Doanh nghiệp của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chấp nhận bỏ cuộc chơi tại Holywood và tạm thời gác lại tham vọng tỷ USD sau cú bứt phá nhanh chưa từng có trong năm 2018.
Các nhà đầu tư mua 7,82 triệu cổ phiếu YEG ở mức giá 300 ngàn đồng/cp sau khi YEG chào sàn hồi giữa 2018 cũng chứng kiến cú thua lỗ tới khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố thông tin đạt được thỏa thuận bán lại toàn bộ 100% cổ phần tại ScaleLab (trụ sở ở Holywood) cho các chủ sở hữu cũ là Brenner Pass Investment Corp. với giá không đổi là 12 triệu USD.
Thỏa thuận ngay lập tức có hiệu lực từ ngày 11/3. Chủ sở hữu ban đầu là Brenner Pass Investment Corp. - đơn vị thuộc sở hữu và kiểm soát hoàn toàn bởi Giám đốc điều hành và người sáng lập của ScaleLab, David E. Brenner đã mua lại tất cả các quyền đối với ScaleLab và sẽ toàn quyền kiểm soát ScaleLab ngay lập tức.
Trước đó, ngay hồi tháng 1/2019, Yeah1 mua 100% cổ phần của ScaleLab với số tiền thanh toán ngay là 12 triệu USD cộng với các khoản tiền thưởng cho ban lãnh đạo dựa trên hiệu quả kinh doanh trong tương lai, nhằm mở rộng mảng kỹ thuật số trên YouTube toàn cầu.
Yeah1 bán ScaleLab. |
Sở dĩ Yeah1 của ông Nhượng Tống bán vội kênh YouTube lớn nhất nước Mỹ ScaleLad chỉ hơn 1 tháng sau khi mua là bởi đại gia số 1 Việt Nam trong mảng truyền thông và truyền hình vừa gặp một cú sốc từ cỗ máy in tiền YouTube.
Đây là đối sách mà Yeah1 thực hiện để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho cổ đông sau khi YouTube thông báo chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) với Yeah1 cùng các công ty con và đơn vị liên kết.
Theo đó, YouTube thông báo sẽ chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (Content Hosting Agreement - CHSA) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Đây đều là những công ty nước ngoài mà Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thâu tóm trong thời gian gần đây.
Theo thông báo, YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn, cụ thể là Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Ngay sau sự cố đáng tiếc, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn 6 phiên liên tiếp, từ mức 245 ngàn đồng/cp xuống 158,7 ngàn đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 35%.
Vốn hóa của Yeah1 cũng giảm hơn 2,7 ngàn tỷ đồng trong 6 phiên vừa qua. Tài sản của ông Nhượng Tống giảm gần 1 ngàn tỷ đồng xuống còn dưới 1,8 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu Yeah1 chưa có dấu hiệu tăng trở lại cho dù ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đăng ký mua vào 100 ngàn cổ phiếu YEG, đồng thời Yeah1 cũng thông báo mua vào 600 ngàn cổ phiếu quỹ.
Các dự án hotgirl của ông Nhượng Tống cũng chưa giúp YEG hồi phục.
Dự án hotgirl cũng chưa giúp YEG khỏi giảm điểm. |
Năm 2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã ghi nhận những dấu ấn khó quên với việc đưa cổ phiếu YEG của Yeah1 lên sàn với mức giá chào sàn kỷ lục: 250 ngàn đồng/cp. Những giao dịch kỳ lạ với quy mô ngàn tỷ của chủ tịch Yeah1 khi đó đã làm rúng động thị trường.
Về bản chất đây là việc Yeah1 thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số hơn 7,8 triệu cổ phần, nhưng là các nhà đầu tư mua cổ phần sau khi YEG niêm yết, với giá thỏa thuận 300 ngàn đồng/cp.
Sau một loạt các giao dịch ngay sau khi niêm yết, Yeah1 đã bán 7,82 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư mới, cổ phiếu của ông Nhượng Tống không đổi ở mức 11,3 triệu đơn vị, trong khi DFJ VinaCapital bán ròng 50% số cổ phiếu YEG và còn lại 3,91 triệu đơn vị.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. |
Với mức 7,82 triệu cổ phiếu mua ở mức giá 300 ngàn đồng/cp, các nhà đầu tư mới tại Yeah1 có thể lỗ tới 1,1 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán khiến VN-Index không thể tăng điểm. Nhiều mã blue-chips tiếp tục giảm mạnh. Ngoài YEG, HPG của ông Trần Đình Long cũng giảm mạnh. Các cổ phiếu giảm khác gồm: Vinhomes, Vietinbank…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường đang gặp nhiều khó khăn trước vùng kháng cự mạnh quanh 1000 điểm. Thị trường có thể hình thành các nhịp dao động sideway trong một hai tuần tới. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng, các nhà đầu tư nên thận trọng với các hoạt động giải ngân mới, ưu tiên các vị thế đang có sẵn trong danh mục. Có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Tỷ trọng danh mục tổng có thể giảm về mức 40-50% cổ phiếu trong giai đoạn này.
Theo Rồng Việt, đà giảm có phần chững lại tuy nhiên thanh khoản thấp cho thấy đây có thể đơn thuần chỉ là phục hồi kỹ thuật. Các cổ phiếu vẫn cho thấy sự phân hóa, tuy nhiên không còn mạnh như giai đoạn trước. Nổi bật trong ngày là nhóm cổ phiếu Bất động sản và Khu công nghiệp. Lực mua ròng của khối ngoại đang yếu dần. Vùng dao động của VN-Index trong ngắn hạn vẫn là 965- 1000 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, VN-Index giảm 0,65 điểm xuống 984,6 điểm; HNX-Index tăng 0,1 điểm lên 108,32 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 56,04 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.
H. Tú
Theo Vietnamnet