Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tiềm lực của Banpu - tập đoàn Thái vừa mua lại dự án Điện gió Mũi Dinh

07/08/2020 10:50

Forbes ước tính giá trị tài sản của gia tộc Vongkusolkit (cổ đông lớn của Banpu) rơi vào khoảng 1 tỷ USD.

Ông Isara Vongkusolkit (trái - Chủ tịch HĐQT Banpu) và ông Chani Vongkusolkit (phải - Chủ tịch HĐQT Mitr Phol Sugar Corporation
Ông Isara Vongkusolkit (trái - Chủ tịch HĐQT Banpu) và ông Chani Vongkusolkit (phải - Chủ tịch HĐQT Mitr Phol Sugar Corporation)

Vào ngày 30/7/2020, Công ty năng lượng có trụ sở tại Thái Lan Banpu và công ty con Banpu Power (BPP) đã mua nhà máy Điện gió Mũi Dinh (El Wind Mui Dinh) có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam trong một thỏa thuận, trị giá 66 triệu USD.

Giao dịch được thực hiện thông qua BRE Singapore, một công ty con của Banpu Next, trong đó Banpu và BPP mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần. BRE cũng ký một hợp đồng bảo trì trong 20 năm với Enercon GmbH, một công ty điện gió của Đức, thông qua Enercon Partner Konzept (EPK). Được biết, giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV/2020.

Dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh - Ninh Thuận có công suất giai đoạn 1 là 37,6 MW, tổng mức đầu tư 1.472 tỷ đồng. Chủ đầu tư ban đầu là Tập đoàn EAB Newenergy GmbH - Cộng hòa liên bang Đức.

Điện gió Mũi Dinh bao gồm 16 tua bin gió, trong đó mỗi tua bin sản xuất được 2,35 MW điện từ gió với tốc độ trung bình 6,6m/s, được hưởng giá bán điện 8,5 UsCent/kWh trong thời gian lên tới 20 năm.

Được biết, dự án đã hoàn thành xây dựng công trình trạm biến áp 110kV Mũi Dinh vào tháng 1/2019, vận hành từ tháng 4/2019.

Tiềm lực của chủ mới dự án Điện gió Mũi Dinh

Công ty TNHH đại chúng Banpu (Banpu) được thành lập vào ngày 16/5/1983 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Than Ban Pu, vốn đăng ký là 25 triệu THB. Công ty được thành lập bởi các thành viên của gia đình Vongkusolkit và Auapinyakul nhằm làm thầu phụ một số hoạt động khai thác than tại mỏ Banpu (Mỏ BP-1) nằm ở huyện Li, tỉnh Lamphun.

Ngày 4/5/1989, tức 6 năm sau ngày thành lập, Banpu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET). Đến ngày 29/7/1993, công ty đổi tên thành Công ty TNHH đại chúng Banpu như hiện tại.

3 mảng kinh doanh cốt lõi của Banpu gồm: Tài nguyên năng lượng (than và khí đốt bao gồm các hoạt động liên quan như tiếp thị, kinh doanh, hậu cần, mua sắm và truyền tải nhiên liệu); sản xuất năng lượng (phụ tải cơ bản và nhà máy điện tái tạo); và công nghệ năng lượng (tổng thể các giải pháp năng lượng mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng và hệ thống công nghệ năng lượng).

Banpu vào Việt Nam từ khá sớm (năm 2000), khi mua 30% vốn của Năng lượng Amata (Biên Hòa), một công ty sản xuất điện đặt tại khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam (Hiện tại, Năng lượng Amata thuộc sở hữu của B.Grimm Power – một công ty khác có trụ sở tại Thái Lan). Đến năm 2015, Banpu được biết đến là nhà cung cấp than cho một số đối tác, khách hàng tại Việt Nam.

Trong xu thế năng lượng tái tạo, Banpu đã đa đạng hóa mảng kinh doanh điện tại Việt Nam bằng cách thành lập Công ty TNHH điện gió BPP Vĩnh Châu (BPPVC) thông qua Banpu Power Public Company Limited (Banpu nắm 78,61%).

Công ty TNHH điện gió BPP Vĩnh Châu được biết đến là chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy điện gió số 3, tổng công suất 65MW, trong đó giai đoạn 1 có công suất 29,4MW với 7 turbines được cung cấp bởi Công ty Siemens Gamesa. Toàn bộ dự án sẽ lần lượt đi vào hoạt động từ 2020 đến 2021. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án (giai đoạn 1) là 1.365 tỷ đồng.

Banpu từng có tham vọng thực hiện dự án nhiệt điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, dự án có công suất dự kiến 1.200 MW tại huyện Phong Điền đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và công ty Banpu ký biên bản hợp tác từ năm 2016. Nếu khả thi về mặt kinh tế, Banpu sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án với công suất lên 2.000 MW. Vào đầu tháng 3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Banpu đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng dự án.

Dù vậy, dự án sau đó đã bị từ chối do trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh quan điểm "phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh".

Vào tháng 12/2019, Banpu đã đề xuất chuyển nghiên cứu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện tại huyện Phong Điền sang lĩnh vực điện khí.

Đánh giá về Việt Nam, Banpu cho rằng, ”Việt Nam hấp dẫn Banpu về đầu tư kinh doanh điện do quốc gia này có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực với mức trung bình hàng năm là 6% - 7%. Điều này dẫn đến nhu cầu điện tăng ở cả khu vực gia đình và công nghiệp. Ngoài ra, kế hoạch phát triển điện Việt Nam cũng cho thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường năng lực sản xuất điện bằng cách tập trung vào phát triển phát điện chạy bằng than và chạy bằng năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng kinh doanh của Banpu”.

Theo BCTC quý I/2020, doanh thu Banpu đạt gần 633 triệu USD, giảm nhẹ 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Lợi nhuận sau thuế 66,5 triệu USD, tăng gần 34,3%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Banpu tính đến ngày 31/3/2020 là gần 7,8 tỷ USD, giảm nhẹ gần 3,3% so với số đầu kỳ.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả cuối kỳ của Banpu là hơn 5,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với số đầu kỳ; Vốn chủ sở hữu đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm khoảng 30%.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, gia đình Vongkusolkit đang nắm 9,84% vốn Banpu, một cổ đông khác liên quan tới dòng họ này là Mitr Phol Sugar Corporation., Ltd (ông Isara Vongkusolkit là Chủ tịch HĐQT) cũng sở hữu 5,59% vốn công ty. Được biết, Chủ tịch HĐQT Banpu là ông Chani Vongkusolkit, anh trai ông Isara Vongkusolkit.

Tính đến ngày 1/4/2020, Forbes ước tính giá trị tài sản ông Isara Vongkusolkit và gia đình là 1 tỷ USD. Ngoài Mitr Phol Sugar và Banpu, tài sản công ty chủ yết được nắm qua Tập đoàn EINA, tập đoàn sở hữu 70 khách sạn thuộc 9 thương hiệu khác nhau, bao gồm cả Grand Hyatt.Chanin. Chủ tịch HĐQT EINA là ông Chani Vongkusolkit.

Nguồn: https://nhadautu.vn/tiem-luc-cua-banpu--tap-doan-thai-vua-mua-lai-du-an-dien-gio-mui-dinh-d41017.html