Thao túng giá chứng khoán vẫn là câu chuyện được quan tâm, đặc biệt khi cấp độ thao túng giá dường như đã phát triển với quy mô lớn hơn và khó lường hơn bao giờ hết.
Tháng 5/2020 vừa qua, giới đầu tư không khỏi quan tâm phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại CTCP công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận. Như từng đề cập, các hành vi phạm tội diễn ra từ 11/12/2015 – 8/7/2016, gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Được biết, bà Phạm Thị Hinh – người chủ mưu khởi xướng bị tuyên án phạt 18 tháng tù và buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Thực tế, tại TTCK Việt Nam, những trường hợp thao túng giá như trên không khó để nhận biết. Nhãn tiền nhất, dư luận không thể không nhắc đến sự việc 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã nhóm họp và đưa ra kết luận về việc ông Lê Mạnh Thường – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) có dấu hiệu thao túng giá cổ phiếu khi mã này giảm sàn 26 phiên liên tiếp.
Bất chấp ông Thường phủ nhận, đại diện 1 trong 12 nhà đầu tư kể trên bức xúc khẳng định, Chủ tịch HĐQT FTM đã thao túng giá thông qua 8 tài khoản chứng khoán do những người liên quan đứng tên hộ.
Công luận không khỏi đặt dấu hỏi về vai trò của UBCKNN lúc đó, đặc biệt khi cơ quan này cùng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan xác nhận đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.
Hạn chế rõ nhất được giải thích là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa đủ thẩm quyền để triệu tập doanh nghiệp. Điều này phần nào đã gây ngạc nhiên với nhiều chuyên gia nước ngoài, chia sẻ từ một lãnh đạo Ủy ban.
Bởi lẽ, các hiện tượng mã tăng giảm bất ngờ, dù dễ nhận biết, nhưng đó là câu chuyện hậu kiểm. Việc kiểm tra phải mất thời gian dài và cần chứng minh sự vi phạm cấu kết qua nhiều yếu tố và quá trình. Một trong những khó khăn là dữ liệu dòng tiền bởi lẽ “không phải Ngân hàng nào cũng đồng ý cung cấp thông tin này”, chia sẻ ý kiến từ một lãnh đạo UBCKNN.
Dẫu sao, những vấn đề này phần nào được giải quyết khi Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung một số quyền cho UBCKNN trong việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Trong đó, đặc biệt phải kể đến UBCKNN được quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; hoặc quyền yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi và được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;…
Sự tăng cường thẩm quyền này được kỳ vọng sẽ hạn chế vấn đề thao túng giá chứng khoán. Dù vậy, đây vẫn là vấn nạn lớn khi ngay trong năm 2020, UBCK phải xử lý nhiều trường hợp giao dịch, mà chủ yếu trong số này là đều… không thu lời.
Nhãn tiền nhất, giới đầu tư không khỏi đặt nhiều nghi vấn khi chứng kiến chuỗi phiên tăng sốc, giảm sâu đột biến của nhóm cổ phiếu liên quan tới cựu tỷ phú chứng khoán giàu nhất Việt Nam.
Và đặc biệt, không thể không nhắc tới những biến động bất thường của chỉ số chứng khoán phái sinh trong phiên đáo hạn 21/5. Cụ thể, dù chỉ số VN30 chỉ tăng mức nhẹ thì hợp đồng phái sinh VN30F2005 bất ngờ tăng trần. Và với cách tính mức lãi/lỗ theo chỉ số VN30, nhiều ý kiến nhận định đã có hiện tượng làm giá chứng khoán phái sinh.
Điểm chung của những cuộc thao túng giá cổ phiếu là đa số xuất hiện qua nhiều tài khoản cá nhân liên quan đến đối tượng bị xử phạt, tuy nhiên lại không có chế tài xử phạt các chủ thể liên quan này. Điều này một phần xuất hiện từ quy định công bố thông tin người có liên quan ko rõ ràng. Trên thực tế, tại Việt Nam có hiện tượng đứng tên cho nhau, các cá nhân dù có liên quan nhưng không trong diện công bố thông tin.
Thậm chí, trong một số trường hợp cá nhân chỉ dừng ở mức đứng tên thay người thao túng giá (điển hình là trường hợp cổ phiếu FTM như đã đề cập).
Do đó, cần bổ sung chế tài xử phạt về thao túng đối với các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc vô ý để đối tượng thao túng sử dụng tài khoản nhằm tăng cường tính răn đe.
Mặt khác, dù đã có những bổ sung mang tính chất tăng thẩm quyền, nhưng rõ ràng công cuộc hạn chế thao túng giá vẫn là một chặng đường dài. Điển hình nhất là cấp độ thao túng giá thay vì chỉ từ một số cổ đông nhỏ lẻ, nay đã có quy mô lớn hơn (thể hiện qua TTCK phái sinh) và khó lường hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận tới 2 chủ thể khác ngoài UBCK là doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư.
Với các doanh nghiệp niêm yết, cần xây dựng quy chế quản trị công ty hiệu quả, minh bạch và có những biện pháp giám sát việc tuân thủ quản trị công ty; Nâng cao tính huyên nghiệp của hoạt động IR (quan hệ nhà đầu tư);…
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân cần thiết tăng cường, trang bị kiến thức, thông tin về các cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt. Mặt khác, nhà đầu tư Việt vẫn ưa chuộng đầu cơ hơn là đầu tư, hoặc xuống tiền theo các tin đồn trên thị trường. Điệp khúc quen thuộc khi thua lỗ là “đội lái dìm giá, làm cho xuống giá” hoặc “đội lái tung tin dìm giá”,…
Hy vọng gì khi chính những nhà đầu tư tham gia thị trường chạy theo lợi nhuận, bất chấp họ biết đây là cuộc chơi “nắm đằng lưỡi”?