Vì đầu tư vào giấc mơ – con người nên câu chuyện định giá một startup mới chỉ có ý tưởng thuộc về phạm trù nghệ thuật hơn khoa học.
Nói đến thành công của các startup như Tiki, Foody, Vatgia, Luxstay hay Topica không thể không nói đến sự đóng góp của ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam – Thái Lan. CyberAgent Việt Nam với sự dẫn dắt của ông đã tin tưởng đầu tư vào những startup nói trên trong những ngày đầu họ chập chững đi vào thương trường.
Với kinh nghiệm 11 năm lăn lộn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, Shark Dũng đã có những giải thích cụ thể vì sao các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam hầu hết là quỹ ngoại.
Đầu tiên, các nước phát triển có gần 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thu về lợi nhuận cao nhất.
Thứ hai, chi phí giá vốn của các nước đang phát triển thấp hơn các nước phát triển. Điều này giúp các quỹ đầu tư ngoại ở Việt Nam tập hợp được nhiều vốn, có thể đi được dài hơi. Muốn thu lợi từ một startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm cần phải đồng hành cùng họ từ 4 đến 5 năm.
Thứ ba, xuất phát điểm của các doanh nhân khác nhau, quan điểm đầu tư khác nhau, quyết định đầu tư cũng khác nhau. Người Việt Nam thời xưa thích ‘ăn chắc, mặc bền’ chuộng kênh đầu tư ít rủi ro nhất (mà họ nghĩ) là ngân hàng, ngày nay người Việt thích ‘đánh quả, lướt ván’ với bất động sản/bitcoin, chấp nhận rủi ro nhưng muốn thu về thành quả ngay lập tức. Hình thức đầu tư mạo hiểm rủi ro cao, lợi nhuận thu về cũng không phải tức thời, quả là không hấp dẫn bộ phận lớn người Việt.
3 tiêu chí chính quyết định CyberAgent có xuống tiền hay không
“3 tiêu chí mà CyberAgent thường điều nghiên để xem dự án này có đáng đầu tư không gồm: con người, lợi thế thị trường và khả năng thoát đi”, Shark Nguyễn Mạnh Dũng nêu rõ.
Cách định giá con người sẽ như công tác tuyển dụng, nhà đầu tư sẽ có những thông tin so sánh, những câu hỏi xoay quanh tham vọng và động cơ để các nhà sáng lập cho ra đời dự án. Chỉ cần gặp các founder khoảng 1 tiếng, Shark Dũng đã biết bạn có đáng đầu tư hay không.
Chỉ cần có lãnh đạo tốt, kể cả sau này dự án có thay đổi mô hình kinh doanh, vẫn sẽ thành công và ngược lại. Thế nên, nhiều khi các quỹ phải dành cả một năm để điều nghiên các founder trước khi quyết định xuống tiền hay không.
Cũng như các quỹ đầu tư khác, tiêu chí quan trọng của CyberAgent Việt Nam khi xem xét đầu tư hay không chính là khả năng thu về bao nhiêu. Tuy nhiên, CyberAgent cũng có một tiêu chí khác quan trọng không kém, đó là giá trị mà startup đó mang lại cho cộng đồng là gì. Ai là người mang tới những giá trị cốt lõi đó.
Ví dụ như một startup có nhiều sáng lập viên, thì ai chính là linh hồn tạo nên sản phẩm. Chiến lược tạo nên lợi thế cạnh tranh của startup trên thị trường. Startup sẽ mang lại giá trị gì cho người dùng và startup sẽ nhận được lại gì từ khách hàng.
Thường thì các quỹ đầu tư mạo hiểm khi quyết định xuống tiền cho một dự án startup chính đang đầu tư vào sản phẩm - con người, cho tương lai; thế nên họ rất quan tâm tới chuyện: trong 5 đến 10 năm tới, startup đó sẽ tạo nên giá trị gì hơn là xem xét/định giá doanh nghiệp/mô hình kinh doanh ở thời điểm hiện tại.
“Về câu chuyện định giá doanh nghiệp: mỗi nhà đầu tư có những cách định giá khác nhau. Còn CyberAgent sẽ đi trả lời các câu hỏi sau trước khi định giá. Dự án này có tiềm năng như thế nào? Nếu thành công thì sẽ được bao nhiêu? Người thực hiện nó khả năng như thế nào?...
Từ những yếu tố trên, cuối cùng, nhà đầu tư sẽ được chia bao nhiêu phần trăm. Vì khi đầu tư vào các dự án startup là đang đầu tư vào giấc mơ và con người, nên việc định giá thuộc về phạm trù nghệ thuật chứ không phải khoa học”, Shark Hưng bình luận.
Trong quá khứ, không ít lần CyberAgent đã quyết định xuống tiền cho các startup dù dự án của họ phần lớn mới chỉ có ý tưởng. Foody và Vicare là dự án thứ 4 và 5 được nhận tiền từ CyberAgent khi mới chỉ có ý tưởng.
Ngoài ra, sự thẩm định dự án còn phụ thuộc vào ấn tượng ban đầu về các founder. Nếu thích, quá trình thẩm sẽ rất nhanh, có khi chỉ cần 1 tuần, không thích thì sẽ kéo dài rất lâu.
CyberAgent thường muốn chia từ 20% đến 30% cổ phần, đủ tạo động lực giúp các nhà sáng lập thành công phát triển doanh nghiệp.
Không như CyberAgent, phần trăm mà VinaCapital đòi ở các startup khá cao. “Nếu các startup chưa có thành quả gì cụ thể, VinaCapital muốn tối thiểu 30% đến 40%. Phần trăm mà các startup phải trả cho VinaCapital phụ thuộc và sự đánh giá mức độ rủi ro của dự án từ VinaCapital. Nếu họ thấy dự án quá rủi ro, phần mà họ đòi có thể lên tới 50% và ngược lại”, Shark Thái Vân Linh, Giám đốc Vận hành & chiến lược quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết.
Doanh nghiệp là ngôi sao, CyberAgent chỉ là người hỗ trợ
Khi một quỹ đầu tư và doanh nghiệp có thể cùng đi với nhau là bởi cả hai có cùng chung ước mơ. Tuy nhiên, làm sao để sau khi về với nhau, có thể dẫn dắt dự án tới thành công còn là một câu chuyện dài. Không hiếm trường hợp sau khi làm việc với nhau, giữa quỹ và startup liên tục xung đột bởi cách nghĩ của cả hai khác nhau. Có nhiều lúc, xung đột không thể giải quyết được, mối quan hệ đã “đứt gánh dọc đường”, ai về nhà nấy
“CyberAgent quan niệm rằng, doanh nghiệp là ngôi sao, chúng tôi chỉ là người hỗ trợ. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là làm sao để dự án thành công, thế nên chúng tôi ít can thiệp sâu vào công việc điều hành của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Sự kết hợp ban đầu giữa quỹ và doanh nghiệp như hôn nhân. Hôn nhân rõ ràng không phải là đích đến mà chỉ là điểm khởi đầu trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc/thành công”, Shark Dũng bộc bạch.
Theo Quỳnh Như/The Leader