“Cái cây cần gì để lớn?”
Khi người thầy giáo trẻ đặt câu hỏi, cả lớp cười ồ lên trước câu hỏi có vẻ quá đơn giản này. “Cây cần đất, cần ánh sáng, cần ô-xi, cần chất dinh dưỡng… để lớn” – mỗi nhóm đưa ra một đáp án quen thuộc.
Người giảng viên sau đó đưa ra một danh sách câu trả lời của các bạn học sinh lớp 3 mà anh từng hỏi tương tự. “Cây cần thời gian để lớn” – câu trả lời của một bạn nhỏ tiểu học khiến cả lớp ồ lên kinh ngạc và thích thú.
Những sinh viên hôm đó chính là hơn 100 nhà quản lý giáo dục và thầy cô các trường trung học từ 24 tỉnh thành về tham dự lớp đào tạo phương pháp giảng dạy “ươm dưỡng trí tò mò và khám phá” cho học sinh.
TS. Nguyễn Chí Hiếu tại lớp học ở TP. HCM sáng Chủ nhật 1/12/2019. Ảnh: Luân Nguyễn.
|
Câu trả lời bất ngờ từ những em học sinh tiểu học được người giảng viên đưa ra như một minh chứng cho thấy cách tiếp cận giáo dục truyền thống đang khiến cho sự sáng tạo trong cách nhìn của học sinh ngày một cùn mòn đi theo các cấp học, để chỉ còn lại những người lớn luôn nhìn và nghĩ theo những lối mòn định sẵn như thế nào.
Câu chuyện và những chia sẻ về các phương pháp “nuôi dưỡng trí tò mò”, xây dựng “năng lực đặt câu hỏi” thay vì “nhồi nhét kiến thức” và những suy nghĩ rập khuôn đã khiến cả khán phòng hào hứng hẳn lên.
Một thầy hiệu trưởng của một ngôi trường có tiếng ở TP.HCM đã phải thốt lên “làm bùng nổ điều tuyệt vời hay dội nước lạnh dập tắt lụi một năng lực tiềm tàng của học sinh mình, điều đó có phần trách nhiệm rất lớn ở những người đồng hành cùng các em – các thầy cô giáo”.
Người thầy hôm đó là Nguyễn Chí Hiếu, người vẫn được báo chí gọi là “vua săn học bổng”, người tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế của trường đại học Stanford danh giá khi mới 27 tuổi, thủ khoa MBA của Đại học Oxford.
Nhưng với hàng ngàn giáo viên mà Hiếu đã làm việc cùng suốt mấy năm qua, Nguyễn Chí Hiếu chỉ đơn giản là “thầy Hiếu”, người luôn truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực để họ không nản lòng và thêm tự tin theo đuổi con đường làm giáo dục đích thực, làm tròn sứ mệnh của một người thầy “dạy người”.
Giữa bao nhiêu danh hiệu mà báo chí gán cho, Hiếu cũng chỉ muốn được gọi bằng cái tên giản dị “thầy Hiếu” – gắn với cái nghề mà Hiếu đã đam mê và lựa chọn theo đuổi khi trở về Việt Nam, bỏ lại sau lưng những lời mời công việc hấp dẫn và thu nhập “khủng” ở nước ngoài.
“Nghiện giấc mơ, bơ lối mòn”
Hành trình ngược dòng của Hiếu bắt đầu từ năm 2012, khi Hiếu chọn con đường trở về Việt Nam sau 10 năm du học với tấm bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Stanford danh giá.
Từ bỏ những lời mời công việc hấp dẫn với mức lương hàng trăm ngàn USD ở những tổ chức đình đám như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay các ngân hàng đầu tư, Hiếu quyết định quay trở về Việt Nam, bất chấp sự phản đối của gia đình.
Thầy Hiếu chia sẻ với học sinh và ba mẹ trong một sự kiện ở Hà Nội.
|
Lý giải cho hành động bị nhiều người xem là “bồng bột” thưở đó, Hiếu thú nhận rằng tại thời điểm tốt nghiệp tiến sĩ, bản thân cũng chưa định hình được điều mình thực sự muốn theo đuổi là gì.
“Tôi chỉ biết rằng, những lời mời công việc này, dù lương bổng hấp dẫn đến đâu, dường như không phải là điều tôi thực sự yêu thích, bởi tôi không tưởng tượng được mình sẽ làm những công việc đó cả đời.
Tôi muốn làm một công việc mà mỗi sớm mai tỉnh dậy mình thích đi làm, thấy mỗi ngày mình học được điều gì đó từ công việc. Vì vậy, tôi quyết định quay trở lại Việt Nam chỉ với một suy nghĩ đơn giản: Hãy thử một thứ gì đó khác xem sao, để tìm ra điều mình thực sự muốn làm”, Hiếu chia sẻ.
Nhưng hành trình đi tìm bản ngã của chàng tiến sĩ trẻ, với bao hăm hở và hoài bão khi trở về quê hương, cũng lắm nỗi chênh chao.
Sau ba năm cùng bạn bè khởi nghiệp, xây dựng thành công một tổ chức đào tạo tiếng Anh và tư vấn du học có tiếng, với vị trí công việc và thu nhập tốt, nhưng trong sâu xa Hiếu thấy nội tâm thật bấp bênh “Liệu cái đang làm có phải đam mê để mình hi sinh cuộc sống? Và nếu ở lại thì có làm được gì khác hơn và tốt hơn cho thế hệ sau?”
“Làm CEO một công ty khởi nghiệp có doanh thu hơn 50 tỷ đồng, đang trên đà tăng trưởng ít nhất 50% mỗi năm, danh tiếng đang lên như diều gặp gió – đó chắc hẳn là điều nhiều người khao khát và có thể sẵn sàng “chiến đấu tới giọt máu cuối cùng” vì nó. Nhưng tôi đã lắc đầu từ chối. Tôi không thèm khát vị trí ấy nên chẳng “háu chiến” vì nó”, Hiếu kể nhẹ tênh.
Quyết định dừng tất cả để ra đi một lần nữa trên cung đường “Tôi đi tìm tôi”. Lần này, điểm dừng chân của Hiếu là Đại học Oxford, với học bổng toàn phần theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).
“Trong khóa MBA, Trường Oxford có mời CEO các công ty, tập đoàn đình đám đến giao lưu cùng sinh viên. Buổi trò chuyện nào tôi cũng đến tham dự và chăm chú lắng nghe vì họ rất đáng để mình học hỏi. Nhưng tôi không tìm thấy bóng dáng mình trong hình ảnh của họ. Tôi thấy xa lạ, chẳng chút thoải mái với những bộ cánh hàng hiệu, những chiếc xe đắt tiền.
Ngược lại, thời điểm đó tôi đọc rất nhiều sách từ tâm lý học đến lịch sử, giáo dục, kinh doanh, khởi nghiệp... và dù đọc quyển sách nào thì tôi cũng đều liên tưởng đến giáo dục VN.
“Tại sao nước mình không có người viết được những quyển sách như vậy?”; “Cái này dạy cho học trò trong nước thì như thế nào?”; “Tại sao học sinh VN không được học như thế này?”... Cứ gấp sách lại thì ý tưởng, những câu hỏi trên lại bật lên, khiến tôi suy nghĩ mãi”, Hiếu tâm sự.
Chính trong những ngày lang thang trên khắp các con phố Oxford trầm lắng bình yên, chàng trai trẻ vốn lòng đầy băn khoăn đã tìm ra “thước đo” cho thành công và hạnh phúc mà riêng mình tìm kiếm bấy lâu - thứ không còn đồng nghĩa với những thước đo của xã hội mà nhiều người vẫn mải miết đuổi theo: sự nghiệp, tiền tài, danh vọng, địa vị…
Lần này, Hiếu có thể nhẹ nhàng gạt bỏ những lời mời làm việc hấp dẫn, bao gồm cả cơ hội làm giảng viên tại Đại học Oxford, để trở về Việt Nam một lần nữa, mà như Hiếu kể, “trở về với những đứa trẻ ở một mảnh đất mà không ít người đã bỏ rơi hoặc cứ đang ra sức vắt kiệt, ngại “cày sâu tốt lúa” và càng ít chịu đổi thay”.
Không một chút chạnh lòng khi bạn bè cùng lứa đã thành công, giàu có, Hiếu của năm 33 tuổi quyết định khởi nghiệp lần thứ hai ở Hà Nội, thay vì Sài Gòn, mảnh đất quen thuộc và đầy cơ hội làm ăn.
Với danh tiếng đình đám của “thợ săn học bổng”, nếu chấp nhận làm tư vấn du học, giúp học sinh cách viết luận thì Hiếu có thể kiếm được tiền tỉ nhanh chóng, như lựa chọn của nhiều người.
Ngược lại, Hiếu chấp nhận ở nhà thuê, đi xe mượn của người khác, tự nấu ăn một mình…và dấn thân cho đam mê giáo dục, trở thành người sáng lập và lãnh đạo Tổ chức Giáo dục Sáng tạo (IEG), tập trung nghiên cứu và phát triển các mô hình giáo dục và chương trình học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, đào tạo chuyên môn giảng dạy cho giáo viên, tư vấn xây dựng năng lực quản lý cho các nhà quản lý giáo dục.
Nguyễn Chí Hiếu khi tốt nghiệp cử nhân Học viện Kinh tế và Chính trị London.
|
Với IEG, một lần nữa, Hiếu lại “bơ” những lối mòn quen thuộc. Thay vì nhân rộng mô hình, mở chuỗi ở nhiều tỉnh thành, và thu về “siêu lợi nhuận” như cách làm phổ biến của nhiều đơn vị giáo dục khác, IEG của Hiếu giờ vẫn theo con đường “boutique” – be bé, xinh xinh với hai trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM.
“Tôi không muốn chọn con đường trở thành đối thủ cạnh tranh, giành giật miếng bánh thị trường với các đơn vị giáo dục khác. Ngược lại, tôi muốn trở thành người đứng sau cánh gà, cố gắng hỗ trợ các đơn vị giáo dục giải bài toán nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.
Để mô hình của IEG đi vào chiều sâu, chúng tôi phải đi đủ chậm, đủ nhỏ và chắc từng bước. Dạy một bài học hay thiết kế một chương trình, ta phải hiểu bản chất bên trong là gì, một thao tác giảng dạy có cơ sở khoa học ở đâu chứ không thể chỉ làm theo quán tính, kinh nghiệm”, Hiếu giải thích.
Suốt ba năm kể từ khi trở về Việt Nam khởi nghiệp lần thứ hai, Hiếu không nhớ nổi mình đã dự bao nhiêu tiết học, đã gặp gỡ, chia sẻ và hướng dẫn cho bao nhiêu thầy cô. Đâu đó khoảng 5 ngàn tiết học và gần chục ngàn thầy cô đã tham gia các lớp đào tạo giáo viên mà thầy Hiếu đứng lớp.
Người chèo đò ngược gió
Trong bộn bề công việc, có một thứ mà gần mười năm quay trở về Việt Nam, Hiếu chưa bao giờ từ bỏ, đó là bục giảng. Hàng tuần, thầy Hiếu vẫn trực tiếp đứng lớp, đồng hành cùng các em học sinh từ cuối cấp hai cho đến hết cấp ba – lứa tuổi “ẩm ương” mà Hiếu tin là “bản lề” trong hành trình định hình tâm hồn và nhân cách của một đứa trẻ.
Nhưng “thước đo” thành công và hạnh phúc của nghề giáo, với Hiếu cũng lại khác người. Niềm vui lớn nhất của thầy Hiếu không phải là khi học trò mình gặt hái được những thành tích, giải thưởng hay học bổng.
Hạnh phúc của người thầy, chỉ đơn giản là được chứng kiến một học trò ba tháng trước còn thiếu kiên nhẫn, nay có thể tập trung làm bài trong một giờ đồng hồ, hay một bạn trẻ một năm trước còn suy nghĩ hời hợt nay đã bắt đầu hỏi thầy những câu hỏi trăn trở về thế giới xung quanh.
Với Hiếu, những thay đổi tích cực từ bên trong mỗi học sinh mới là đích đến thực sự của nghề “trồng người”, dù điều đó không dễ dàng “cân đong đo đếm” như điểm số, hay giải thưởng mà cả nhà trường lẫn các bậc cha mẹ đang không ngừng lao vào cuộc chạy đua bề nổi.
“Giáo dục nên làm gì cho lũ trẻ ngày nay? Dù ai nói gì thì đều có một điểm chung: Tính cách và phẩm chất. Kiến thức có thể học nhanh và tìm thấy nhanh trong thời đại này. Kỹ năng – trừ một số kỹ năng đặc biệt – vẫn có thể học được trong một thời gian ngắn.
Nhưng tính cách và phẩm chất không thể làm được trong thời gian ngắn. Tính cách tạo ra thành công và hạnh phúc của một người. Còn phẩm chất sẽ tạo ra một cộng đồng và xã hội tích cực”.
Thầy Hiếu dẫn học sinh đi hoạt động trải nghiệm tại Oxford.
|
Để làm tròn sứ mệnh ấy, Hiếu tin rằng người thầy không thể chỉ là “người dạy chữ” mà hơn hết, phải là người truyền cảm hứng, ươm dưỡng đam mê và cảm xúc tích cực cho mỗi học sinh.
Đó cũng chính là lí do suốt ba năm qua, Hiếu luôn miệt mài không ngừng “truyền cảm hứng” và gieo những hạt mầm “thay đổi nhận thức” cho những người làm nghề giáo. Hàng ngàn giáo viên phổ thông trên khắp cả nước đã từng tham gia các lớp đào tạo chuyên môn giảng dạy của “thầy Hiếu” – như cách mà họ trìu mến gọi chàng đồng nghiệp có khi còn ít tuổi hơn mình.
“Không phải giáo viên nào cũng chạy theo trào lưu xã hội, chăm chắm vào luyện thi hay dạy thêm như xã hội thường hay mô tả méo mó về họ. Trong hàng ngàn thầy cô giáo tôi đã có dịp gặp gỡ, đào tạo, rất nhiều người tâm huyết với giáo dục, mong muốn những cách làm khác đi.
Nhưng họ bị trói buộc bởi hệ thống, bởi môi trường, bởi áp lực kinh tế, và cả năng lực nữa. Những ràng buộc này không thể cởi trói ngày một ngày hai, mà cần có những cách tiếp cận và thay đổi từ từ, mang tính dài hạn”, Hiếu chia sẻ.
Bởi vậy, thay vì phê phán, chỉ trích những khiếm khuyết của nền giáo dục đương thời, Hiếu chọn hành động. “Dù lớn hay nhỏ, những thay đổi mỗi người chúng ta tạo ra cho bản thân và cho người khác sẽ đều có ý nghĩa một khi chúng ta lấp đầy chặng đường mình đi với tinh thần bớt danh vọng và thêm yêu thương”.
Như tiến sĩ Vũ Duy Thức, CEO OhmniLabs từng gọi Hiếu là “người chèo đò hạnh phúc”, Hiếu đã nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, và “đã quyết định theo đuổi hạnh phúc đó đến cùng với một tâm sáng, một đam mê, một bao dung và rất nhiều cho đi”.
“Nếu có điều gì xứng đáng để ta dành trọn cuộc đời mình, cuộc đời mà ta chỉ được phép sống một lần, thì tôi nghĩ đó chỉ có thể là một giấc mơ đẹp đang không ngừng khiến trái tim bạn đêm về thì chộn rộn “mất ngủ” nhưng sớm mai thì an yên ngắm nắng vàng với tràn đầy hy vọng.
Nếu giấc mơ ấy “ngược gió” với giấc mơ của bao người, rất có thể bạn sẽ phải nắm chặt tay, bám chặt bàn chân trên lối đi “ngược đời” chông gai, chập chờn sáng tối mà trái tim mình đã chọn, dám bơ đi những lối mòn quang đãng, khang trang”, đó là những dòng tự sự của Nguyễn Chí Hiếu, trong cuốn sách đầu tay “Nghiện giấc mơ, bơ lối mòn” từng được đưa vào đề thi văn học sinh giỏi lớp 12 năm ngoái.
Giấc mơ của chàng tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Điều hành Tổ chức Giáo dục IEG, được báo chí gọi là “vua săn học bổng” thuở nào, luôn là một hành trình đi ngược chiều gió để chạm đến tận cùng đích của đam mê./.
Theo Viettimes
Link gốc: https://viettimes.vn/nghien-giac-mo-bo-loi-mon-hanh-trinh-nguoc-gio-cua-chang-tien-si-kinh-te-stanford-375159.html