Trong bối cảnh S&P 500 tăng hơn 21% từ đầu quý 2/2020, các chuyên gia phân tích đang xem xét khả năng các quỹ đầu tư – bao gồm cả quỹ hưu trí – và nhà đầu tư sẽ chốt lời một phần những cổ phiếu đã tăng quá mạnh và chuyển sang mua trái phiếu trong tuần tới.
Các chuyên viên phân tích tại JPMorgan cho rằng nếu chứng khoán Mỹ lao dốc vì làn sóng bán tháo, đó sẽ là cơ hội để mua vào. Tuy vậy, vẫn có khả năng là chẳng có làn sóng bán tháo nào cả, vì một số chiến lược gia cho rằng mức độ biến động vào cuối tháng và cuối quý có lẽ đã diễn ra trên thị trường sản phẩm phái sinh cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể cũng đã điều chỉnh danh mục cổ phiếu đang nắm giữ.
“Khoảng thời gian cuối quý có thể sẽ khá thú vị do thị trường đã biến động mạnh trong suốt quý này. Thị trường vẫn có thể biến động mạnh vào cuối quý. Chúng tôi đã chứng kiến điều đó và có khả năng sẽ biến động thêm khi càng về gần cuối quý 2/2020”, Dan Deming, Giám đốc điều hành của KKM Financial, cho biết.
Các chuyên gia về trái phiếu đặc biệt chú ý đến thời điểm cuối tháng – thời điểm có thể xảy ra những biến động trên thị trường trái phiếu khi nhà đầu tư, các quỹ hữu trí và các quỹ khác, điều chỉnh danh mục đầu tư của họ về lại tỷ trọng phân bổ mục tiêu. Cuối quý còn có tác động mạnh hơn so với cuối tháng. Diễn biến tăng mạnh của cổ phiếu trong quý 2/2020 thôi thúc nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có sự chuyển dịch sang thị trường trái phiếu. Một số chuyên gia ước tính có khoảng 35-76 tỷ USD từ quỹ hưu trí được đổ vào trái phiếu.
“Chúng tôi ước tính rằng các quỹ hưu trí của công ty Mỹ sẽ chuyển khoảng 35 tỷ USD vào thị trường trái phiếu”, Michael Schumacher, Giám đốc chiến lược lãi suất tại Wells Fargo, cho biết. Ông nói thêm rằng nếu điều đó xảy ra thì sẽ là dòng chảy lớn nhất trong 6 năm ông đã theo dõi quá trình tái cân bằng danh mục đầu tư.
“Lý do thì khá rõ ràng. Bạn đã chứng kiến thị trường cổ phiếu leo dốc mạnh, trong khi trái phiếu không thể tăng mạnh như thế. Chỉ số S&P 500 tăng 3.3% trong tháng 6”, ông Schumacher cho biết.
Ước tính của ông dựa trên giả định rằng khoảng 20% phần danh mục đang mất cân bằng sẽ được điều chỉnh vào cuối tháng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết họ thấy một dòng chảy lớn hơn từ các quỹ hưu trí của Mỹ (xuất phát từ việc tái cân bằng danh mục), có thể lên đến 65 tỷ USD. Xét trên cơ sở toàn cầu, thị trường cổ phiếu có thể bị rút 170 tỷ USD, khi xem xét đến danh mục của các quỹ hưu trí của công ty Mỹ, quỹ tương hỗ và các định chế đầu tư toàn cầu khác như Norges Bank của Na Uy, nơi quản lý các quỹ của Nhà nước.
“Chúng tôi thừa nhận có khả năng xuất hiện một đợt điều chỉnh nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong hai tuần tới vì quá trình tái cân bằng danh mục. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tin rằng chúng ta đang ở trong một thị trường con bò mạnh mẽ và bất kỳ sự sụt giảm nào đều mang lại cơ hội mua”, các chiến lược gia của JPMorgan viết.
Ông Schumacher cho biết sau đà tăng khủng trên Phố Wall trong thời gian qua, các quỹ hưu trí có thể rút vốn mạnh nhất ở các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ, kế đó là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu quốc tế. Vị chuyên gia này nhận định, nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm quay trở lại mức đỉnh của tháng 6 (gần 0.96%) và nếu cổ phiếu tăng cùng với lợi suất trái phiếu, có khả năng 50 tỷ USD có thể chuyển từ thị trường cổ phiếu sang thị trường trái phiếu.
“Ba tuần trước, từng có một diễn biến như thế, vì vậy dự báo này có thể hiểu được. Tôi sẽ gọi đó là giới hạn trên. Nó có thể xảy ra. Mức độ quái lạ của thị trường năm 2020 còn lớn hơn của cả 10 năm trước cộng lại”, ông Schumacher nói.
Các quỹ hưu trí có khả năng đạt tỷ suất sinh lời 10% trong quý này, ông Schumacher cho biết. Ông nói thêm đà tăng của thị trường đã giúp các quỹ hưu trí cải thiện tỷ lệ thanh toán lên gần 85%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)