Mẹ làm dự án 37 tỷ USD, con gái ghi dấu trên ghế nóng ngân hàng

25/10/2018 13:20

Đại gia bất động sản Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp nổi danh, trong khi con gái bắt đầu tỏa sáng trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2018. Theo đó, ngân hàng này lãi trước thuế hơn 400 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 80% so với cùng kỳ.

SeABank có lượng tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh từ 32,6 ngàn tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống hiện còn 16,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của TCTD khác tại SeABank giảm gần 30% xuống còn 11,6 ngàn tỷ đồng; số tiền đi vay các TCTD giảm gần 70% xuống còn gần 4,7 ngàn tỷ đồng.

Kết quả hoạt động kinh doanh của SeABank trong 9 tháng đầu năm 2018 rất ấn tượng. Đây cũng là dấu ấn đầu tiên sau khi con gái của bà Nga - bà Nguyễn Thu Thủy - lên nắm quyền điều hành ngân hàng này.

SeaBank ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.
SeaBank ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.)

Trước đó, trong tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nguyễn Thị Nga là chủ tịch Tập đoàn BRG chuyên về bất động sản và sân golf. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04.

Theo quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác. Đây là một quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề cho vay sân sau như tình trạng hệ thống ngân hàng thời kỳ Nguyễn Đức Kiên - Hà Văn Thắm.

Chỉ khoảng 1 tháng sau đó, con gái bà Nguyễn Thị Nga - Lê Thu Thủy (sinh năm 1983) được giao nắm giữ chiếc ghế quyền lực nhất trong Ban điều hành, kiêm phó chủ tịch HĐQT từ ngày 10/5/2018.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm TGĐ SeABank, bà Lê Thu Thủy đã trải qua hầu hết vị trí công tác tại các bộ phận trong ngân hàng này.

Trong vài năm trước, SeABank của bà Nga không nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng do khó khăn chung của ngành, ở vào thời kỳ cả hệ thống tái cấu trúc, hầu hết lợi nhuận không nhiều và không chia cổ tức.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga nổi bật ở các lĩnh vực khác trong đó có bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, sân gôn và gần đây là thương mại và ô tô.

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp trong và ngoài sàn chứng khoán, nhắm tới các mảnh đất vàng và giờ đây là một kế hoạch cả chục tỷ USD hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Gần đây tập đoàn của bà Nga chi hàng ngàn tỷ để thâu tóm một loạt các doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị đang quản lý cả trăm mảnh đất vàng như trường hợp Hapro. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga cũng đang có kế hoạch triển khai một loạt các dự án lớn. Theo tờ Nikkei Asian Review, Tập đoàn Sumitomo cùng với một số ông lớn khác như Mitsubishi, Toyota của Nhật sẽ cùng với Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga sẽ xây dựng một thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội với tổng giá trị lên tới hơn 37 tỷ USD ngay trong năm nay.

Bà Nguyễn Thị Nga
Bà Nguyễn Thị Nga)

Theo Nikkei, ngay trong tháng 8 này sẽ khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2023 với sự tham gia của tổng cộng hơn 20 doanh nghiệp. Dự án có tổng diện tích hơn 2.000ha, trải dài hơn 11km.

Trên thị trường, các ngân hàng vẫn đang hoạt động kinh doanh khá tốt. Hầu hết công bố lợi nhuận tăng vọt như Techcombank, TPBank, Vietcombank,... Tuy nhiên, giá nhiều cổ phiếu đang có xu hướng giảm theo thị trường chung và triển vọng thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán tháo vẫn diễn ra mạnh. VN-Index thậm chí đánh mất xu hướng tăng trưởng dài hạn từ năm 2016. Nhiều cổ phiếu lớn giảm sàn như GAS, PVD,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn tiêu cực hơn trong các dự báo.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và lui về vùng hỗ trợ 906-917 điểm. BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ trên về cuối phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, Vn-Index giảm 16,95 điểm xuống 922,73 điểm; HNX-Index giảm 1,34 điểm xuống 103,73 điểm. Upcom-Index giảm 0,54 điểm xuống 51,51 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà
Theo Vietnamnet