Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Suốt 7 năm luôn bị coi thường, xem là kẻ bắt chước, hiện tại Xiaomi đang chứng minh cho cả thế giới thấy ở phương diện này, họ còn kỳ diệu hơn cả Apple

28/06/2018 12:51

Thay vì tạo ra thứ người ta vẫn giễu cợt là "Apple của Trung Quốc", nếu Xiaomi thành công, Lei Jun đã làm được điều giống Steve Jobs đã làm, đó là phá vỡ mọi quy luật cũ kỹ.

Năm 1987 khi Lei Jun còn là sinh viên khoa Khoa Khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán, nằm bên bờ sông Dương Tử, ông đang đọc một cuốn sách về Steve Jobs và thầm hứa với bản thân một ngày nào đó sẽ trở thành người vĩ đại như vậy.

Và nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp theo đúng kế hoạch, mùa hè này Lei sẽ đạt được ước mơ từ nhỏ đó khi Xiaomi IPO thành công ở mức giá trị từ 50 – 70 tỷ USD. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ sau Alibaba vào năm 2014.

Hiện tại Xiaomi có lẽ là thương hiệu hàng tiêu dùng thành công bậc nhất ở Trung Quốc nhưng thời điểm bắt đầu bán điện thoại thông minh vào năm 2010 cái tên này chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nếu như nhà sáng lập Lei – người thường xuyên mặc đồ đen đơn giản với áo phông và quần kaki – hình ảnh gợi nhắc tới Steve Jobs thì bản thân Xiaomi lại chưa bao giờ xác nhận rõ ràng xem họ là "Apple của Trung Quốc" hay giống Samsung, Sony, Nokia – hoặc thậm chí là Costco – một nhà bán lẻ hàng giảm giá.

Câu trả lời của tờ Economist là Xiaomi chẳng giống với bất kỳ công ty ở một quốc gia giàu có nào trên thế giới cả. Trong suốt nhiều thập kỷ, quan điểm luôn thống trị trong tư tưởng người Mỹ về một công ty đại chúng phải là: Hướng đi tập trung, được sở hữu rộng rãi và có thể dự đoán được. Nhưng, Xiaomi lại đại diện cho một mô hình công ty hoàn toàn mới ở Trung Quốc và đối lập với phía Mỹ: Tự do phát triển, tập quyền và hết sức năng động. Edward Tse – đến từ công ty tư vấn Gao Feng gọi những công ty kiểu này là "những kẻ thay đổi Trung Quốc". Màn IPO của Xiaomi sắp tới sẽ là phép thử xem các nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào mô hình này như thế nào thông qua việc họ sẽ định giá nó bao nhiêu.

Suốt 7 năm luôn bị coi thường, xem là kẻ bắt chước, hiện tại Xiaomi đang chứng minh cho cả thế giới thấy ở phương diện này, họ còn kỳ diệu hơn cả Apple - Ảnh 1.

Xiaomi được tạo ra ở Trung Quốc trong một môi trường kinh doanh vốn có những ông chủ siêu sao, các quy định lỏng lẻo, cạnh tranh khốc liệt, gần ngay với trung tâm sản xuất của thế giới và thói quen người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Công ty này chính là thứ mà Charles Darwin gọi là sự thích nghi hoàn hảo đối với môi trường. Dẫu vậy, những khó khăn mà Xiaomi trải qua suốt 7 năm qua thậm chí còn nhiều hơn tất cả những gì mà các công ty Mỹ gặp phải trong suốt 49 năm. Có tới 3/4 trong tổng doanh thu 18 tỷ USD vào năm ngoái đến từ bán điện thoại thông minh - thị trường mà Xiaomi chiếm 7% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, Xiaomi còn nhiều mảng khác chứ không chỉ điện thoại thông minh.

Ngoài điện thoại thông minh, Xiaomi có hàng trăm sản phẩm khác từ máy lọc không khí đến xe đạp điện và thậm chí họ còn sở hữu 30% một ngân hàng nhỏ. Xiaomi cũng đang ấp ủ tham vọng xây dựng các nhà cung cấp phần cứng mới bằng việc mua một lượng cổ phần nhỏ của họ. Kế hoạch này đã ngốn tới 1/5 dòng tiền tự do của Xiaomi trong giai đoạn năm 2016 – 2017 và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng dần. Sự cạnh tranh khốc liệt ở quê nhà, khiến tình hình kinh doanh của Xiaomi cũng không ổn định. Điển hình là trong năm 2016 doanh thu chững lại sau khi thị phần phần cứng tại Trung Quốc sụt giảm.

Sự nổi lên của số lượng không lớn những công ty của Mỹ như Alphabet và Facebook đã khiến hình thành nên phương thức bỏ phiếu kép. Tuy nhiên Xiaomi luôn giữ cấu trúc kiểm soát chặt chẽ. CEO Lei có quyền biểu quyết đa số. Giống như những công ty lớn khác ở Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi có cấu trúc sở hữu sở hữu rất phức tạp kèm theo các quy định đối với cổ đông nước ngoài. Ví dụ, công ty cổ phần của họ được đặt ở quần đảo Cayman có hợp đồng với nhiều đơn vị hoạt động tại Trung Quốc. Các hợp đồng này cho phép công ty cổ phần có quyền kiểm soát và được ghi lợi nhuận nhưng không có quyền sở hữu – và trong nhiều trước hợp vẫn nằm trong tay CEO Lei.

Những thứ tưởng chừng là thiếu sót của Xiaomi lại tạo ra các điểm mạnh cho họ. Việc kiểm soát chặt chẽ có nghĩa là các quyết định được đưa ra nhanh chóng và sự mật thiết với nhiều nhà cung cấp có nghĩa là các sản phẩm cũng sẽ được cung cấp 1 cách nhanh chóng.

Trên thực tế công ty đang tiến về phía trước rất nhanh. Giữa năm 2014 - 2017, trong khi nhiều công ty đa quốc gia còn đang dò đường thì họ đã đi từ số 0 trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất tại Ấn Độ. Doanh thu bán các sản phẩm điện tử tiêu dùng tăng gấp 3 trong giai đoạn này. Và các dòng điện thoại thông minh mới mang lại doanh thu giúp Xiaomi lấy lại phong độ. Trong năm 2017, doanh thu tăng 68%. Lợi nhuận hoạt động năm đó đạt từ 1,5 - 2 tỷ USD.

Liệu tất cả những điều đó có thể là bằng chứng cho thấy Xiaomi sẽ có một thương vụ IPO lớn nhất thế giới hay không?

Xiaomi nói rằng họ trong cuộc cải tổ từ công ty phần cứng thành một công ty internet. Điều này cũng phẩn nào lý giải vìi sao ngoại trừ Apple và Samsung, lợi nhuận của ngành thiết bị phần cứng rất tồi tệ. Biên lợi nhuận hoạt động mảng thiết bị phần cứng của Xiaomi chỉ khoảng 1%.

Những công ty phần cứng khác từ Sony vào năm 1999 đến Nokia vào năm 2007 cũng đã vùng vẫy trong suốt nhiều năm nhưng kết quả đều tồi tệ. Hiện tại, sự dịch chuyển sang mảng dịch vụ là thực tế có thể nhìn thấy được. Dịch vụ là cỗ máy mới của Apple - họ bán ứng dụng, thanh toán nội dung để làm nền tảng cho 1,3 tỷ người dùng iphone, iPad và Macbook. Riêng mảng thiết bị đã mang về cho Apple doanh thu 33 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 26% tổng doanh thu.

Xiaomi cũng đã tạo ra nền tảng cho 190 triệu người dùng điện thoại thông minh - những người dành tới 54 phút một ngày sử dụng dịch vụ của họ, tương đương tổng 20% thời gian dùng điện thoại. Họ cũng kiếm được 9 USD mỗi người dùng mỗi năm nhờ quảng cáo, hoa hồng bán ứng dụng và game. Biên lợi nhuận khá cao. Nếu Xiaomi có thể duy trì thị phần bán điện thoại, thu hút thêm người dùng internet mới và nếu doanh thu thiết bị trên mỗi người dùng của họ tăng 20 USD trong vòng 1 thập kỷ, mảng kinh doanh này có thể trị giá 35 tỷ USD. Từng đó là hoàn toàn có thể tin tưởng vào mức định giá cao sau thương vụ IPO.

Dẫu vậy vẫn còn tồn tại một vài rủi ro. Thị trường điện thoại thông minh của Xiaomi có thể sụt giảm một lần nữa khiến lượng người dùng Internet giảm theo. Chưa rõ liệu mảng dịch vụ của họ có mở rộng ra nước ngoài hay không nhưng doanh thu trên mỗi người dùng tại Ấn Độ vẫn rất thấp. Cùng thời điểm, các công ty lón ở Trung Quốc thuộc nhóm BAT cũng đang mở rộng hệ sinh thái dịch vụ và rất có thể họ sẽ chiếm được lượng người dùng thiết bị nhiều hơn Xiaomi. Để tiếp tục phát triển, Xiaomi sẽ phải tái đầu tư nếu mong chờ thương vụ iPO thành công.

Nhân tố X

Nhìn chung đối với những nhà đầu tư thì việc đặt cược vào Xiaomi - một công ty vẫn đang trong quá trình cải tổ liên tục vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Xiaomi chính là ví dụ điển hình nhất của một xu hướng mới mang tầm quốc gia đang diễn ra tại Trung Quốc.

Các công ty có tính biến động lớn, rủi ro cao của Trung Quốc vốn không phải là những gì mà các nhà đầu tư truyền thống được khuyên nên đầu tư vào. Tuy nhiên với thương vụ IPO của Xiaomi, dường như chẳng ai còn quan tâm tới những điều đó nữa - ít nhất là cho tới khi giai đoạn bùng nổ internet vẫn còn tiếp diễn. Thay vì tạo ra thứ người ta vẫn giễu cợt là "Apple của Trung Quốc", nếu Xiaomi thành công, Lei Jun đã làm được điều giống Steve Jobs đã làm, đó là phá vỡ mọi quy luật cũ kỹ để tiến tới đỉnh vinh quang.

Theo Vân Đàm/Trí Thức Trẻ