Tin tốt từ bộ máy Donald Trump, đại gia Việt mở toang cánh cửa tỷ USD

11/04/2019 14:07

Dòng tiền ồ ạt đổ vào các đại gia thủy sản Việt Nam, cho dù tin tốt từ chính quyền Donald Trump mới chỉ áp cho lĩnh vực tôm. Ông vua cá tra Dương Ngọc Minh chờ một cú huých mới và tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng tỷ USD.

Dòng tiền ồ ạt đổ vào các đại gia thủy sản Việt Nam, cho dù tin tốt từ chính quyền Donald Trump mới chỉ áp cho lĩnh vực tôm. Ông vua cá tra Dương Ngọc Minh chờ một cú huých mới và tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng tỷ USD.

Bộ thương mại Hoa kỳ (DOC) vừa chính thức công bố mức thuế tôm cho CTCP Thực phẩm Sao Ta - Fimex (FMC) thuộc Tập đoàn Pan của đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng và các công ty trong ngành của Việt nam khi bán sản phẩm vào Mỹ.

Theo đó, DOC đã đưa mức thuế từ 25,39% xuống 0%.

Đây là một thắng lợi lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mà Thực phẩm Sao Ta của ông Nguyễn Duy Hưng là đại diện và là doanh nghiệp bắt buộc duy nhất cho đợt xem xét hành chính này.

Cổ phiếu FMC tăng trần 6,8% trong phiên giao dịch 10/4 lên 29.700 đồng/cp. Một loạt các cổ phiếu thủy sản khác cũng đồng loạt tăng theo sau thông tin từ Bộ thương mại Hoa kỳ.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông trùm cá tra Dương Ngọc Minh tăng trần 6,9% lên 7.590 đồng/cp; Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) tăng trần 6,9% lên 39.550 đồng/cp; CTCP Chế Biến Thủy Sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau - Camimex (CMX) tăng trần 6,9% lên 23.350 đồng/cp.

Vua tôm Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng Lê Văn Quang-Chu Thị Bình cũng tăng 1,3% lên 46.000 đồng/cp; Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) của nữ hoàng miền tây Trương Thị Lệ Khanh tăng 1,8% lên 92.600 đồng/cp; trong khi Thủy sản Nam Việt (ANV) tăng 2,4% lên 27.800 đồng/cp.

Trước đó, một loạt các cổ phiếu thủy sản lọt top cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong 1 năm tính từ thời điểm chỉ số VN-Index lên đỉnh lịch sử ngày 9/4/2018. CMX của CTCP Camimex Group và ACL của CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang là 2 cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc top này.

Thủy sản Cửu Long An Giang bất ngờ công bố lợi nhuận hợp nhất sau kiểm toán tăng 10,7 lần lên 230 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ doanh thu tăng 42% lên gần 1,7 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Camimex (CMX) vừa đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 tăng hơn 2,5 lần so với 2018 lên gần 200 tỷ đồng. CMX kỳ vọng vào hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực và hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có thể được thông qua trước tháng 5/2019.

Tin vui từ chính quyền Donald Trump khiến giới đầu tư đánh cược về triển vọng thủy sản Việt Nam vào nước Mỹ.

Ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch Thủy sản Hùng Vương

Mới đây, Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh cho biết, nếu thành công tại đợt xem xét rà soát thuế chống bán phá giá vào Mỹ (POR) 14, Thủy sản Hùng Vương chắc chắn quay về mức doanh thu 20 ngàn tỷ vào năm 2020. HVG sẽ mua lại tất cả những gì đã bán.

Trước đó, Hùng Vương sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần Sao Ta Fimex nhưng khó khăng từ hoạt động kinh doanh và áp lực nợ đã khiến doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh buộc phải liên tiếp thoái vốn tại FMC. Đây là một doanh nghiệp chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm của Hùng Vương.

Trong khi đó, VHC của nữ hoàng miền Tây Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục đứng vững. Có những khoảng thời gian, cả thế giới lo sợ đòn thuế của ông Donald Trump, riêng nữ đại gia Việt Nam này lại vui mừng và chứng kiến tài sản cá nhân tăng đột biến lên mức cao kỷ lục.

VHC được đánh giá là hưởng lợi lớn từ căng thẳng Mỹ - Trung. Xuất khẩu của VHC sang cả 2 thị trường này đều tăng mạnh. Triển vọng tương lai của Vĩnh Hoàn càng trở nên rõ ràng hơn khi Việt Nam chính thức được đưa vào danh sách các nước đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ.

Việc Mỹ mới đây công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ trong khi 11 nước không không đủ điều kiện được xem là một thông tin hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nội địa.

Vĩnh Hoàn và Hùng Vương thậm chí còn được hưởng lợi lớn hơn bởi nằm trong số ít các doanh nghiệp hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0. Nếu kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019) không có gì thay đổi, Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh và Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh sẽ tiếp tục hưởng lợi trong năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu thủy sản tăng mạnh nhưng không giúp cân bằng được thị trường. Phần lớn các cổ phiếu trụ cột khác chịu áp lực giảm giá. Một số mã cổ phiếu blue-chips đi xuống như: Vietcombank, HDBank, Coteccons, Sabeco, Vincom Retail…

Cổ phiếu Coteccons giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp sau bất đồng giữa các nhóm cổ đông tại ĐHCĐ, trong khi Vinaconex đã quay đầu tăng trở lại sau mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng và 2 doanh nghiệp liên quan tới bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ biến động theo chiều hướng tích cực hơn trong phiên kế tiếp. Thị trường có thể vẫn xuất hiện các nhịp giảm điểm trong phiên nhưng khả năng cao VN-Index sẽ kết phiên ngày mai với mức điểm tăng. Vùng 975-980 điểm được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ cứng của chỉ số trong những phiên còn lại của tuần này. Do vậy, BVSC cũng đặt kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm quay lại thử thách các vùng kháng cự 995-1000 điểm.

Còn theo KIS, tâm lý thị trường trở nên bi quan với lực bán trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rủi ro điều chỉnh gia tăng vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng và giảm tỷ lệ cổ phiếu về mức an toàn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, VN-Index giảm 6,57 điểm xuống 981,91 điểm; HNX-Index giảm 0,27 điểm xuống 107,43 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 56,56 điểm.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 11/4, thị trường diễn biến tích cực hơn nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng tăng điểm góp phần hỗ trợ thị trường chung.

Cổ phiếu CTD của đại gia Nguyễn Bá Dương quay đầu tăng nhẹ trở lại sau 2 phiên giảm sàn từ những thông tin tiêu cực tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 hôm 9/4.

Tính tới thời điểm 90h50, Vn-Index tăng 1,06 điểm lên 982,97 điểm; Hnx-Index giảm 0,01 điểm xuống 107,42 điểm và Upcom-Index giảm 0,08 điểm xuống 56,49 điểm.

H. Tú

Theo VietnamNet