Vi Thiếu Bá: Ông chủ nhà thuốc Nhị Thiên Đường

23/09/2018 11:11

Dân lấy cái ăn làm trước, kế đến là dùng thuốc, nên có Nhị Thiên Đường (Dân dĩ thực vi thiên, dĩ dược vi đệ nhị thiên, tức vị Nhị Thiên Đường)

Tại khu vực Chợ Lớn, từng phổ biến bài đồng dao: Nhất Dương Chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông Miếu, Tứ Đổ Tường, phản ánh những hình ảnh quen thuộc về phim ảnh, quảng cáo, đời sống tín ngưỡng và thói sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương. Ngày nay, Nhị Thiên Đường là một địa danh, Cầu Nhị Thiên Đường, nó có nguồn gốc từ một thương hiệu dược phòng cách nay gần môt thế kỷ. Hãng dược phòng không còn tồn tại nhưng vẫn lưu lại nhiều kỷ niệm về một thương hiệu thành công.

Vết tích xưa của Nhị Thiên Đường Dược Hành, 47 Rue de Canton, nay là 47 Triệu Quang Phục, Q.5. Ảnh : Internet

 

Người sáng lập ra Công ty Nhị Thiên Đường là Vi Khải hay Vi Thiếu Bá 韋少伯, người gốc Quảng Đông, thường được đánh giá là người “trọng nghĩa khinh tài” và có lòng từ thiện, “thí lạc thiện chi tâm, tế thế cứu dân chi cử”. Ông đã tốt nghiệp trường kinh doanh và một số trường chuyên về y khoa của Pháp và chú tâm phát triển nền y học Trung Quốc kết hợp với nền y học phương Tây. Ông thông thạo tiếng Pháp, Anh, Việt và một số ngôn ngữ khác. Với sự nghiệp của mình, ông  Vi Khải đã được nhà vua Bảo Đại Việt Nam và Vương quốc Campuchia trao thưởng các huân chương cao quý. Năm 1932, ông được người Pháp trao “Long Bảo Tinh” về những cống hiến và doanh nhân gốc Hoa ở hải ngoại được vinh danh như thế là hiếm có.

Ông Vi Thiếu Bá

Từ trên, huân chương của Hoàng Đế Annam (Việt Nam thời Bảo Đại), Vương quốc Campuchia và chánh phủ Pháp trao cho ông Vi Khải

 

Nhị Thiên Đường 二天堂 đã phát triển thương hiệu ở Việt Nam và Campuchia từ trước những năm 1930. Tại Việt Nam, hãng đã phát triển ở Chợ Lớn hai cơ sở là “Nhị Thiên Đường Dược Hành” (ngày nay thuộc đường Triệu Quang Phục, Q.5) và “Nhị Thiên Đường Chế Dược Xưởng” (nhà máy sản xuất, nay thuộc đường Trần Hưng Đạo) với nhãn hiệu “ông Phật”. Các sản phẩm dầu gió, cao nóng được giới quý tộc và bình dân tin dùng. Việc phân phối sản phẩm đã được mở rộng từ Việt Nam sang các thành phố lớn ở Campuchia, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ, Phi Châu, Philippines và Trung Quốc. Năm 1930, hãng đã phát triển hai cơ sở tại Hương Cảng (Trung Quốc) như ở Chợ Lớn, đến năm 1954, chúng được hợp nhất để trở thành Công ty TNHH Nhị Thiên Đường và tồn tại đến ngày nay.

Nhãn hiệu ông Phật của Nhà thuốc Nhị Thiên Đường

 

Một mẫu quảng cáo của nhà thuốc vào những năm 1930

 

Các sản phẩm của hãng vào lúc thịnh hành bao gồm: Vạn ứng Nhị thiên dầu ve vuông, phát lãnh hoàn, sâm nhung bổ thận hoàn, phụ khoa kim phụng hoàn, sâm nhung vệ sinh hoàn, cam tích tán, thối nhiệt hoàn, căn cơ tán.v.v….

Cùng với sự thành công trong kinh doanh, vào năm 1937, ông Vi Khải, điển hình cho giới doanh nhân Hoa Kiều, đã giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh Trung – Nhật ở Nam Kinh một vạn đồng thông qua Ngân hàng Đông Á (Bank of East Asia). Vợ ông, Đặng Thoại Châu, cũng góp những trang sức quý giá giúp đỡ các nạn nhân thông qua Hội Phụ nữ cứu tế Trung Hoa.

Sản phẩm của Nhị Thiên Đường tại Hồng Kông ngày nay

 

Vào những năm 1930. Nhị Thiên Đường có các cơ sở như: 47 Rue de Canton (nay là Triệu Quang Phục) ở Chợ Lớn; 76 phố Hàng Buồm tại Hà Nội và số 18 Rue Gia Hội, Huế. Ông Vi Khải mất năm 1944 tại Hồng Kông lúc 50 tuổi. Ông có hai vợ, 10 trai và 14 người con gái.

 

Benjamin Kang - WORLDFOUNDER

Bạn đang đọc bài viết "Vi Thiếu Bá: Ông chủ nhà thuốc Nhị Thiên Đường" tại chuyên mục Doanh nhân.