Lô trái phiếu “khủng” có liên hệ tới nhà Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy. CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng - doanh nghiệp phát hành số trái phiếu trên - nhiều khả năng cũng chính là bên đã mua 35,2 triệu cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra ngày 30/10.
Trái phiếu phát hành ngày 29/10/2019, có kỳ hạn 5 năm, bên mua là nhà đầu tư nước ngoài.
Điểm đáng chú ý nhất của lô trái phiếu này là có lãi suất lên đến 20% - mức lãi suất có thể nói là kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, bỏ xa những mức lãi suất vốn đã khá cao khác như 14,5% của trái phiếu Phát Đạt hay 13% của Pharmacity.
Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 1/11/2019, 60.771.055 cổ phiếu ACB do công ty Hồng Hoàng sở hữu đã được dùng làm tài sản bảo đảm với bên nhận đảm bảo là Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân có trụ sở tại thiên đường thuế Cayman Islands.
Do vậy nhiều khả năng Saigon Asia Credit Limited chính là trái chủ của số trái phiếu trên. Tổ chức tư vấn cho đợt phát hành này là ACBS - công ty chứng khoán thuộc ngân hàng ACB.
Với thị giá cổ phiếu ACB hiện đạt 24.700 đồng thì lượng cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm có trị giá hơn 1.500 tỷ đồng - tức nhỉnh hơn một chút so với giá trị trái phiếu phát hành.
Một điểm đáng chú ý nữa là dù đi vay cũng sở hữu lượng cổ phiếu ACB có giá trị lớn như vậy nhưng vốn điều lệ của Hồng Hoàng chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng, tương ứng 500.002 cổ phiếu.
Vào ngày 12/10/2019, CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan đã mang 499.980 cổ phiếu - tương đương 99,999% vốn điều lệ của Hồng Hoàng làm tài sản bảo đảm cho Saigon Asia Credit Limited.
Cả công ty Nghi Lan và Hồng Hoàng đều có chung người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Khánh Hồng.
Trước khi chuyển trụ sở về An Phú Plaza, cả công ty Nghi Lan và Hồng Hoàng từng đặt trụ sở tại tòa nhà ACB, số 480 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3. Đây cũng là nơi đặt trụ sở nhiều công ty riêng của gia đình ông Trần Hùng Huy.
Bà Trần Thị Minh Hà cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh - doanh nghiệp vào tháng 2/2019 đã nhận chuyển nhượng 1,25% vốn điều lệ của ACB từ ông Trần Minh Hoàng (em trai của chủ tịch ACB Trần Hùng Hùng Huy).
Bên cạnh đó, cả cha và chị gái ông Trần Hùng Huy cũng chuyển cổ phiếu sang cho các công ty riêng là CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen và CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn. Cả 3 công ty này đều có trụ sở tại 480 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.
Khi đó chủ tịch ACB cho biết "đây chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào".
Hồng Hoàng đã mua 32,2 triệu cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra?
Vào ngày 30/10 - tức một ngày sau công ty Hồng Hoàng hoàn tất phát hành trái phiếu - đã có tổng cộng 4 lệnh thỏa thuận cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng với tổng khối lượng là 60.771.055 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 1.446 tỷ đồng - đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ. Trong đó có 3 lệnh với tổng khối lượng 35,2 triệu cổ phiếu - là số cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra.
Như vậy nhiều khả năng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu đã ngay lập tức được dùng để mua cổ phiếu ACB và sau đó dùng chính số cổ phiếu này làm tài sản bảo đảm.
Nếu như vậy thì nguồn thu để trả lãi của Hồng Hoàng thực sự là một ẩn số. Với lãi suất vay 20%/năm, mỗi năm công ty sẽ phải trả lãi 280 tỷ đồng. ACB cần phải trả cổ tức tiền mặt lên đến 46%/năm (một công số khôn tưởng) thì Hồng Hoàng mới có tiền trả lãi nếu không có nguồn thu khác. Thực tế thì trong 4 năm qua ACB cũng chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu!
Xem thêm:
-
ACB và dấu ấn Trần Hùng Huy
-
ACB và hành trình 6 năm xóa tàn dư của bầu Kiên
-
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy: Mình không biết nhảy, không biết hát nhưng có thể học và không sợ quê!
-
Loạt giao dịch cổ phiếu 'khủng' của gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy