Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mới thu hồi được 46.500 tỷ nợ xấu, Sacombank đã muốn Ngân hàng Nhà nước 'tháo gông'

02/04/2021 13:35

Việc thu hồi nợ xấu và xử lý các tài sản tồn đọng theo Đề án tái cơ cấu đến năm 2025 của Sacombank mới đi được nửa chặng đường, nhưng nhà băng này đã muốn Ngân hàng Nhà nước “tháo gông”.

Sacombank đang trình Ngân hàng Nhà nước việc trích một phần nợ xấu ra trả cổ tức cho cổ đông thay vì dùng nguồn lực này để sớm xử lý các tài sản tồn đọng, nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu đến năm 2025.

Xin được trả cổ tức

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã STB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông năm 2021. Theo đó, Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 26/5/2021, và tại đại hội có phần báo cáo của Sacombank về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025.

STB-2528-1617280544.png

 Giao dịch cổ phiếu STB trong tháng 3

Sacombank vừa thiết lập kỷ lục thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam với phiên tăng trần ngày 30/3, giá trị 2.000 tỷ. Do đó, những động thái của STB thu hút được sự chú ý mạnh mẽ từ giới tài chính.

Theo tờ trình của Hội đồng quản trị, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến cho công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, Sacombank vẫn thu hồi được nợ xấu đạt 15.200 tỷ đồng.

Trong đó, Sacombank đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025.

Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Sacombank cũng đã trích 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 12.027 tỷ đồng, đạt 52% tổng thể Đề án đến năm 2025.

Năm 2021, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Tổng tài sản ước tăng 8% lên 533.300 tỷ đồng, tín dụng tăng 9%. Tổng nguồn vốn dự huy động đạt 485.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 2%.

Năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank đạt hơn 3.339 tỷ đồng và gần 2.682 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 9% so với năm trước.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank dự kiến dùng hơn 2.384 tỷ đồng để trích lập các quỹ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn 1.874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế gần 6.496 tỷ đồng.

Sacombank có kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện, Sacombank vẫn đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước cho kế hoạch này.

Tuy nhiên, theo đề án tái cơ cấu tại Sacombank hiện nay chưa cho phép ngân hàng này chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do trong giai đoạn tái cơ cấu, nên lợi nhuận của nhà băng được ưu tiên giữ lại nhằm xử lý các tồn đọng tài chính, trích lập dự phòng nợ xấu.

Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận của Sacombank trong những năm qua, khiến nhà băng này tụt lại trong cuộc đua lợi nhuận với các ngân hàng thương mại cổ phần như TCB, VPB, ACB, HDB, TPB…

Ai đã mua STB trong phiên giao dịch kỷ lục?

Như Vnbusiness đã đưa tin, với giá tăng trần và thanh khoản kỷ lục gần 100 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 30/3, STB đã trở thành cổ phiếu có mức giao dịch lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị của STB trong phiên giao dịch này lên tới 2.000 tỷ đồng.

Đà tăng của STB có liên quan đến việc chuyển nhượng lô cổ phiếu được cầm cố ở Kienlongbank và một ngân hàng khác là Eximbank đang nắm giữ 75 triệu cổ phiếu STB.

Kienlongbank đã nhiều lần từng chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB với giá mong muốn 24.000 đồng/cp để thu hồi nợ, vì đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một số cá nhân tại Kienlongbank nhưng đã quá hạn. Việc bán lô cổ phiếu khá khó khăn khi thị trường không thuận lợi. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank trong năm 2020.

Về phía Eximbank, nhà băng này cũng nhiều lần lên kế hoạch bán lô cổ phiếu STB để thu tiền về. Đây cũng là khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu STB.

Theo dữ liệu giao dịch của Fiin Group, những nhà đầu tư cá nhân là đối tượng chủ yếu mua ròng cổ phiếu STB trong phiên giao dịch kỷ lục ngày 30/3. Mức mua ròng của các nhà đầu tư cá nhân đạt 614 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư tổ chức bán ròng 712 tỷ đồng.

“Giao dịch của STB trong tháng 3 chủ yếu là sự bán ra của nhà đầu tư tổ chức trong nước, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Giá của STB tăng 11,7% trong tháng 3 tính đến 30/3 và tăng 21,3% từ đầu năm đến nay. Các ngân hàng Eximbank, Kienlongbank, NCB, ACB, VietBank đều nắm giữ cổ phiếu STB.

Như vậy, có thể có nhiều hơn 1 tổ chức bán ra ngày hôm nay, trong đó đáng chú ý đầu năm, Kienlongbank có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần STB, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3”, Finn Group nêu.

Cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức và cá nhân nào lên tiếng xác nhận về việc mua vào cổ phiếu STB trong những phiên vừa qua, dù trong giới tài chính đã xuất hiện nhiều tin đồn về "đại gia" đứng đằng sau của những giao dịch này.

Bạch Huệ/VnBusiness

https://vnbusiness.vn/ngan-hang/moi-thu-hoi-duoc-46-500-ty-no-xau-sacombank-da-muon-ngan-hang-nha-nuoc-thao-gong-1077549.html?