Những "chiến tướng" của ông Nguyễn Bá Dương sau khi rời khỏi Coteccons đã lần lượt gây dựng được cơ đồ cho riêng mình. Vì thế, việc từ nhiệm vị trí "thống soái" tại Coteccons chưa hẳn đã là một điều tồi tệ đối với ông Dương.
Cộng sự của ông Nguyễn Bá Dương thành công sau khi rời Coteccons
Cuộc "thay máu" ở Coteccons
Sau 17 năm gây dựng và gắn bó, ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương đã chính thức từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Coteccons với lý do sức khỏe cũng như mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Người thay thế ông Dương là đại diện của cổ đông lớn Kusto Việt Nam - ông Bolat Duisenov.
Động thái này của ông Dương được cho là khá bất ngờ nhưng không quá khó hiểu. Lâu nay, CTD đã không còn là "Chủ Tịch Dương" khi hàng loạt "chiến tướng" lâu năm, công lao hãn mã, đều lần lượt rời khỏi tập đoàn. Đó là những Trần Quang Tuấn, Trần Kim Long, Nguyễn Sỹ Công, Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng...
"Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi" (mượn lời Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). "Chiến tướng" đã không còn, một mình ông Nguyễn Bá Dương khó lòng tạo nên đại nghiệp.
Và vá lấp vào khoảng trống đó lại là các đại diện của nhóm cổ đông lớn nước ngoài, tiêu biểu là Kusto (doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore, thuộc Kusto Group).
Nhóm cổ đông ngoại này có những mâu thuẫn không thể hàn gắn với giàn lãnh đạo Coteccons từ năm 2018. Còn nhớ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thương niên năm đó, nhóm cổ đông ngoại Kusto đã phủ quyết việc sáp nhập Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons (OCT: Ricons) - một công ty liên kết trong ngành xây dựng của Coteccons. Đồng thời, Kusto liên tiếp cáo buộc về những xung đột lợi ích giữa Coteccons và công ty này.
Căng thẳng lên mức đỉnh điểm khi Kusto phát đi thông cáo đề nghị tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường Coteccons hồi tháng 6 vừa qua. Cuộc họp xung quanh nội dung biểu quyết về việc thay đổi HĐQT lúc đó và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons có liên quan đến các vấn đề xung đột lợi ích, đặc biệt là các giao dịch với nhóm công ty trong "Coteccons Group" từ năm 2017.
Một trong những luận điểm mà nhóm Kusto đưa ra là việc các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo của Coteccons khi đó cũng nắm giữ các chức vụ quản lí quan trọng tại Ricons, bao gồm cả ghế chủ tịch và đại diện theo pháp luật. Trong khi đó, đối với Coteccons thì Ricons vừa là nhà thầu phụ, vừa là đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc thị trường.
Nhóm Kusto đặt câu hỏi rằng ông Dương và ban lãnh đạo chọn công ty đấu thầu cho dự án ra sao khi họ đồng thời quản lý cả hai doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp, cũng như việc phân bổ lợi nhuận cho từng bên trong các hợp đồng thế nào?
Mặt khác, tình hình kinh doanh của Coteccons ngày càng sa sút, còn phía Ricons thì có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Nhóm Kusto cho rằng tình trạng này diễn ra là do đội ngũ quản lí cao cấp của Coteccons không hành động vì lợi ích cao nhất của công ty, vì vậy không thể tiếp tục đặt niềm tin vào những "vị lãnh đạo" này.
Trước sức ép ngày càng lớn, sau 2 tháng kể từ cuộc họp bất thường, hầu hết các vị trí "đinh" của Coteccons đã được thay toàn bộ, kết thúc chuỗi ngày sóng gió tại tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam.
Sự thành công của những người ra đi
Việc bỏ ghế tại Coteccons của ban lãnh đạo dưới quyền ông Dương chưa hẳn là một điều đáng tiếc, bởi hầu hết đang gặt hái được những thành công nhất định chỉ trong thời gian ngắn.
Chẳng hạn như nguyên Phó tổng giám đốc Trần Quang Quân hiện đã có thể toàn tâm toàn ý cho công cuộc lãnh đạo Ricons, đơn vị vừa tuyên bố hoàn toàn độc lập với "Coteccons Group".
Được biết, công ty này đang tập trung phát triển hệ sinh thái "Ricons Group" bao gồm các thành viên: Riland, Rihomes, R.i.s.a, Rilex, RiCommerce, Fritech, Quihub với mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ngành xây dựng. Bên cạnh đó, Ricons cũng không hề giấu tham vọng vươn lên vị thế số ba trong số các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam.
Hay như Newtecons của Tổng giám đốc Trần Kim Long, người có hơn 10 năm kinh nghiệm tại Coteccons và mới rời đi từ năm 2018. Năm 2019, công ty này chính thức thu về hơn 4.000 tỷ doanh thu, tăng hơn 19% trong khi Coteccons giảm 17%.
Lợi nhuận sau thuế Newtecons cũng tăng trưởng với tốc độ khá cao, đạt mức 183 tỷ đồng trong năm 2019. Không chỉ chỉ số kinh doanh, vốn điều lệ của Newtecons cũng tăng đột biến, từ mức 417 tỷ (cuối năm 2018) tăng 53% lên 637 tỷ đồng, tổng tài sản công ty vào mức 1.863 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là CentralCons của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trần Quang Tuấn, tuy mới chỉ được thành lập từ tháng 6/2017 với mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng vươn lên đạt mức 2.500 tỷ đồng doanh thu ở năm tiếp theo và hoạt động có lãi.
Ông Trần Quang Tuấn đã có 14 năm làm việc tại Coteccons tới chức vụ phó tổng giám đốc. Kể từ thời điểm nhóm cổ đông ngoại Kusto gia tăng sức ảnh hưởng tại Coteccons, ông Tuấn cùng một người cũ khác tại Coteccons là ông Vũ Đức Tài cùng tham gia vào nhóm cổ đông sáng lập CentralCons, với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 81% và 10%.
Dù tuổi nghề còn ít, song CentralCons đã nhanh chóng chiếm lấy sự tin tưởng của các chủ đầu tư lớn đặc biệt đến từ tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên. Nhiều dự án như Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Star City Thanh Hóa, Vinpearl Nam Hội An và các dự án shophouse… đều được giao cho CentralCons với tư cách tổng thầu.
Có thể thấy, việc ông Nguyễn Bá Dương và các cộng sự rút khỏi Coteccons chưa hẳn là một điều xấu. Ông Dương hoàn toàn có thể sử dụng các nguồn lực từ nhóm thành viên cũ tại Coteccons để xây dựng lại một "đế chế" trong ngành xây dựng, như cách ông vun đắp Coteccons xuyên suốt mười mấy năm qua.