Tỷ phú USD Trần Bá Dương dồn lực vào doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và đẩy mạnh trồng chuối xuất sang Trung Quốc, thay vì tập trung trồng cao su, cọ dầu ở Lào và Campuchia.
Theo Sở GDCK TP.HCM, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương vừa đăng ký mua 69,7 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) để nâng sở hữu tại đây từ 0% lên 7,86%.
Giao dịch dự kiến được giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn từ ngày 23/04-22/05/2019.
Với mức giá hiện tại ở mức 15.100 đồng/cp, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương có thể phải bỏ ra số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần HAGL Agrico nói trên.
Trước đó, ngày 24/3, tỷ phú USD Trần Bá Dương và bầu Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL tiếp tục ký kết thêm phần phụ lục hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chi tiết hoá hợp đồng thoả thuận đợt tháng 8/2018.
Theo thỏa thuận ban đầu, Thaco sẽ rót vào HAGL 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico và 51% CTCP HAGL Land, đơn vị sở hữu và quản lý dự án bất động sản tại Myanmar. Thaco cũng dành khoản vay ưu đãi 14 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiêp của Bầu Đức.
Thaco đã hoàn tất mua 221.688 trái phiếu HAGL Agrico chuyển đổi với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tỷ lệ chuyển đổi 1:1.000 (1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu).
Hồi cuối tháng 3, Thaco đã khởi công dự án khu công nghiệp nông lâm nghiệp tại Quảng Nam, ban đầu tập trung vào cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây nguyên, Lào và Campuchia.
Theo kế hoạch, Thaco sẽ chuyển đổi những khu đất mà HAGL vốn dùng để trồng cao su, cọ dầu ở Lào và Campuchia để trồng cây ăn quả, trong đó trọng tâm là chuối để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
HAGL Agrico vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu thuần tăng hơn 30% lên gần 4,78 ngàn tỷ đồng, trong đó vườn chuối đóng góp 73% (tương đương 3,5 ngàn tỷ đồng). Lợi nhuận đạt 103 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức và Trần Bá Dương. |
Trong vài năm gần đây, các cổ phiếu nông nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn.
CTCP Tập đoàn Pan của ông Nguyễn Duy Hưng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Cổ đông ngoại như GIC, TAEL, PYN Elite Fund, IFC chứng kiến những khoản lãi ấn tượng sau vài năm đầu tư vào doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp như mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) của nhà ông Đặng Văn Thành, hay các công ty giống cây trồng NSC, SSC… đều có những bước phát triển mạnh.
Một loạt các doanh nghiệp thủy sản gần đây cũng có những bước tăng trưởng mạnh như Minh Phú (MPC) của nhà ông Lê Văn Quang, Vĩnh Hoàn của bà trương Thị Lệ Khanh…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong khi nhiều cổ phiếu chủ chốt chịu áp lực chốt lời lớn thì cổ phiếu nông thủy sản vẫn duy sắc xanh như VHC, AGF, ACL…
Hầu hết các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng, dầu khí… đều giảm điểm. Bộ 3 cổ phiếu Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail của ông Phạm Nhật Vượng giảm điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BSC, thị trường đang điều chỉnh, thanh khoản thị trường ở mức cao hơn so với phiên trước nhưng vẫn khá thấp cho thấy mức độ thận trọng của thị trường đang tăng, Việt Nam đang ngược chiều so với thị trường Châu Á do tâm lí thận trọng từ những sự kiện lớn ở tuần trước. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi diễn biến vĩ mô trên thế giới, đặc biệt là rủi ro cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/4, VN-Index giảm 5,73 điểm xuống 977,17 điểm; HNX-Index giảm 0,59 điểm xuống 107,11 điểm. Upcom-Index giảm 0,11 điểm xuống 56,53 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 3,8 tỷ đồng.
H. Tú
Theo Vietnamnet