Sau sóng gió gia tộc, đã đến chương hồi tiếp theo về cuộc chiến cà phê?
Tập đoàn Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ: Quyết tâm giành lại ngôi bá chủ chuỗi cà phê
Trung Nguyên E-Coffee - thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên - gần đây gây chú ý với kế hoạch phát triển hệ thống nhượng quyền, bày tỏ tham vọng trở thành chuỗi cà phê lớn nhất cả nước.
Theo VnExpress, sau 4 tháng công bố kế hoạch, số lượng hợp đồng hợp tác Trung Nguyên E-Coffee đã lên đến hơn 500 hợp đồng. Cùng với 154 cửa hàng đang hoạt động và tốc độ đăng ký mở mới trung bình 10 cửa hàng một ngày, hệ thống này dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc về độ phủ trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu mở 3.000 cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee trên khắp 63 tỉnh thành vào năm 2020.
Theo CafeBiz, đối với tập đoàn do ông Đặng Lê Nguyên Vũ lãnh đạo, nếu như thương hiệu lâu đời Trung Nguyên Legend nhắm tới tệp khách trung và cao cấp, cạnh tranh với Highlands Coffee và Starbucks; thì E-Coffee nhắm tới tệp khách hàng trẻ trung, hiện đại, bình dân, là đối trọng của các chuỗi Aha, Milano…
Theo đó, E-Coffee có giá bình dân từ 22.000 – 35.000 đồng (giá niêm yết tại các tỉnh thành khác nhau sẽ xê dịch một chút để phù hợp với địa phương). Menu của E-Coffee khá đơn giản và mang tính linh hoạt cao. Trừ cà phê bắt buộc phải dùng của Trung Nguyên, các thức uống, đồ ăn bán kèm trong quán đều linh hoạt để phù hợp với từng vị trí cửa hàng.
Ưu điểm của E-Coffee so với các mô hình nhượng quyền khác là chi phí quản lý và chi phí nhượng quyền thương hiệu là 0 đồng trong 3 năm đầu. E-Coffee có 3 gói nhượng quyền, xê dịch từ 65 – 175 triệu đồng (chưa gồm VAT).
Một điểm đặc biệt nữa với mô hình nhượng quyền của Trung Nguyên E-Coffee, là cà phê của thương hiệu này là cà phê pha máy, không pha phin để giảm tác hại của caffein đồng thời lưu lại hậu vị đậm hơn.
E-Coffee và Trung Nguyên Legend phải nói là "canh bạc" của Trung Nguyên. Năm 2018, công ty mẹ tập đoàn Trung Nguyên thiết lập kỷ lục mới với doanh thu thuần đạt 4.360 tỷ đồng - tăng 10% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Trung Nguyên giảm gần 1/2, từ 681 tỷ xuống còn 347 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chịu tác động tiêu cực do phong tỏa tài sản từ đề nghị của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tòa, một nguyên nhân giảm lợi nhuận khác được phía Trung Nguyên cho biết là tập đoàn này đang ở giai đoạn tái đầu tư để vươn ra toàn cầu.
Phó Tổng Giám đốc Trung Nguyên - ông Nguyễn Nguyên cho biết: "Hiện E-Coffee đã có hợp đồng phát triển tại Úc, Mỹ và Lào, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới".
King Coffee của bà Diệp Thảo: Mục tiêu 1.000 quán cà phê ở Việt Nam, 1.000 quán ở Hàn Quốc, tấn công thị trường Mỹ và nhiều nước khác
Ý tưởng của CEO Lê Hoàng Diệp Thảo là tạo nên một không gian kết nối các tinh hoa và sáng tạo trong một không gian “Cà phê thế giới - Thế giới cà phê". Ngoài việc thưởng thức cà phê ngay tại quán, khách hàng tới chuỗi King Coffee còn có thể mua sản phẩm cà phê hạt, cà phê rang xay để thưởng thức tại nhà với chất lượng tương đương ở quán. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gọi đây là mô hình quán cà phê đối chứng đang được khách hàng ủng hộ.
Đến nay trên website của King Coffee đã thấy có 39 cửa hàng tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Gia Lai, Vũng Tàu, Rạch Giá, Sóc Trăng và mới nhất là Hàn Quốc.
Coffee premium (cao cấp) đầu tiên đã đến xứ sở kim chi, khai trương hôm 13/12, tọa lạc tại khu vực giàu có Apgujeong-dong. Ngoài ra đã có kế hoạch mở quán cà phê King Coffee cao cấp tiếp theo vào nửa đầu năm sau, đặt tại vùng ngoại ô Jamsilbon-dong của Seoul.
Tuy có thị trường khá rộng lớn tại nước ngoài, song Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên được bà Lê Hoàng Diệp Thảo lựa chọn để đầu tư, xây dựng chuỗi King Coffee. Trước đó, thương hiệu cà phê đóng gói King Coffee đã xuất hiện tại thị trường Hàn Quốc từ tháng 11/2016, đến tay người tiêu dùng xứ sở kim chi thông qua một loạt hệ thống bán lẻ như Emart, Lotte Mart, Kim's Club, Pierrot Shopping, Ministop, Modern House, Coupang, Wemakeprice, Ticket Monster, Interpark, Auction, 11st, Gmarket, SSG...
Bà Diệp Thảo từng cho biết lợi thế cạnh tranh lớn nhất của King Coffee là chất lượng. Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phân phối rộng khắp thị trường này. Mục tiêu trong dài hạn là đưa tổng số quán cà phê King Coffee tại xứ sở kim chi lên 1.000 quán.
Ngoài Hàn Quốc, thương hiệu cà phê Việt do bà Lê Hoàng Diệp Thảo sáng lập đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường cà phê lớn như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Úc, Nga, Dubai…
Như vậy, tạm gác lại sóng gió pháp đình, ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo đang đua nhau gay gắt về tốc độ mở chuỗi cà phê với các thương hiệu Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee và King Coffee. Theo công ty tư vấn quản lý A.T Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính tăng trưởng 11,9% vào năm 2020, riêng cà phê có hơn 22.000 cửa hàng trên toàn quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu, sự khác biệt trong sản phẩm và mô hình kinh doanh sẽ góp phần tạo nên thành công cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, cuộc chiến mở chuỗi không chỉ diễn ra trong nước, mà Trung Nguyên và King Coffee còn so kè để đem thương hiệu Việt ra quốc tế như ở các thị trường Mỹ, Úc…
Dạ Hành/Doanhnhan.vn