Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Mỹ-Trung tuyên chiến thương mại: Đại gia miền Tây “trúng lớn”

26/09/2018 07:31

Dân trí Cổ phiếu thuỷ sản của các đại gia miền Tây như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn đang trở lại thời kỳ tăng trưởng rực rỡ khi mà ngành này (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn) được cho sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội. >> Chứng khoán “vào vận”, đại gia “hốt tiền” >> 3 tỷ phú USD “kiếm bộn”; tiền đang “ầm ầm” dồn vào chứng khoán

Cổ phiếu thuỷ sản của các đại gia miền Tây như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn đang trở lại thời kỳ tăng trưởng rực rỡ khi mà ngành này (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn) được cho sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội.

Sau một phiên giao dịch giằng co, cuối cùng VN-Index vẫn bị giảm 0,55 điểm tương ứng 0,05% xuống còn 1.010,74 điểm trước áp lực điều chỉnh của một số mã vốn hóa lớn dù trên sàn HSX vẫn có tới 162 mã tăng giá (8 mã tăng trần) so với 118 mã giảm (4 mã giảm sàn).

Tình trạng “đỏ vỏ xanh lòng” cũng diễn ra tương tự trên HNX khi sàn này có 91 mã tăng (18 mã tăng trần) so với 69 mã giảm (9 mã giảm sàn) song chỉ số HNX-Index vẫn mất nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,06% còn 115,52 điểm.

Nhóm “ông lớn” VCB, VHM, CTG, MBB, BVH… được cho là những “tội đồ” khiến VN-Index quay đầu giảm. Trong đó, riêng VCB sụt giá 800 đồng đã lấy đi của VN-Index hơn 0,9 điểm. Bên cạnh đó, HNG, TCB, VIC, TPB sụt giá cũng khiến diễn biến chỉ số chính của thị trường trở nên tệ hơn.

Ngược lại, NVL, VRE, GAS, PVD tăng giá, tuy nhiên, mức tăng tại những mã này chưa đủ để giữ VN-Index “xanh điểm” vào thời điểm chốt phiên.

Nếu biết nắm bắt cơ hội, các đại gia thủy sản miền Tây có thể sẽ tìm lại được thời kỳ hoàng kim trước đây trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
Nếu biết nắm bắt cơ hội, các đại gia thủy sản miền Tây có thể sẽ tìm lại được thời kỳ hoàng kim trước đây trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc

Cổ phiếu thủy sản dường như đang tìm lại được những “tháng năm rực rỡ” của mình khi có chuỗi giao dịch đầy khả quan. HVG của Hùng Vương tăng trần lên 5.620 đồng/cổ phiếu, cuối phiên không hề có dư bán và còn dư mua trần hơn 116 nghìn đơn vị, khớp lệnh đạt hơn 1,7 triệu cổ phiếu.

HVG đã có cú chuyển mình thực sự ấn tượng với mức tăng hơn 8% trong vòng 1 tuần. Mức tăng trong vòng 1 tháng qua của mã này lên tới 63,37% và tăng tới 109,7% chỉ trong vòng 3 tháng.

VHC của Vĩnh Hoàn tăng 3.800 đồng tương ứng 4,12% lên 96.000 đồng, ghi nhận tăng 6,67% trong 1 tuần, gần 31% trong 1 tháng và tăng gấp đôi sau 1 năm.

MPC của Minh Phú trong khi đang rục rịch quay lại trên HSX thì cũng đã có cú bứt phá mạnh mẽ trên UPCoM với mức tăng ấn tượng 160% so với thời mới niêm yết. Mã này hôm nay tăng mạnh 1.800 đồng tương ứng 3,9% lên 46.638 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt phiên này bị nhà đầu tư chốt lời, giảm 700 đồng tương ứng giảm 3,17% còn 21.400 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, mã này vẫn ghi nhận mức tăng hơn 13% và đã tăng giá tới trên 142% so với 1 năm trước.

Tại báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán BVSC cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng nóng lên với việc Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế lên gói hàng hóa mới của nhau kể từ 24/9) đang mang đến cơ hội cho những quốc gia trong vai trò xuất khẩu các mặt hàng thay thế sang cả hai thị trường rộng lớn và tiềm năng này.

Theo BVSC, ngành thủy sản của Việt Nam mà điển hình là sản phẩm cá da trơn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội.

Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Donald Trump, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế là 10%. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%.

Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng (cá tra, cá basa) sang Mỹ để giành giật thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, năm 2017 là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm cá tra đang ngày một tăng lên.

Cũng theo BVSC, mặc dù các sản phẩm thủy sản mà Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, ngao, cua… nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.

Như vậy, nhìn chung nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này. Kết hợp với đề xuất của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ thì đây sẽ là những thông tin mang tính hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra.

Mai Chi

Theo Dân Trí