Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Quỹ đầu tư mua bán ra sao trong mùa dịch?

04/04/2020 00:00

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019 đã nhanh chóng lây lan ra các nước trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, các quỹ đầu tư liên tục xả hàng thậm chí có những quỹ đã thoái sạch vốn đang nắm giữ tại các Công ty.

Tình hình giao dịch của các quỹ từ đầu năm 2020 đến ngày 28/03/2020. Đvt: Cổ phiếu

PYN Elite Fund

Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quỹ ngoại PYN Elite Fund đã bán 532,062 cp của Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) trong ngày 07/10/2019 (đến ngày 02/03/2020 quỹ ngoại này mới thông báo giao dịch). Qua đó, PYN Elite Fund đã không còn là cổ đông lớn của DIC với tỷ lệ sở hữu giảm về 2.04%, tương đương 532,062 cp DIC.

Ngày 21/02 và ngày 20/03/2020, PYN Elite Fund đã bán lần lượt 500,000 cp và 20 triệu cp của Tasco (HUT) và chính thức không còn là cổ đông lớn của HUT, giảm tỷ lệ sở hữu tại HUT xuống chỉ còn 2.39%.

Tiếp theo, ngày 02/03/2020 PYN Elite Fund đã bán ra 2 triệu cp SVC, giảm tỷ lệ sở hữu của quỹ này từ 8.23% xuống 0.22%.

Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó 2 ngày, PYN Elite Fund lại đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu NLG, làm tăng tỷ lệ sở hữu của PYN Elite Fund tại NLG từ 4.91% lên 5.34%.

Nguồn: VietstockFinance

Sau đó, vào ngày 20/03/2020, PYN Elite đã lần lượt bán ra hơn 1.4 triệu cp CII và 1 triệu cp VNE, giảm tỷ lệ sở hữu tại CII xuống 10.55% và VNE xuống 6.9%. Gần đây nhất, ngày 24/03/2020 PYN Elite chính thức không còn là cổ đông lớn của VNE khi bán ra hơn 2 triệu cp, giảm tỷ lệ sở hữu tại VNE xuống chỉ còn 2.75%.

Trong báo cáo cập nhật tình hình đầu tư tháng 02/2020, PYN Elite cho biết: “Chúng tôi đã khai thác một vài điểm lợi thế khi thị trường chứng khoán suy yếu và có một số khoản đầu tư thú vị vào những cổ phiếu chịu sụt giảm mạnh nhất”.

Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per Share) của PYN Elite từ đầu năm 2000 đến ngày 26/03/2020

Nguồn: PYN Elite

Dragon Capital

Nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra gần 8 triệu cp kể từ đầu tháng 2, chủ yếu ở nhóm ngành xây dựng và bất động sản.

Trong khoảng thời gian từ ngày 04/02-04/03/2020, quỹ Aquila SPC Ltd đã bán ra lần lượt 140,460 cp BWE, 150,000 cp FRT và 628,730 cp DIG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống lần lượt 0.4%, 0.53% và 21.99%.

Đáng chú ý, vào ngày 24/02/2020, 3 quỹ thuộc nhóm Dragon Capital đã thoái sạch vốn khỏi Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS).

Cụ thể, Wareham Group Limited và Venner Group Limited đã lần lượt bán ra toàn bộ gần 4 triệu cp và gần 983,882 cp SJS. Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) - quỹ có quy mô lớn nhất Thị trường chứng khoán Việt Nam do Dragon Capital quản lý cũng đã bán ra toàn bộ hơn 2 triệu cp SJS.

Tính đến ngày 05/03/2020, tổng giá trị tài sản ròng của VEIL đạt 1,400 triệu USD và giá trị tài sản ròng đạt 6.42 USD/cp. Tại thời điểm này, ngành ngân hàng và bất động sản lần lượt chiếm 28% và 27.9% tỷ trọng danh mục đầu tư của VEIL tại Việt Nam.

Top 10 khoản đầu tư của VEIL tính đến ngày 05/03/2020

Nguồn: VEIL

Bên cạnh đó, quỹ khác cũng thuộc Dragon Capital là Wareham Group Limited đã thoái toàn bộ gần 4 triệu cp CSV vào ngày 02/03/2020.

Korea Investment Management

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia thứ 2 vỡ trận do dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng và khó kiểm soát. Nền kinh tế của đất nước này theo đó cũng giảm mạnh.

Đứng trước tình hình đó, nhóm quỹ Hàn Quốc là KIM (Korea Investment Management) đã bán ra 2 mã cổ phiếu lớn thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản là HBC và DXG.

Cụ thể, quỹ KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund thành viên của nhóm quỹ KIM (Korea Investment Management) đã bán ra hơn 607 ngàn cp HBC - đây là toàn bộ số cổ phần mà quỹ thành viên này đang nắm giữ.

Ngoài ra, các quỹ khác không thay đổi số lượng sở hữu cổ phiếu HBC cũng như tỷ lệ sở hữu sau khi giao dịch. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu tại HBC của cả nhóm xuống 4.85% vào ngày 04/02/2020.

Ngay sau đó 1 ngày, KIM Vietnam Growth Equity Fund cũng đã bán ra 2 triệu cp DXG, làm giảm tỷ lệ sở hữu tại DXG từ 3.7% (hơn 19 triệu cp) xuống còn 3.3% (hơn 17 triệu cp). Như vậy, sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của tổng cả nhóm quỹ KIM giảm xuống còn 4.85% (hơn 25 triệu cp) và chính thức rút chân ra khỏi danh sách cổ đông lớn của DXG.

Tundra Fonder AB

Tundra Fonder AB, nhóm quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển đã không còn là cổ đông của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) khi 2 thành viên là Tundra Vietnam Fund và Tundra Sustainable Frontier Fund đã lần lượt bán toàn bộ 350,730 cp SVC (1.4%) và 913,520 cp SVC (3.8%) vào ngày 18/03.

Khép lại phiên giao dịch 18/03, ước tính với thị giá cổ phiếu SVC đạt 46,900 đồng/cp, tăng 13.01% so với đầu năm 2019, nhóm quỹ Tundra thu về hơn 59 tỷ đồng sau khi thoái sạch vốn khỏi SVC.

Trước đó, Tundra cho rằng việc phụ thuộc vào các nước lân cận trong thương mại và dòng vốn FDI sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam gánh chịu những tổn thương gián tiếp.

Tundra cho hay họ đã thấy những dấu hiệu đầu tiên của việc giảm tốc trong nền kinh tế Việt Nam, đến từ những giới hạn di chuyển tại đường biên giới. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 giảm xuống mức 49 lần đầu tiên trong vòng 4 năm, phản ánh sự co lại của lĩnh vực sản xuất và lượng đặt hàng mới. Theo Tundra, điều này không có nghĩa là nhu cầu sụt giảm, tuy nhiên, đây là sự phản ánh lại cú sốc cung - cầu khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại, đi kèm với việc hạn chế giao thông.

VinaCapital

Trong giai đoạn đầy khó khăn này, nhóm quỹ VinaCapital đã có động thái bán ra hàng ngàn cổ phiếu ngành dược là IMP và CSV.

Ngày 10/02/2020, VOF Investment Limited và Vietnam Ventures Ltd thuộc nhóm đầu tư VinaCapital lần lượt bán ra 250,000 cp và 56,250 cp IMP. Sau đó 3 ngày, 1 quỹ khác cũng thuộc nhóm VinaCapital là Kiwoom Vietnam Tomorrow Securities Master Fund (Equity) lại đăng ký mua vào 58,000 cp IMP, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu IMP của nhóm đầu tư VinaCapital lên gần 3 triệu cp.

Cùng ngày, quỹ Vietnam Investment Limited cũng đã bán ra 87,160 cp CSV, làm giảm tỷ lệ sở hữu của quỹ này xuống còn 2.12%. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu CSV của cả nhóm VinaCapital cũng giảm xuống 12.82%, tương đương gần 5.7 triệu cp.

Diễn biến giá cổ phiếu IMP và CSV từ đầu năm 2019 đến 30/03/2020

Nguồn: VietstockFinance

Trong giai đoạn hậu dịch bệnh, VinaCapital mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai những chính sách kích thích nền kinh tế. Trong đó, tăng chi tiêu cho đầu tư hạ tầng là lựa chọn được quỹ đề xuất.

VinaCapital cho biết có thể thực hiện các thương vụ mua nếu các mức định giá giảm về vùng hấp dẫn, so sánh với tương quan về rủi ro dịch bệnh có thể kéo dài. Trên góc nhìn dài hạn, quỹ này cho rằng Việt Nam thậm chí sẽ hưởng lợi khi các hoạt động đa dạng hóa sản xuất, dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ diễn ra còn nhanh hơn nữa sau những rủi ro có thể nhìn thấy từ dịch bệnh.

America LLC

Trước động thái các quỹ đồng loạt tháo chạy, quỹ ngoại America LLC lại liên tục mua vào bán ra với số lượng nhỏ lẻ từ cuối tháng 01/2020 đến 28/03/2020.

Trong ngày 30/01 và 28/02/2020, quỹ này lần lượt mua vào 40,800 cp và 44,800 cp HAH, nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ này tại HAH lên 7.06%, tương đương hơn 3.4 triệu cp.

Trong tháng 2, quỹ America LLC lần lượt mua vào 4,540 cp BMC, 19,440 cp C32 và 400 cp WCS. Ngược lại, vào ngày 14/02 và 06/03/2020 America LLC lại lần lượt bán ra 9,320 cp SZL và 249,560 cp DIC.

Đi ngược lại với xu hướng chung, một số quỹ cũng ra tay gom vào như quỹ F&N Dairy Investments mua vào gần 6 triệu cp VNM, nâng tỷ lệ sở hữu lên 17.65%, quỹ PENM IV Germany GMBH & Co.KG và ETF SSIAM VNFIN LEAD Fund lần lượt mua vào 100,000 cp AST và 79,520 cp SSI…

Bảng tổng hợp giao dịch quỹ đầu tư công bố từ đầu năm 2020 đến ngày 28/03/2020

Nguồn FILI: https://vietstock.vn/2020/04/quy-dau-tu-mua-ban-ra-sao-trong-mua-dich-3358-743907.htm

Bạn đang đọc bài viết "Quỹ đầu tư mua bán ra sao trong mùa dịch?" tại chuyên mục Chứng khoán.