Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á

08/03/2019 11:17

Tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 36%, đứng thứ hai châu Á, vượt Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.


Tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 36%, đứng thứ hai châu Á, vượt Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo nghiên cứu mới nhất về chủ đề "Phụ nữ trong kinh doanh" do Grant Thornton quốc tế thực hiện, tỷ lệ các doanh nghiệp trên toàn cầu có ít nhất một phụ nữ tham gia đội ngũ lãnh đạo đạt mức 87%, tăng 12% so với năm trước.

Hiện nay tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới là 29%. Con số này chỉ tăng 10% trong suốt 15 năm nghiên cứu, và một nửa số đó là mới đạt được trong 12 tháng gần đây. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ doanh nghiệp có ít nhất một phụ nữ làm quản lý cấp cao là 94% và tỷ lệ nữ giữ các vị trí cấp cao là 28%.

Mặc dù số lượng phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đang dần tăng, sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa. Khi nói đến vị trí Tổng giám đốc (CEO) hoặc Giám đốc điều hành, chỉ có 15% doanh nghiệp trên thế giới có phụ nữ nắm giữ vị trí này.

Tại khu vực châu Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhóm khá cao trên thế giới. Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao chiếm 36%, đứng thứ hai châu Á, trong khi cao nhất là Philippines với 37,46%. Theo sau có Singapore (33,04 %), Indonesia (31,85 %), Hàn Quốc (29,89 %), Ấn Độ (28,16 %), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (24,17 %), Malaysia (22,68 %), Thái Lan (19,39 %) và Nhật bản (15,43 %).

Cũng theo khảo sát này, tại Việt Nam bốn vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự và giám đốc marketing (25%).

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó tổng giám đốc khối Dịch vụ Tư vấn công ty Grant Thornton Việt Nam nhận định, việc Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tỷ lệ nữ lãnh đạo vốn không phải là điều ngạc nhiên. Bởi lẽ, tại Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Thậm chí Việt Nam cũng xuất hiện hàng loạt các nữ tướng có tầm ảnh hưởng lớn và khả năng truyền cảm hứng và đang trông đợi một thế hệ mới các nữ tướng kế nhiệm.

"Sự gia tăng tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp nữ theo khảo sát năm nay là thông tin rất đáng khích lệ, có thể kỳ vọng vào sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa của phái nữ trong giới lãnh đạo các doanh nghiệp", bà Hà cho hay.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra một số trở ngại đối với nhà lãnh đạo cấp cao nữ ở Việt Nam và những chướng ngại vật này đang cao hơn thế giới. Đó là thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp (toàn cầu: 27%, Việt Nam: 40%). Cơ hội xây dựng các mối quan hệ (toàn cầu: 26%, Việt Nam: 35%). Trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc (toàn cầu: 25%, Việt Nam: 39%).

Đặc biệt là trở ngại mang tên "Có thêm thời gian bên cạnh trách nhiệm với công việc chủ chốt" của phụ nữ Việt Nam cũng có tỷ lệ cao, lên đến 35% trong khi toàn cầu là 32%. Đây đều là những thách thức ngăn cản phụ nữ trau dồi thêm kỹ năng và đạt được thành công trong công việc.

Ông Kenneth Michael Atkinson, Chủ tịch Công ty Grant Thornton Việt Nam nhận xét, nếu muốn tiếp tục nhìn thấy xu hướng nữ giới hiện diện ở các vị trí cấp cao ngày một nhiều thêm thì cần tập trung cải thiện nhiều thứ hơn nữa.

Các chính sách về bình đẳng trong lộ trình phát triển nghề nghiệp, sự thiên vị trong tuyển dụng và chế độ linh hoạt đối với giờ làm việc không nên xem nhẹ. Để đạt được bước tiến này, các chính sách bình đẳng phải được tuân thủ, thực thi và thường xuyên xem xét đánh giá mức độ hiệu quả. Khi những điều này trở thành cam kết thật sự từ những nhà lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp sẽ bắt đầu tạo ra một nền văn hóa hòa nhập đích thực.

>>> Xem thêm: ‘Người đàn bà thép’ Nguyễn Bạch Điệp và hành trình gây dựng ‘đế chế’ 500 cửa hàng FPT Retail

Vũ Lê

Theo VietnamFinance