Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tham vọng 'kiềng ba chân' của Đạt Phương Group

06/09/2021 13:53

Với kinh nghiệm và nguồn lực tích luỹ được từ nhiều năm làm thầu xây dựng, Đạt Phương dần mở rộng sang thuỷ điện và cả bất động sản, với hiệu quả hoạt động ấn tượng.

dp_riom

Đạt Phương đang phát triển với "kiềng 3 chân" xây dựng - bất động sản - thuỷ điện. Ảnh: Internet

Tại dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, CTCP Đạt Phương (mã CK: DPG) là nhà thầu nổi bật, tham gia vào liên doanh trúng gói thầu XL-01 (1.687 tỷ đồng) đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, và gói thầu XL.01 (590 tỷ đồng) tại dự án Cầu Mỹ Thuận 2.

CTCP Đạt Phương có lịch sử thành lập từ năm 2002. Trong suốt gần 2 thập kỷ hoạt động, đây là nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình thuỷ lợi.  

Một số dự án điển hình làm nên tên tuổi của Đạt Phương có thể kể đến như Công trình Cầu Trái Hút (Yên Bái) vào năm 2008, đến năm 2012 là cầu Cửa Đại –Quảng Nam. Năm 2014, Đạt Phương đã liên kết với nhà thầu Tây Ban Nha thi công công trình cầu Niệm 2 (Hải Phòng) có giá trị hợp đồng 700 tỷ đồng.

Những gói thầu lớn Đạt Phương từng tham gia như Gói thầu số 07 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Nam Cầu Bính (giá trúng thầu là 913,3 tỷ đồng); Gói thầu Thi công xây lắp đoạn 2 thuộc Dự án Đường trục chính Khu công nghiệp Tam Thăng (giá trúng thầu là 621,4 tỷ đồng); Gói thầu số 14 thuộc Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, tỉnh Thừa Thiên Huế (giá trúng thầu là 765,6 tỷ đồng)...

Screenshot (1122)

Cùng với việc khẳng định vị thế trong lĩnh vực công trình giao thông, Đạt Phương tiếp tục mở rộng đầu tư các dự án thủy điện bằng việc đầu tư loạt dự án là thủy điện Sông Bung 6 – Quảng Nam vào năm 2010 do CTCP Sông Bung vận hành với tổng công suất lắp máy 29MW; tới năm 2015, tiếp tục đầu tư Dự án thuỷ điện Sơn Trà 1A và 1B – tổng công suất lắp máy 60MW (Quảng Ngãi) do CTCP 30-4 Quảng Ngãi vận hành.

Đến năm 2018, Đạt Phương chính thức lấn sân sang mảng bất động sản với định hướng tạo sự khác biệt, đặt mục tiêu đưa lĩnh vực này cùng xây lắp và thủy điện trở thành một trong ba ngành trọng điểm.

Đáng chú ý, 100% dự án của Đạt Phương đều được thực hiện tại Quảng Nam, đó là Khu đô thị Đồng Nà tại phường Cẩm Hà có diện tích 6,4ha. Dự án này được định hướng xây dựng quần thể biệt thự đa dạng loại hình, kết hợp với hệ thống tiện ích gồm khách sạn, villas, clubhouse, nhà hàng, công viên,…Dự án tiếp theo là dự án bất động sản Khu đô thị Bình Dương có tổng mức đầu tư 4.647,2 tỷ đồng, trên diện tích 183 ha thuộc địa phận huyện Thăng Bình.

Nổi bật nhất cần phải kể đến là quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia tại Hội An tại thôn Võng Nhi, xa Cẩm Thanh, TP Hội An. Dự án này được xây dựng trên tổng diện tích 15,6 ha với tổng mức đầu tư lên đến 1.398 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 3/2021, Đạt Phương cũng đã được tỉnh Quảng Nam cho phép chuyển đổi hơn 1ha rừng dừa nước phòng hộ sang mục đích khác để đầu tư dự án bất động sản Khu đô thị Cồn Tiến tại TP Hội An. Dự án này có tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng trên diện tích 30 ha và đã được chính quyền địa phương phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng đợt 1.

Quá trình phát triển của Đạt Phương gắn liền với vai trò của Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tuấn. Hiện doanh nhân sinh năm 1970 này đang trực tiếp nắm giữ 15,94% Đạt Phương, và cùng người có liên quan sở hữu 37,7% cổ phần DPG. 

Screenshot (1115)

Đạt Phương làm ăn ra sao?

Chào sàn vào tháng 1/2017 trên sàn UPCOM, DPG chỉ giao dịch ở vùng giá 40.000 đồng/CP, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng, giá cổ phiếu DPG đã tăng hơn 240%, có thời điểm giá cổ phiếu này lên đến 140.000 đồng/CP. Sức hấp dẫn của cổ phiếu DPG chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp kinh doanh rất hiệu quả, lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao ngất ngưởng, riêng giai đoạn 2014-2016 công ty luôn duy trì EPS trên 10.000 đồng. Hiện nay, giá cổ phiếu DPG dao động quanh 42.000 đồng, với giá trị vốn hoá gần 2.700 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng có biên lợi nhuận mỏng, Đạt Phương đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thuỷ điện, bất động sản và hái quả ngọt từ chiến lược xoay trục, đi trên "kiềng 3 chân" này. 

Dù vậy, doanh nghiệp của Chủ tịch Lương Minh Tuấn đã chủ động giảm tỷ trọng mảng xây dựng và gia tăng doanh thu từ năng lượng, bất động sản, những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao.

Nếu như năm 2015, mảng xây dựng chiếm tới 94,4% cơ cấu doanh thu và 78,8% cơ cấu lợi nhuận gộp, thì tới nửa đầu năm 2021, mảng xây dựng chỉ chiếm 35,5% cơ cấu doanh thu và vỏn vẹn 3% lợi nhuận gộp của DPG.

Ở chiều ngược lại, thuỷ điện từ 5% doanh thu tăng lên 23,9%, lãi gộp từ 21,2% lê 40,7%. Ấn tượng hơn là bất động sản, với tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận gộp tăng từ con số 0 lần lượt lên 39,8% và 56,1%.

Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần 2.756 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 368,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,1% và 56,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, với việc đa dạng hóa ngành nghề, Đạt Phương đã hoàn thành 35,7% kế hoạch doanh thu và 47,5% mục tiêu lợi nhuận đề ra. 6 tháng đầu năm, EPS đạt 5.000 đồng, vượt xa nhiều doanh nghiệp xây dựng khác như VCG (1.000 đồng), HBC (295 đồng) hay ông lớn đầu ngành CTD (1.338 đồng). 

Trong thời gian tới, Đạt Phương vẫn hứa hẹn có tiềm năng lớn, nhất là khi đầu tư công được đẩy mạnh, các gói thầu đã trúng ở cao tốc Bắc Nam cũng giúp mang về một khối lượng lớn công việc cho doanh nghiệp này.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Đạt Phương cho biết, trong năm nay sẽ bán những căn biệt thự còn lại và bàn giao biệt thự tại khu đô thị Võng Nhi, triển khai công tác bán hàng tại khu đô thị dịch vụ Đồng Nà. Dự án khu đô thị Cồn Tiến, khu đô thị ven biển Bình Dương tiếp tục thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Với mảng xây lắp, đánh giá tình hình tiếp tục khó khăn, cạnh tranh nên Đạt Phương chủ trương chấp nhập biên lợi nhuận giảm, tập trung ưu tiên kiểm soát dòng tiền. Còn ở lĩnh vực điện năng, doanh nghiệp triển khai tiếp dự án thủy điện Sơn Trà 1C để đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến phát điện từ quý III; thủy điện Ea Pô hoàn thiện khâu pháp lý và tìm thêm dự án thủy điện để đầu tư. Ngoài ra, đơn vị sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khách sạn, nhà hàng để có nguồn thu ổn định, lâu dài.

Với chiến lược cụ thể, Đạt Phương cũng đề ra mục tiêu cho từng thành viên trong hệ sinh thái, trong đó, CTCP Sông Bung sẽ đem về 110 tỷ đồng doanh thu thuần, còn CTCP 30-4 Quảng theo kế hoạch sẽ đóng góp 309 tỷ đồng doanh thu cho hệ sinh thái. Về phần mình, CTCP Đạt Phương Hội An dự kiến đạt 942 tỷ đồng doanh thu.

Theo Khánh An/Nhà đầu tư