Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao việc Warren Buffett bán tháo cổ phiếu Goldman Sachs lại là "báo động đỏ"?

19/05/2020 01:11

Buffett vẫn luôn là "đội trưởng cổ động" nhiệt tình nhất của kinh tế Mỹ, nhưng trước tiên ông là 1 nhà đầu tư đặt mục tiêu bảo vệ danh mục của mình lên trên hết.


Buffett vẫn luôn là "đội trưởng cổ động" nhiệt tình nhất của kinh tế Mỹ, nhưng trước tiên ông là 1 nhà đầu tư đặt mục tiêu bảo vệ danh mục của mình lên trên hết.

Nhà đầu tư huyền thoại khuyên đừng đặt cược chống lại nước Mỹ, nhưng những động thái của ông như bán tháo cổ phiếu hàng không hay thoái gần hết vốn khỏi ngân hàng Goldman Sachs cho thấy tốt nhất là hãy luôn tìm cách bảo vệ các khoản đầu tư của bạn.

Trong bối cảnh nhiều bang của nước Mỹ đang bắt đầu mở cửa trở lại và cố gắng vực dậy nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá, những động thái mới nhất của tỷ phú Warren Buffett là lời nhắc nhở cho thấy phải một thời gian rất lâu nữa mọi thứ mới có thể bình thường trở lại.

Dường như cuộc khủng hoảng đã khiến người vẫn luôn lạc quan vào tương lai của nước Mỹ lo lắng đến mức ông hoàn toàn rút khỏi ngành hàng không và sau đó là thoái một lượng vốn lớn khỏi 2 ngành ô tô và ngân hàng. Chỉ 2 tuần trước, Buffett chia sẻ suy nghĩ "không gì có thể ngăn cản nước Mỹ", nhưng với những gì được tiết lộ trong tài liệu mà tập đoàn Berkshire Hathaway nộp lên cơ quản quản lý cuối tuần trước, lời tuyên bố này ngày càng khó tin. Berkshire đã bán 84% số cổ phiếu Goldman Sachs cùng với 3% số cổ phiếu JPMorgan Chase mà tập đoàn đang nắm giữ.

Thông tin Buffett 1 lần nữa quay lưng với ngành hàng không đã được chia sẻ ngay tại đại hội cổ đông Berkshire, nhưng cú thoái vốn khỏi Goldman thực sự gây sốc. Cổ phiếu của ngân hàng đầu tư này đã giảm 2% sau khi thông tin xuất hiện và tính đến thời điểm này đã giảm hơn 25% kể từ đầu năm đến nay.

Thi thoảng các quyết định của Berkshire là do 2 trợ tá Todd Combs và Ted Weschler của Buffett đưa ra, nhưng lần này quyết định rút khỏi ngành hàng không là của chính ông và nhiều khả năng đối với cổ phiếu Goldman cũng vậy. Và dù ai đưa ra quyết định này thì đều có thể coi đó là báo động đỏ.

Chính bản thân Berkshire đang ngày càng giống với 1 ngân hàng khi mà tập đoàn đang ngồi trên núi tiền mặt ngày càng lớn. Tính đến tháng 3, tập đoàn đang nắm giữ 137 tỷ USD tiền mặt, và gần như là lần đầu tiên trong lịch sử Buffett không tìm thấy cơ hội xứng đáng để tiêu số tiền này.

Buffett đã lý giải rằng lần này những gói cứu trợ khổng lồ của Cục dự trữ liên bang đã cứu vớt thị trường tài chính và đó là lý do khiến ông không thể tìm ra những thương vụ giá hời giống như thâu tóm cổ phiếu Goldman trong khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng có thể nhận thấy có lẽ điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, và việc Buffett vẫn đang ngồi im chính là dấu hiệu ông nghĩ rằng sắp tới thị trường vẫn phải tiếp tục chịu đựng những nỗi đau. Nếu ông nhìn thấy cơ hội, ông chắc chắn sẽ mua vào. Nhưng kể cả Fed cũng đã cảnh báo rằng giá tài sản "nhiều khả năng sẽ giảm mạnh" nếu cuộc khủng hoảng y tế này xấu đi.

Buffett vẫn giữ nguyên những khoản đầu tư dài hạn: lượng lớn cổ phần tại Apple, American Express, Bank of America, Coca-Cola và Wells Fargo không thay đổi. Nhưng có thể thấy chỉ trong 6 tuần qua đã có quá nhiều thứ thay đổi thì không ai có thể chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Buffett vẫn luôn là "đội trưởng cổ động" nhiệt tình nhất của kinh tế Mỹ, nhưng trước tiên ông là 1 nhà đầu tư đặt mục tiêu bảo vệ danh mục của mình lên trên hết.

Tham khảo Bloomberg