Trên thị trường chứng khoán, nhiều phụ nữ đang chèo lái những doanh nghiệp có tài sản được định giá hàng tỉ USD. Họ sở hữu khối tài sản kếch sù, trong đó có đóng góp không nhỏ từ giá trị cổ phần tại các doanh nghiệp niêm yết.
Dù không phải nữ đại gia sở hữu nhiều giá trị chứng khoán nhất trên thị trường, song bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là nữ tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Bà được Forbes ghi danh trong top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Tổng tài sản theo cập nhật của Forbes đến ngày 4/3/2020 vào khoảng 2,5 tỉ USD.
Tên tuổi của bà Thảo gắn liền với thương hiệu hàng không Vietjet Air - đối thủ nặng kí của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Kể từ khi cổ phiếu VJC của Vietjet Air lên sàn niêm yết vào ngày 20/2/2017, bà Thảo là người có công giúp cổ phiếu VJC bền bỉ tăng giá và nâng vốn hóa doanh nghiệp lên 2,37 tỉ USD như hiện nay.
Ngoài điều hành hãng hàng không, bà Thảo còn giữ vai trò đứng đầu Tập đoàn đầu tư đa ngành Sovico, góp mặt trong ban lãnh đạo ngân hàng HDBank. Trước khi trở thành cổ đông lớn của HDBank, bà từng tham gia sáng lập và quản trị tại 2 ngân hàng Techcombank và VIB.
Xét giá trị cổ phiếu trên sàn hiện nay, bà Phạm Thu Hương đang là nữ doanh nhân dẫn đầu với hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, tương đương giá thị trường khoảng 13.800 tỉ đồng.
Bà Phạm Thu Hương sinh ra tại Hà Nội, có bằng Luật tại Ukraina, là cổ đông của Technocom từ năm 1994 và cùng chồng gây dựng cơ nghiệp từ những ngày đầu.
Khi Technocom chuyển đại bản doanh về Việt Nam và đổi tên thành Vingroup, bà Hương được bầu làm Phó chủ tịch thường trực sát cánh cùng ông Phạm Nhật Vượng trong hành trình xây dựng đế chế Vingroup như hiện nay.
Dù nắm giữ vị trí quan trọng tại Vingroup và sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà Hương chưa từng xuất hiện trước truyền thông và cũng như chưa từng có bất cứ tấm ảnh nào của bà rò rỉ ra ngoài.
Cũng như chị mình là bà Phạm Thu Hương, bà Phạm Thúy Hằng cũng nắm trong tay khối tài sản đáng nể trên sàn chứng khoán. Bà Hằng cũng là cánh tay đắc lực của ông Phạm Nhật Vượng từ những ngày đầu lập nghiệp tại Ukraina và bây giờ tại Vingoup với vai trò Phó chủ tịch thường trực của tập đoàn.
Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh tại Hà Nam Ninh nhưng lớn lên ở Hà Nội và tốt nghiệp cử nhân tại Nga. Năm 1993, bà Yến trở thành thành viên của Hội đồng quản trị Công ty nước khoáng Vĩnh Hảo. Tiếp theo đó, bà Yến tham gia vào HĐQT VinaCafé Biên Hòa.
Năm 2000, bà Yến tham gia vào Masan Group và giữ chức vụ Phó chủ tịch Masan Consumers. Từ đây, bà Yến là người đồng hành và sát cánh cùng chồng mình là tỉ phú Phạm Đăng Quang phát triển Tập đoàn Masan trở thành đế chế ngành thực phẩm. Tương tự bà Phạm Thu Hương, bà Yến cũng là người khá kín tiếng và hiếm khi xuất hiện trên truyền thông.
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, nguyên quán An Giang. Bà Khanh được mệnh danh là "nữ hoàng cá tra" và từng lọt danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.
Chỉ trong 10 năm từ 2009 đến 2019, bà Khanh đã đưa doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng từ 2.800 tỉ đồng gấp hơn 2 lần lên 9.400 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 190 tỉ đồng lên gần 1.180 tỉ đồn, gấp 6 lần giá trị. Tổng tài sản công ty tính đến ngày 30/6/2020 đạt 6.740 tỉ đồng, vốn hóa thị trường khoảng 7.750 tỉ đồng.
Vĩnh Hoàn hiện là một trong những công ty cá tra lớn nhất ở thị trường nội địa. Bà Khanh đã định hướng chiến lược cho Vĩnh Hoàn chú trọng đầu tư phát triển theo chiều sâu, hướng vào việc hoàn thiện chuỗi giá trị đã định hình thức ăn - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu.
Bà Cao Thị Ngọc Dung là người đã gây dựng và phát triển Vàng bạc Phú Nhuận PNJ từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ với số nhân sự ít ỏi từ năm 1988. Dưới sự chèo lái của bà Dung, sau hơn 25 năm, PNJ từ một công ty tư nhân trở thành một trong doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán dẫn đầu về giá trị vốn hóa đạt hơn 15.300 tỉ đồng.
PNJ đồng thời trở thành thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng uy tín, đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế. Hiện nay, PNJ sở hữu mạng lưới phân phối với trên 360 cửa hàng tại các tỉnh thành cả nước.
Bà Huỳnh Bích Ngọc là người sáng lập và xây dựng đế chế mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Sugar). Với kinh nghiệm 40 năm cùng niềm đam mê đối với cây mía, bà Ngọc được xem là người phụ nữ quyền lực bậc nhất của ngành mía đường Việt Nam.
Những ngày đầu khởi nghiệp, bà Ngọc đã cùng chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành rong ruổi ngược xuôi các tỉnh miền Tây Nam Bộ để thu mua mật rỉ về nấu cồn. Giai đoạn ông Đặng Văn Thành xây dựng Sacombank lớn mạnh, bà Ngọc chính là người đã điều hành mảng mía đường của TTC.
Những doanh nghiệp mía đường mà TTC Sugar nắm quyền chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn có thể kể đến như Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường 333 (S33), Mía đường Phan Rang, La Ngà,...
Bà Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Bà My từng sang New Zealand học tập và lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh - tài chính sau đó về nước nối nghiệp bà Huỳnh Bích Ngọc, trở thành người phụ nữ quyền lực nhất ngành mía đường Việt Nam. TTC Sugar hiện đang dẫn đầu tại thị trường sản xuất và tiêu thụ đường trong nước.
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) sinh ra và lớn lên ở Pháp. Sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Moscow State chuyên ngành Kĩ sư chế biến thịt và sữa tại Nga, bà Mai Kiều Liên đã gia nhập Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk ngay khi mới thành lập năm 1976.
Qua ba nhiệm kyì liên tiếp từ 2003 - 2007; 2007 - 2011 đến 2012 – 2016, bà Liên liên tục được bầu vào HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vinamilk.
Bà Liên cũng là người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: "Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á".
Trong ba năm gần đây, doanh thu Vinamilk luôn vượt trên 2 tỉ USD mỗi năm, lợi nhuận sau thuế hàng năm khoảng nửa tỉ USD. Doanh nghiệp này hiện nay gần như "thống trị" thị trường sữa Việt Nam.
Trong những bóng hồng triệu USD trên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Như Loan là một trường hợp đặc biệt. Sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12, thay vì lựa chọn cánh cửa đại học, bà Nguyễn Thị Như Loan quyết định khởi nghiệp từ một xưởng sản xuất, chế biến gỗ tại Gia Lai nhờ số vốn ít ỏi vay mượn.
Năm 1994, bà Loan thành lập Công ty xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, với lĩnh vực hoạt động chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu. Bà Loan chuyển hướng sang bất động sản từ năm 2005 thông qua thành lập Công ty TNHH xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Từ năm 2007, bà Loan đầu tư thêm vào ngành xây dựng và tiếp tục tiếp tục "lấn sân" sang lĩnh vực thủy điện năm 2012.
Tham gia kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu bà Loan vẫn làm giàu nhờ bất động sản. Nữ doanh nhân này dồn rất nhiều tâm sức cho công việc. Một ngày làm việc của bà thường bắt đầu từ 9h sáng cho đến 9h tối. Có khi bà còn làm việc tới tận 2-3h đêm vì đó là thởi gian tĩnh lặng, dễ tập trung hơn.
Bên cạnh những gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu trên sàn chứng khoán, nhiều "bóng hồng" đứng sau các tỉ phú nam cũng sở hữu lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp lớn, nhà băng với giá trị hàng nghìn tỉ đồng.
Đơn cử là người vợ bí ẩn của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long – bà Vũ Thị Hiền. Được biết, bà Hiền hiện đang sở hữu 202,55 triệu cổ phiếu HPG, ước tính theo giá thị trường khoảng 5.900 tỉ đồng, thậm chí vượt xa nhiều nữ tướng như Chủ tịch Vĩnh Hoàn bà Trương Thị Lệ Khanh hay Chủ tịch PNJ bà Cao Thị Ngọc Dung,...
Hay như bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank hiện sở hữu 174,1 triệu cổ phần TCB và 5,65 triệu cổ phần MSN. Khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Thủy có giá trị khoảng 4.400 tỉ đồng.
Mẹ ông Hồ Hùng Anh là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm và em gái là bà Nguyễn Hương Liên cũng sở hữu giá trị chứng khoán không nhỏ, lần lượt là 4.000 tỉ đồng và 3.100 tỉ đồng.
Ngoài ra, mẹ và vợ của Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng là bà Vũ Thị Quyên và bà Hoàng Anh Minh cũng góp mặt trong danh sách nhà đầu tư chứng khoán nghìn tỉ. Số cổ phần VPB mà bà Hoàng Anh Minh sở hữu khoảng 121,02 triệu, tương đương khoảng 3.000 tỉ đồng. Phía bà Vũ Thị Quyên cũng sở hữu giá trị chứng khoán tương ứng.