Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nữ tướng Phương Thảo chiếm đỉnh, tỷ phú Trịnh Văn Quyết khoe máy bay mới

15/01/2020 15:25

Cổ phiếu VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo lên đỉnh trong vòng 1 năm, trong khi đó ông Trịnh Văn Quyết thông báo những bước tiến mới. Cuộc chiến trong lĩnh vực hàng không vẫn khốc liệt.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.)

Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố việc mở thêm 5 đường bay mới tới Nhật Bản với dự kiến khai thác ngay trong năm 2020.

Giá cổ phiếu VJC cũng liên tục đi lên trong cả năm vừa qua, từ mức đáy dưới 110 ngàn đồng/cp lên vùng đỉnh 146 ngàn đồng/cp như hiện tại. Với mức giá này, khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,7 tỷ USD và vẫn nằm trong top 1000 tỷ phú USD giàu nhất trên thế giới, theo xếp hạng của Forbes.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là nữ tỷ phú hàng không duy nhất của thế giới và là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.

Với dân số hơn 90 triệu người, hàng không Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một lĩnh vực hấp dẫn với những hãng hàng không mới đang hoạt động cũng như chờ để được tham gia vào ngành kinh tế này.

Trong khi bà Thảo mở đường bay mới, ông Trịnh Văn Quyết cũng vừa cho biết Hãng hàng không Bamboo Airways chuẩn bị nhận chiếc máy bay thân rộng 787-9 Dreamliner tiếp theo, về Việt Nam từ nhà máy Boeing ở Mỹ.

Năm qua, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã có những nỗ lực rất lớn để đưa Bamboo Airways vào hoạt động và cũng đã có những tín hiệu khả quan đầu tiên.  Bamboo Airways lãi hơn 300 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến tăng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Bamboo Airways đã lên kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết (dự kiến trên sàn HOSE vào vào quý 2/2020).

Việc Bamboo Airways báo lãi trong năm 2019 là một điều bất ngờ. Trước đó, VietJet của bà Phương Thảo cũng báo lãi trong năm thứ 2 hoạt động (năm 2013). Những năm sau đó VietJet tiếp tục lãi lớn không chỉ nhờ vào số lượng khách hàng tăng mạnh mà còn nhờ các hoạt động tài chính. Trong nhiều năm trước đó, VietJet liên tục ghi nhận doanh thu lớn ngàn tỷ và đều đặn từ việc bán và thuê lại tàu bay.

Nữ tướng Phương Thảo chiếm đỉnh, tỷ phú Trịnh Văn Quyết khoe máy bay mới
Ông Trịnh Văn Quyết.

Hãng hãng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vài năm gần đây có nhiều hợp đồng mua buôn máy bay với số lượng lớn với các nhà chế tạo Boeing và Airbus. Hồi cuối 2/2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, VJC thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với thương vụ mua mới 100 máy bay 737 MAX của Boeing giá trị 12,7 tỷ USD. Trước đó, năm 2016, Vietjet cũng có một hợp đồng khủng ký với Boeing mua 100 tàu bay B737 MAX.

Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đã ký một hợp đồng mua thêm 10 máy bay Boeing 787s, trị giá khoảng 3 tỷ USD sau khi có thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị 5,6 tỷ USD. Tổng cộng Bamboo Airways sẽ mua về 30 chiếc Boeing 787, với chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.

Lĩnh vực hàng không Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh sự cạnh tranh gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong vài quý trong 2019 đã cho thấy điều này. Vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng tăng khá chậm.

Về cơ bản, thị trường hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá là rất hấp dẫn với tăng trưởng ấn tượng khoảng 17%/năm trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức 7,9% khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lý do khiến các đại gia vẫn đang tiếp tục kế hoạch đổ tiền vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại cùng với chất lượng dịch vụ xuống thấp với hàng loạt thông tin về sự chậm chuyến, hủy chuyến liên quan tới việc cơ quan chức năng tăng cường quản lý về việc phi công không được bay quá số lượng giờ quy định...

Áp lực trên thị trường hàng không có dấu hiệu hạ  nhiệt sau khi tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng hôm 14/1 quyết định rút khỏi thị trường trước khi Vinpearl Air cất cánh.

Dù vậy, trên thị trường vẫn còn vài cái tên sẽ tham gia. Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) của ông Trần Trọng Kiên khẳng định sẽ tiếp tục làm hàng không, theo cách phù hợp với điều kiện môi trường và điểm mạnh bản thân.

Nếu thành công, Thiên Minh Aviation có thể sẽ là hàng hàng không thứ 6 tại Việt Nam sau Bamboo Airwways do ông Trịnh Văn Quyết. Bốn hãng trước đó gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines và Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO.

Bên cạnh đó, công ty lữ hành Vietravel cũng đang trong quá trình xin giấy phép hoạt động cho hãng hàng không Vietravel Airlines với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại Thừa Thiên Huế. AirAsia cũng chưa có ý định từ bỏ thị trường hàng không gần 100 triệu dân Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 15/1 chỉ số VN-Index giảm nhẹ. Giao dịch ảm đạm do các nhà đầu tư hạn chế mua bán trước kỳ nghỉ tết dài và vẫn thận trọng với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo Rồng Việt, sau những phiên giao dịch tích cực, dấu hiệu điều chỉnh của TTCK gần như bắt đầu. VDS đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư không nên mua đuổi trong thời gian này và có mức giải ngân hợp lý lúc thị trường đi vào giai đoạn diều chỉnh trong những diễn biến tới đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/1, VN-Index tăng 1,16 điểm lên 967,00 điểm; HNX-Index tăng 1,06 điểm lên 103,36 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 55,7 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,6 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Theo Vietnamnet