi trực tiếp với "đầu tàu công ty" về chiến lược kinh doanh, chính sách nhân sự, tình hình thị trường …
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính sách làm việc linh hoạt của Unilever luôn cho phép nhân viên có cơ hội "ngắt kết nối", thật sự tập trung vào chuyện nghỉ ngơi để nạp năng lượng và sẵn sàng trở lại cùng công ty để thay đổi cả thế giới.
Thanh Sang
Theo Trí Thức Trẻ