Với nhiều người, mặt hàng đồng hồ thường được coi là “quá đắt” khi có nhiều mẫu mã thậm chí có giá ngang ngửa một chiếc xe hơi thể thao hay cả căn nhà với dân thu nhập trung bình. Vậy điều gì thực sự khiến một chiếc đồng hồ đeo tay trở nên đắt đỏ như vậy và liệu chúng thực sự có giá trị hay chỉ đang bị định giá quá cao?
Đồng hồ có phải là hạng mục đang bị định giá quá cao? Ảnh: Titelmedia / Thomas Welch |
Mua giờ làm việc của người khác?
Điểm khác biệt của giới chơi đồng hồ so với người bình thường đeo đồng hồ chắc là ở chỗ họ chú ý đến từng khía cạnh của quá trình sản xuất thay chỉ quan tâm đến thứ đang đeo trên tay. Một mặt hàng xa xỉ như đồng hồ Rolex hay Patek Philippe được các hãng mô tả khâu sản xuất cực kỳ tỉ mỉ với số lượng chi tiết, công việc, nhân sự và khoảng thời gian để hoàn thành là khó tưởng tượng được. Có những thương hiệu phải dành cả thập kỷ đề đào tạo ra một người thợ có thể lắp ráp chỉ một chi tiết nhỏ.
Trang Highsnobiety có lấy ví dụ về chiếc đồng hồ Blancpain 1735 Grande Complication có 740 bộ phận được làm thủ công hay hãng A. Lange & Söhne của Đức có 70 nhân viên chỉ trong bộ phận hoàn thiện sản phẩm của mình, nơi xử lý các công đoạn như vát mép, cắt hạt và đánh bóng. Sau cùng, trang này đưa ra quan điểm xem xét những năm nghiên cứu và phát triển để tinh chỉnh từng bước của quy trình sản xuất đồng hồ, như việc tạo ra bộ chuyển động nội bộ, lắp mặt số chuyên dụng hay dự trữ năng lượng.
Như vậy, khi mua một chiếc đồng hồ, đó không đơn giản chỉ là uy tín của thương hiệu mà còn là hàng triệu giờ làm việc để tạo ra nó. Còn có một vấn đề khác khiến cho giá đồng hồ đắt đỏ đó là chia lợi nhuận cho nhà phân phối. Theo Forbes, nhà sản xuất có thể tăng gấp đôi chi phí sản xuất khi bán cho nhà phân phối buôn. Từ đây, những người bán hàng lại tăng gấp đôi giá khi bán cho nhà bán lẻ, người này lại tăng gấp đôi giá cho người tiêu dùng. Như vậy, một chiếc đồng hồ có giá sản xuất 500 USD hoàn toàn có thể được bán với giá cuối cùng là 4.000 đến 5.000 USD.
Sự thành công của nhiều thương hiệu đồng hồ khi đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng chính là loại bỏ các yếu tố trung gian. Những hãng đi đầu có thể kể đến Omega, IWC, Chopard, Panerai và Longines cho một số mẫu đồng hồ nhất định.
Quy trình sản xuất ra những chiếc đồng hồ được mệnh danh là xa xỉ tốn rất nhiều thời gian với sự trau chuốt, tỉ mỉ. Ảnh: Getty Images / Leon Neal |
Những phiên bản giới hạn
Khi Rolex đưa Daytona trở lại thị trường vào năm 1991 nhưng 3 năm sau đó hãng không có chiếc đồng hồ nào để bán trong khi danh sách chờ đã tăng lên hẳn 6 năm. Không chỉ có Rolex, các thương hiệu đồng hồ cao cấp luôn xảy ra tình trạng cung không đủ cầu. Một phần nguyên nhân là do càng là mặt hàng cầu kỳ thì thời gian để sản xuất càng lâu nhưng nguyên nhân khác cũng là để người tiêu dùng tin rằng họ đang mua hàng xa xỉ, càng hiếm thì càng phải đắt.
Richemont đã dùng 300 triệu USD để mua lại những chiếc đồng hồ bị sản xuất quá “lố” từ chính các thương hiệu mà công ty này sở hữu như Cartier, IWC Schaffhausen, Jaeger-LeCoultre, Officine Panerai, và Piaget khi các nhà máy thất bại trong việc hạn chế số lượng sản xuất. Quyết định này của Richemont đã dẫn đến doanh thu tăng 2 con số cho Cartier trong vòng 6 tháng. Trường hợp này chứng minh ít hơn có nghĩa là nhiều hơn, đúng như vậy.
Hiện tượng này không chỉ dừng lại ở đồng hồ, trong khi thảo luận về thành công của Supreme, người sáng lập James Jebbia nói: “Lý do chính đằng sau thời gian sản xuất ngắn là chúng tôi không muốn mắc kẹt với những thứ mà không ai muốn”. Cũng vẫn là về thương hiệu này, Forbes có nhận định: “Về cơ bản, chúng ta là những loài linh trưởng với động lực tiến hóa là muốn có nhiều hơn những thứ mà chúng ta không thể có, do nỗi sợ hãi mất mát. Sức hấp dẫn của một sản phẩm khan hiếm càng được tăng cường khi nó cũng chuyển tải công khai tiềm lực tài chính cá nhân, dưới dạng của cải”.
Những chiếc đồng hồ được sản xuất giới hạn luôn có giá cao và được săn đón. Ảnh: Getty Iamges / UIG / ANDIA |
Giá trị đầu tư
Tương tự như thị trường xe hơi và đồ nội thất cổ điển, ngành công nghiệp đồng hồ đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các nhà đầu tư cố gắng kiếm tiền bằng cách mua và bán đồng hồ, chủ yếu tại các cuộc đấu giá danh tiếng. Ví dụ đáng chú ý nhất là cuộc đấu giá năm 2017 của Rolex Daytona Paul Newman mà trước đó Paul Newman sở hữu. Chiếc đồng hồ này được bán với giá 17,75 triệu USD. Cuộc đấu giá cũng chứng kiến 50 chiếc đồng hồ được bán với giá cao ngất ngưởng.
Tất nhiên, không phải chiếc đồng hồ nào cũng tăng giá trong tương lai mà có một số ít mẫu đồng hồ tăng giá trị (gấp đôi hoặc gấp 3) chỉ dựa trên sự khan hiếm của chúng, hoặc vì chúng là những sản phẩm kinh điển đã được công nhận. Những chiếc đồng hồ đó được coi là kinh điển mà không cần lý do và đại diện cho sự thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp đồng hồ. Chúng cũng tạo nên một câu chuyện hay về sự liên kết giữa con người và đồng hồ.
Hầu hết trong số những chiếc đồng hồ được bán lại với giá cao đều đi kèm với một câu chuyện như nó thuộc sở hữu của người nổi tiếng, chiếc đầu tiên bay lên không gian hoặc là chiếc duy nhất thuộc loại này. Những tình tiết đó không liên quan gì đến người mua nhưng nó lại làm tăng giá trị của những chiếc đồng hồ vốn đã rất đắt đỏ mà chỉ một số ít người được chọn mới có thể tiếp cận được.
Nếu đang muốn đầu tư vào một chiếc đồng hồ để đeo chứ không phải vì mục đích đầu cơ thì Chợ đồng hồ trực tuyến lớn nhất thế giới Chrono24 khuyên rằng, khách hàng có thể quan tâm đến việc mua trong một phạm vi giá dễ tiếp cận hơn thay vì những dòng hay chiếc nào quá nổi tiếng.
Không chỉ mua để đeo, giờ đây thị trường đồng hồ thứ phát cũng rất phát triển và tao doanh số lớn cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Ảnh: Christopher Beccan |