Tỷ phú gốc Huế số 1 Việt Nam tiếp tục ghi nhận kỷ lục chưa từng có và áp đảo nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, túi tiền của đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu này cũng sụt giảm mạnh sau những diễn biến trên TTCK.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 hợp nhất với lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng quý thứ 15 liên tiếp và đạt mức cao: 2.433 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả 6 tháng, Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4.525 tỷ đồng, cao hơn 9% so với mức 4.150 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và là á quân trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, chỉ xếp sau Vietcombank (11 ngàn tỷ đồng trước thuế). Vượt mặt nhiều ông lớn gốc quốc doanh khác
Tổng tài sản của Techcombank tính tới cuối tháng 6/2019 đạt gần 360,7 ngàn tỷ đồng, tăng 12,4% so với mức 321 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Techcombank cũng nằm trong số các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới “room” tín dụng trong năm nay, từ 13% lên 17%, nhờ áp dụng sớm tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn.
Ở chiều ngược lại, Techcombank đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nếu tính riêng ngân hàng mẹ, lợi nhuận quý 2 chỉ tăng 5%, còn tính theo 6 tháng thì giảm 2%.
Một điểm đáng chú ý khác là, tăng trưởng tín dụng của Techcombank gắn chặt chẽ với Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Diễn biến trên thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Techcombank. TCB có thể phụ thuộc nhiều vào tiến độ bán hàng của Vingroup.
Một thế mạnh khác của Techcombank là tỷ lệ cao về tiền gửi không kỳ hạn (nhờ chương trình zero fee) giúp giảm chi phí huy động vốn,... cũng bị cạnh tranh khi mà nhiều ngân hàng khác vào cuộc đua không tính phí chuyển khoản trong hệ thống cho khách hàng nhỏ lẻ.
Trái với mức lợi nhuận kỷ lục, cổ phiếu TCB của Techcombank giảm khá mạnh trong 6 tháng qua, khoảng 33% xuống còn 20.800 đồng//cp như hiện tại. So với đỉnh cao ghi nhận khi cổ phiếu này lên sàn hôm 4/6/2018, TCB đã giảm 41%. Giá trị vốn hóa của Techcombank cũng đã giảm khoảng 50,5 ngàn tỷ đồng (gần 2,2 tỷ USD). Nhà ông Hùng Anh cũng giảm khoảng 370 triệu USD.
Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 20,8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Forbes, tính tới hết 27/7/2019, tổng tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 1,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.
Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,5 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Hồi đầu tháng 3/2019, ông Hồ Hùng Anh được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 3 Việt Nam. Ông Hùng Anh có khởi điểm sự nghiệp khá giống ông Phạm Nhật Vượng nhưng bứt phá với đế chế Techcombank. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt.
Theo đánh giá của Forbes, ông Hồ Hùng Anh là tỷ phú tự thân, từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước cùng với ông Nguyễn Đăng Quang thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Ngân hàng Techcombank.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu trụ cột trong đó có nhiều mã ngân hàng tăng điểm mạnh. Những mã tăng điểm nổi bật gồm: Vietcombank, BIDV, Petrolimex, Masan, Hòa Phát, Bảo Việt...
Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến phần lớn các cổ phiếu khác giảm hoặc đứng giá, trong đó có nhóm bất động, xây dựng, khu công nghiệp, chứng khoán... khiến VN-Index quanh mốc 990 điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/7, VN-Index giảm 1,614 điểm xuống 993,35 điểm; HNX-Index giảm 0,36 điểm xuống 106,4 điểm và Upcom-Index giảm 0,52 điểm xuống 58,82 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Theo VietnamNet