Ông Nguyễn Đức Tài muốn thôi làm CEO Thế Giới Di Động

22/03/2019 15:55

HĐQT trình Đại hội việc ông Nguyễn Đức Tài rút khỏi vị trí Tổng giám đốc, chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT MWG. Theo ông Tài, khả năng ông Trần Kinh Doanh sẽ làm Tổng giám đốc MWG. Ông Tài nói việc này không mới lạ, ông Doanh là người dẫn dắt vai trò kinh doanh tại MWG từ vài năm nay, là người đưa ra hướng đi của các ngành hàng.

Chiều nay (22/3), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Đề cử ông Trần Kinh Doanh làm CEO thay ông Nguyễn Đức Tài

HĐQT trình Đại hội việc ông Nguyễn Đức Tài rút khỏi vị trí Tổng giám đốc, chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT MWG. Theo ông Tài, khả năng ông Trần Kinh Doanh sẽ làm Tổng giám đốc MWG. Ông Tài nói việc này không mới lạ, ông Doanh là người dẫn dắt vai trò kinh doanh tại MWG từ vài năm nay, là người đưa ra hướng đi của các ngành hàng.

Ông Trần Kinh Doanh, sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TP HCM chuyên ngành Kinh tế học. Từng giữ nhiều vị trí then chốt trong khối Phát triển kinh doanh từ năm 2007, ông Doanh là người trực tiếp đưa hệ thống thegioididong.com có mặt ở 63 tỉnh thành.

Tháng 4/2013, ông Doanh được bầu làm Thành viên HĐQT, sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc CTCP Thế Giới Di Động tháng 6/2014, vận hành hai ngành hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Đến nửa cuối năm 2018, ông Doanh được bổ nhiệm giữ vị trí điều hành ngành hàng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng (Bách Hóa Xanh).

Đồng thời, HĐQT lấy ý kiến về việc bầu bổ sung ông Đoàn Văn Hiểu Em (Tổng giám đốc CTCP Thế Giới Di Động) làm thành viên HĐQT.

Đồng thời, MWG cũng muốn bầu ông Đào Thế Vinh làm Thành viên HĐQT độc lập của công ty. Ông Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), công ty hàng đầu về chuỗi nhà hàng ăn uống như Vuvuzela, Gogi, Kichi Kichi,...).

Cũng ngay trước khi diễn ra Đại hội một ngày, ông Trần Lê Xuân, đồng sáng lập viên, Thành viên HĐQT xin từ nhiệm. Trước ông Quân, một thành viên sáng lập khác là ông Đinh Anh Huân đã bán cổ phần và rút lui khi MWG lên sàn năm 2014.

Hiện tại, 3 thành viên sáng lập còn lại đang đảm nhận các vị trí quản lý quan trọng tại MWG là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; ông Điêu Chính Hải Triều, Thành viên HĐQT; ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng Ban kiểm soát.

Phát hành quyền chọn mua cổ phần cho cán bộ quản lý

Lý giải về việc phát hành ESOP, ông Nguyễn Đức Tài nói ngành hàng điện thoại và công nghệ (ICT) năm nay dự báo tăng trưởng thấp. Ngành tivi có thể tăng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành hàng khác đều dưới 10%. Khi ngành hàng này có sự bão hòa, chương trình ESOP sẽ kích thích hàng ngàn nhân viên làm việc và đảm bảo sự tăng trưởng tối thiểu 40% của MWG.

Tại cuộc họp, tài liệu cổ đông có tờ trình sửa đổi nội dung so với tài liệu đã phát hành trước đó. HĐQT trình cổ đông thông qua việc cấp quyền chọn mua cổ phần (ESO) cho cán bộ quản lý chủ chốt của MWG và các công ty con.

Theo tài liệu cũ, HĐQT trình cổ đông lựa chọn cân nhắc việc phát hành ESO. Nếu lựa chọn phát hành thì công ty giảm lượng cổ phần phát hành cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, MWG sẽ phát hành 50.000 quyền chọn mua cổ phiếu tương ứng 50.000 cổ phiếu phổ thông tại thời điểm thực hiện quyền.

Giá thực hiện quyền là giá đóng cửa trung bình của 30 ngày giao dịch cổ phiếu MWG liền trước ngày cấp quyền. Giá thực hiện này cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng khi công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

MWG sẽ mở một đợt phát hành duy nhất cho nhân viên đăng ký thực hiện quyền chọn mua cổ phần. Cổ phần mua theo chương trình này không bị hạn chế chuyển nhượng.

MWG dự kiến trao quyền chọn mua cho nhân viên trong năm 2019 và chương trình có hiệu lực trong 3 năm.

Chương trình đại hội của MWG diễn ra chiều nay (22/3). Ảnh: Khổng Chiêm

Kế hoạch lãi 3.571 tỷ đồng năm 2019, tăng 24%

HĐQT trình kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần tăng 25% lên 108.468 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 3.571 tỷ đồng, cao hơn 24% năm trước.

Năm 2019, hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của MWG. Trong đó, ngành hàng điện máy đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của MWG, hướng đến mục tiêu chiếm 40% thị phần. Ngành điện thoại tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu và mức tăng trưởng tích cực so với thị trường.

Số lượng cửa hàng Điện Máy Xanh (ĐMX) mini và ĐMX tăng thêm khoảng 150 (dự kiến từ mở mới và chuyển đổi. Các cửa hàng sau chuyển đổi được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trung bình 50% so với trước chuyển đổi. Tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và ĐMX dự kiến cuối năm 2019 là khoảng 1.900.

MWG cho rằng trễ nhất đến cuối tháng 12 năm nay, Bách Hóa Xanh (BHX) bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp. Công ty sẽ hoàn tất việc chuyển đổi 100% cửa hàng hiện tại thành cửa hàng chuẩn/cửa hàng lớn; tăng tốc độ mở rộng chuỗi BHX, dự kiến vận hành hơn 700 cửa hàng cuối năm 2019...

Với kết quả đạt được đó, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15% cho năm 2018, tương đương với 1.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2019.

Ngoài ra, MWG muốn xin ý kiến về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2018 với tỷ lệ 2,4% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Tổng số lượng dự kiến là 10,6 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là giá thấp nhất giữa 10.000 đồng/cp và 50% giá thị trường. Thời gian dự kiến trước 31/3 và cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm.

Khổng Chiêm/NDH