Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô muốn mua cổ phần Vinaconex?

15/11/2018 09:50

Mới đây, thông tin một trong hai nhà đầu tư là con trai của nhà tư sản Trịnh Văn Bô (người hiến hơn 5 nghìn lượng vàng cho cách mạng) tham gia đấu giá mua cổ phần của Tổng Cty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) gây xôn xao thị trường. >> Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex


Mới đây, thông tin một trong hai nhà đầu tư là con trai của nhà tư sản Trịnh Văn Bô (người hiến hơn 5 nghìn lượng vàng cho cách mạng) tham gia đấu giá mua cổ phần của Tổng Cty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) gây xôn xao thị trường.

 Cổ phiếu của Vinaconex được công bố bán với giá cao hơn thị trường

Cổ phiếu của Vinaconex được công bố bán với giá cao hơn thị trường

Bán cổ phiếu với giá cao hơn thị trường

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chuẩn bị bán đấu giá trọn lô hơn 94 triệu cổ phiếu của Vinaconex, tương đương 21,28% cổ phần. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào 15h ngày 22/11. Giá khởi điểm mỗi cổ phần là 21.300 đồng, nếu giao dịch thành công, Viettel sẽ thu về hơn 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thị trường, trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu của Vinaconex (mã VCG) chưa khi nào vượt được ngưỡng 20.000 đồng và hiện giao dịch ở quanh mức giá 18.600 đồng mỗi cổ phiếu. Đóng phiên giao dịch sáng ngày 16/11, VCG có giá 18.400 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, một cổ đông lớn khác của Vinaconex là Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng thông báo bán toàn bộ gần 255 triệu cổ phiếu VCG. Năm 2017, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 do Vinaconex mới công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đều sụt giảm.

Giải thích về sự sụt giảm lợi nhuận, Vinaconex cho biết, cuối năm 2017, đơn vị đã hoàn thành việc tái cơ cấu thêm một số đơn vị thành viên, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất giảm do không có sự đóng góp lợi nhuận từ các công ty này.

Lo ngại không đáng có?

Trong thông tin vừa công bố, Viettel cho biết có 2 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện là Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ. Tập đoàn Thăng Long Việt Nam được thành lập đầu năm 2010 với 6 cổ đông cá nhân, có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh, đơn vị này thực hiện tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng vào năm 2015. Đặc biệt, người đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam là ông Trịnh Cần Chính (con trai của ông Trịnh Văn Bô) làm Tổng giám đốc.

Chiều 14/11, ông Trịnh Cần Chính cho biết, việc mua cổ phiếu của Vinaconex là quyết định của hội đồng quản trị và là chiến lược của công ty. Khi được hỏi về giá cổ phiếu của Vinaconex do Viettel chào bán cao hơn giá thị trường có gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi mua, ông Chính không đưa ra bình luận.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Trọng Quỳnh, TGĐ Vinaconex tỏ ra lo lắng, bản thân 2 doanh nghiệp tham gia mua cổ phiếu đều là những cái tên lạ trên thị trường bất động sản, chưa có dự án xây dựng nào nổi bật.

Hiện, quy định của nhà nước về nhà đầu tư mua cổ phần mới chỉ chú trọng ở khả năng mua và không cần chứng minh năng lực và lĩnh vực của nhà đầu tư.

Trước lo lắng của Vinaconex, ông Chính cho rằng, bản thân Vinaconex không bán cho công ty mình sẽ phải bán cho doanh nghiệp tư nhân khác. Ông Chính tỏ ra tự tin vì bản thân doanh nghiệp ông đang làm dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) và 409 Lĩnh Lam (Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên, thực tế, cả 2 dự án trên đều dính phải lùm xùm liên quan đến việc huy động vốn trái phép của khách hàng nhưng không triển khai dự án từ thời chủ cũ.

Theo Ngọc Mai
Tiền Phong