Nhà đầu tư đừng sợ 'nỗi đau' chứng khoán thời dịch

30/03/2020 17:27

Thị trường chứng khoán hiện nay như một con tàu cao tốc chưa đến điểm an toàn, nếu các nhà đầu tư nhảy khỏi thì sẽ ra sao?

Thị trường chứng khoán hiện nay như một con tàu cao tốc chưa đến điểm an toàn, nếu các nhà đầu tư nhảy khỏi thì sẽ ra sao?

Khi còn là một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kế hoạch tài chính cá nhân, tôi nhìn nhận thị trường chứng khoán phấn lớn dựa trên quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Quy luật cung cầu là một trong những quy luật cơ bản nhưng quan trọng nhất trong các ngành học liên quan đến tài chính, kinh tế, và kinh doanh. Nhưng trong những tháng gần đây, sự phản ứng mạnh mẽ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và hệ quả tài chính tồi tệ trong thảm họa đại dịch Covid-19 đã khiến tôi suy nghĩ thêm về những nguyên nhân và tác động thực sự làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và làm thị trường chao đảo.

Không nhằm mục đích đưa ra những lời tư vấn đầu tư chứng khoán, bài viết này sẽ đề cập đến hai vấn đề mấu chốt khi đầu tư trong thời khủng hoảng:

Thứ nhất, sự bình tĩnh của các nhà đầu tư chứng khoán rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng.

Thứ hai, áp dụng thuyết Prospect Theory (tạm dịch là Thuyết Viễn Cảnh) khi đưa ra quyết định giao dịch chứng khoán.

Vấn đề thứ nhất có tác dụng tức thì vì cả thế giới đang trong cơn khủng hoảng bệnh dịch, cái dẫn đến khủng khoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Vấn đề thứ hai là một đề tài mới mà tôi mới chỉ bắt đầu quan tâm tới trong khi đang làm một nghiên cứu khoa học cho một tạp chí Mỹ chuyên ngành tài chính. Tôi đã sử dụng Thuyết Viễn Cảnh để làm khung sườn cho các giả thuyết và câu hỏi trong bài nghiên cứu và tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nên dùng thuyết này để ra quết định mua bán chứng khoán một cách hợp lý khi có tỷ lệ trượt giá cao.

>>Tại sao hệ thống y tế Mỹ 'lúng túng' với Covid-19?

Tại sao nhà đầu tư lại cần phải thật bình tĩnh trong cơn khủng hoảng? Tôi lấy một chiếc tàu lượn siêu tốc (roller coaster) ra làm ví dụ để trả lời và phân tích vấn đề này. Tôi đưa cả gia đình đi DisneyWorld vào những dịp hè và nhìn thấy những người thích mạo hiểm đều đi tàu lượn siêu tốc. Con gái tôi cũng không nằm ngoài số người này. Cứ tàu lượn nào cao nhất, nhanh nhất là đòi đi và tôi cũng chiều ngay. Hãy tưởng tượng rằng các nhà đầu tư hiện nay đang ở trên chiếc tàu lượn siêu tốc đó. Điều này là sự thật mà ai cũng nhìn thấy vì chúng ta đang chứng kiến chỉ số VN-Index giảm hàng chục điểm, thậm chí hàng trăm, chỉ trong một thời gian rất ngắn. Rồi chỉ số này lại tăng trong một số ngày khác. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang như một con tàu lượn siêu tốc mà chưa về đến điểm an toàn. Như vậy thử hỏi nếu ai đó bất ngờ nhảy ra khỏi con tàu lượn siêu tốc này khi tàu đang chạy thì tính mạng người đó sẽ ra sao?

Tất cả các nhà đầu tư chứng khoán không nên vội vã nhảy ra khỏi con tàu lượn siêu tốc chứng khoán hiện nay nếu không thực sự cần thiết. Nhà đầu tư phải giữ bình tĩnh, thậm chí trải nghiệm một cách tích cực và thấu hiểu trước sự thăng trầm khi thị trường tài chính trong nước cũng như trên thế giới chao đảo. Chiếc tàu lượn rồi sẽ về nơi xuất phát an toàn để người chơi "hạ cánh" một cách an toàn. Nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu rồi sẽ hồi phục và phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhà đầu tư sẽ tìm lại được giá trị ban đầu, thậm chí lợi nhuận trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Khi quan sát những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trong lịch sử nhân loại, một hiện tượng thường xảy ra là hoảng loạn (panicking). Nhà đầu tư cũng như mỗi con người chúng ta đều có tâm trạng hoảng loạn khi một hiện tượng tiêu cực sẽ, hoặc đang xảy ra, như là đại dịch này vậy. Bản thân đại dịch có thể sẽ không tồn tại lâu dài. Nhưng sự hoảng loạn không cần thiết sẽ có tác dụng lâu dài lên nền kinh tế, hệ thống tái chính của quốc gia và toàn cầu. Nếu người ngồi trên tàu lượn siêu tốc không hoảng loạn thi người đó không nhảy ra khỏi tàu lượn. Nếu nhiều nhà đầu tư bình tĩnh, không hoảng loạn, và không bán tháo chứng khoán một cách rẻ rúng thì thị trường không lao dốc. Điều này tạo phản ứng dây truyền tích cực đến niềm tin của nhà sản xuất và người tiêu dùng và đến cả nền kinh tế nói chung.

>>Nỗi sợ của những người Mỹ không bảo hiểm y tế

Vấn đề thứ hai là việc áp dụng Thuyết Viễn Cảnh của Daniel Kahneman và Amos Tversky vào quyết định giao dịch chứng khoán. Nhà nghiên cứu người Israel, Daniel Kahneman đã giành giải Nobel tưởng nhớ về kinh tế năm 2002. Thuyết Viễn Cảnh có nhiều khía cạnh và lập luận. Tuy nhiên có một lập luận trong thuyết này cho rằng, con người cảm thấy "đau đớn" khi mất hơn là cảm thấy "sung sướng" khi được trên cùng một giá trị. Để làm dễ hiểu hơn, ví dụ, cảm giác đau đớn của một người làm mất một triệu đồng sẽ lớn hơn là cảm giác sung sướng khi nhặt được một triệu đồng. Theo như suy nghĩ thông thường thì một triệu đồng mất và một triệu đồng nhặt được đương nhiên là có giá trị như nhau. Như vậy cảm giác đau đớn và cảm giác sung sướng phải như nhau. Nhưng không, theo kết quả nghiên cứu của Thuyết Viễn Cảnh thì cảm giác đau đớn sẽ lớn hơn. Thực chất thì đây chỉ là cảm giác mà thôi. Về giá trị kinh tế và tài chính thì mất một triệu cũng như là được một triệu.

>> Thời gian 'vàng' chống Covid-19

Như vậy, có thể do nhà đầu tư sợ đau đớn tài chính, sợ sự mất mát hiện tại trước mắt nên sẽ bán tháo chứng khoán để không muốn có cảm giác đau đớn hơn nữa. Mặc dù có lời khuyên từ các công ty chứng khoán hoặc có tư vấn của các chuyên gia về tương lai tốt đẹp của chứng khoán, nhưng nhà đầu tư vẫn hành động theo cảm giác của mình. Về lâu dài điều này là sai lầm mà không thể chứng minh được vì đo lường chính xác cảm giác mất hay được là rất khó khăn và vô cùng trừu tượng. Thông thường thì các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý vẫn khuyên chúng ta không nên để cảm giác (hoặc đa cảm) tác động đến quyết định kinh doanh. Như vậy nếu thấu hiểu Thuyết Viễn Cảnh và chấp nhận lời khuyên của các chuyên gia quản lý, nhà đầu tư không nên bán tháo chứng khoán trong khủng hoảng khi thấy sự thiệt hại nhất thời và cảm nhận cảm giác đau đớn khi mất mát tài chính. Theo tâm lý học thì cảm giác là động lực vô hình, nhưng rồi nó cũng qua đi theo thời gian. Các nhà đầu tư, đừng hành động theo cảm giác mà hành động theo số liệu, theo phân tích, và theo khoa học.

Khi đã hiểu được lập luận mất và được trong Thuyết Viễn Cảnh thì nhà đầu tư không nên để cảm giác "đau" khi bị thua lỗ lấn át. Sự mất mát trong khủng hoảng chỉ là tạm thời, vì vậy, nỗi đau cũng chỉ là tạm thời. Phải chăng, thời gian là bài thuốc hữu hiệu nhất để làm lành các nỗi đau. Có lẽ, Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại đang sống cách nhà tôi 72km, là người đã áp dụng Thuyết Viễn Cảnh một cách triệt để nhất khi chúng ta không thấy ông bán tháo chứng khoán trong các kỳ khủng hoảng. Trong bài viết tới, tôi sẽ nói về chiến lược lựa chọn chứng khoán và sắp xếp danh mục đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng.

>> Nỗi lo Đông Nam Á 'vỡ trận' như châu Âu

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay khi nhà nhà người người chúng ta đang chung sức chống đại dịch, những người Việt ở nước ngoài như tôi không biết làm gì hơn là đóng góp kiến thức khiêm tốn của mình cho đất nước trong lúc khó khăn cũng như khi thịnh vượng. Con người Việt Nam chúng ta luôn mạnh mẽ trong mọi khó khăn và luôn chia sẻ trong mọi hoàn cảnh. Đại dịch này rồi cũng qua đi. Niềm tin vào cuộc sống và kinh tế cũng như niềm tin cụ thể vào thị trường chứng khoán rồi sẽ trở lại. Sắc xanh sẽ nhiều hơn sắc đỏ trên thị trường, chiếc tàu lượn siêu tốc sẽ về đích an toàn. Các khoản đầu tư sẽ về đích an toàn, kể cả khoản đầu tư vào con người như tôi đã phân tích trong bài viết 3 cách đầu tư 'nguồn vốn con người' để xã hội phồn vinh của tôi trước đây.

Vincent Le

Theo Vnexpress