Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tiki và Sendo sẽ sáp nhập?

10/02/2020 18:57

Hai ‘ông lớn’ thương mại điện tử Việt là Tiki và Sendo đã khởi động các cuộc đàm phán để thảo luận về việc sáp nhập, theo DealstreetAsia.

DealstreetAsia: Tiki và Sendo đã thảo luận về việc sáp nhập

Nhà sáng lập Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn.

Hiện, cả Tiki và Sendo đều chưa đưa ra bình luận đối với thông tin trên.

Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group, Tiki và Sendo là 2 sàn thương mại điện tử nội địa thuộc top 4 website thương mại điện tử tại Việt Nam xét theo lượng truy cập. Danh sách này bao gồm: Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.

Trong đó, Tiki được thành lập và điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki. Hiện, Công ty Cổ phần VNG đang nắm giữ 24,6% cổ phần của Tiki. Ngoài ra, Tiki còn được rót vốn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI, VNG, JD.com, đến các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo… Đây là các quỹ đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ trên thế giới cũng như khu vực châu Á.

Còn Sendo được thành lập bởi tập đoàn FPT. Tại thời điểm tháng 6/2019, có 9 cổ đông nước ngoài nắm 57,31% vốn tại Sendo. Trong 9 cổ đông nói trên, SBI E-Vietnam Pte. Ltd (Singapore) sở hữu nhiều nhất, với 20,65% cổ phần và theo sau đó là Econtext Asia Ltd (Trung Quốc) với 10,57%.

Mặc dù có sự tăng trưởng về lượng người sử dụng nhưng top 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo vẫn liên tục lỗ.

Theo báo cáo kinh doanh của 4 sàn này mà iPrice tổng hợp được, trong năm 2018, tổng mức lỗ của bốn sàn đã lên đến con số 5.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2017.

Chỉ 2 tuần cuối năm 2019, lần lượt Adayroi và Lotte.vn khép lại cuộc chơi thương mại điện tử, dù đã từng có những mục tiêu rất tham vọng khi ra mắt. Trước đó, cũng trong năm 2019, sàn Robins.vn và VuiVui dừng bước.

Theo công ty chứng khoán VnDirect, ngành thương mại điện tử Việt Nam cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường.

Đơn vị này cũng ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam. Cạnh tranh khối doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại cũng rõ nét hơn khi mới đây Viettel gia nhập cuộc chơi với nền tảng Voso.

“Bước sang năm 2020, dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến một bước ngoặc quan trọng khi thị trường dần đề cao hơn hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời thay cho các chỉ số tăng trưởng ngắn hạn”, iPrice dự báo.

Nhìn chung, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho những công ty biết đổi mới và biết giữ chân khách hàng bằng chất lượng, theo iPrice.

Một số bình luận cho rằng nếu Tiki và Sendo có thể đạt được thỏa thuận đi đến sáp nhập thì có thể tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ nhằm đối trọng với 2 doanh nghiệp ngoại là Lazada và Shopee.

Bạn đang đọc bài viết "Tiki và Sendo sẽ sáp nhập?" tại chuyên mục Featured.