Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vợ ông Trịnh Văn Quyết nhận cả nghìn tỷ đồng “tiền tươi” trước Tết, chồng đón tin vui

17/01/2019 22:00

 Tin vui đã đến với tỷ phú Trịnh Văn Quyết khi hãng hàng không Bamboo Airways vượt qua những nghi ngờ chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên. Trong khi đó, với thương vụ thoái sạch vốn khỏi công ty chồng, phu nhân Chủ tịch FLC thu về cả nghìn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật”. >>Hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam chính thức cất cánh >>“Quà Giáng sinh” hơn 1.000 tỷ đồng đầy bất ngờ của ông Trịnh Văn Quyết >>May mắn bất ngờ, đại gia Trịnh Văn Quyết “đòi về” hơn 1.300 tỷ đồng

Tin vui đã đến với tỷ phú Trịnh Văn Quyết khi hãng hàng không Bamboo Airways vượt qua những nghi ngờ chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên. Trong khi đó, với thương vụ thoái sạch vốn khỏi công ty chồng, phu nhân Chủ tịch FLC thu về cả nghìn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật”.

Trong khi ông Trịnh Văn Quyết thỏa "giấc mơ bay" thì vợ ông cũng thu về cả nghìn tỷ đồng nhờ việc bán hết cổ phiếu tại FLC Faros
Trong khi ông Trịnh Văn Quyết thỏa "giấc mơ bay" thì vợ ông cũng thu về cả nghìn tỷ đồng nhờ việc bán hết cổ phiếu tại FLC Faros)

Giữa lúc các chỉ số chính trên thị trường suy giảm thì cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros lại gây bất ngờ khi hồi phục vào những phút cuối phiên 16/1, đạt mức tăng 150 đồng tương ứng 0,4% lên 35.600 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ROS đã giảm 4 phiên liên tục và đánh mất 11% trong vòng 3 tháng giao dịch vừa qua. So với thời điểm đầu năm ngoái ROS đã mất hơn 74% giá trị.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp – vợ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Faros vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu.

Trong văn bản này, phu nhân Chủ tịch FLC Faros cho biết, bà đã bán xong toàn bộ hơn 26,66 triệu cổ phiếu ROS tương ứng 4,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của FLC Faros như đã đăng ký và chính thức không còn là cổ đông của công ty này.

Giao dịch được thực hiện bằng giao dịch thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 17/12/2018 đến ngày 14/1/2019. Danh tính bên nhận chuyển nhượng không được đề cập.

Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu ROS dao động trong khoảng 35.500 đồng/cổ phiếu đến 42.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, nếu được thỏa thuận với giá thị trường thì bà Diệp có thể thu về cả nghìn tỷ đồng (có thể đạt đến số tiền 1.120 tỷ đồng) từ thương vụ thoái vốn nói trên ở công ty của chồng.

Hiện tại, với cương vị Chủ tịch HĐQT FLC Faros, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu trên 382,2 triệu cổ phiếu ROS, chiếm tỷ lệ 67,34% tổng số cổ phần của công ty này. Tài sản trên sàn của vị đại gia này (tính cả số cổ phần tại ART và FLC) hiện đạt 14.429 tỷ đồng, xếp thứ 7 danh sách người giàu chứng khoán Việt.

Hôm qua (16/1), sau thời gian chờ đợi đầy hồi hộp thì hãng hàng không Bamboo Airways của tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập cũng đã chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên từ TPHCM đi Hà Nội.

Với màn chào sân của hãng bay thứ 5 ở Việt Nam, cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán cũng tăng nhẹ 0,6% lên 5.420 đồng. Thanh khoản tại mã này rất tốt, đạt tới 10,77 triệu cổ phiếu và là mã có khối lượng giao dịch cao nhất thị trường.

Trong khi đó, toàn sàn khối lượng giao dịch trên toàn sàn HSX cũng chỉ đạt 164,29 triệu cổ phiếu tương ứng 3.774,55 tỷ đồng. Con số này trên HSX là 18,87 triệu cổ phiếu tương ứng 229,27 tỷ đồng.

Giữa bối cảnh thanh khoản hạn chế, sự thận trọng lên cao trên thị trường, diễn biến các chỉ số cũng giằng co, trồi sụt. VN-Index kết phiên hôm qua đã giảm nhẹ 0,98 điểm tương ứng 0,11% còn 908,7 điểm, còn HNX-Index giảm 0,6 điểm tương ứng 0,58% còn 101,99 điểm.

Toàn thị trường có 278 mã tăng, 40 mã tăng trần và 274 mã giảm, 30 mã giảm sàn. Tổng cộng có đến 861 mã không hề diễn ra giao dịch nào.

Chỉ số chính mất điểm mặc dù có sự hỗ trợ của các mã lớn như VIC, VPB, VHM, VRE, BVH… Song chiều ngược lại, chỉ riêng VNM đã lấy đi của VN-Index tới hơn 1 điểm. Bên cạnh đó, VCB, BID, CTG, VJC… giảm giá cũng gây tác động tiêu cực đến diễn biến chỉ số chung.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp trên HSX, với giá trị mua ròng đạt 595 tỷ đồng. Trong đó riêng giao dịch mua thỏa thuận MWG đã chiếm 567 tỷ đồng. VRE cũng được mua ròng mạnh với giá trị 35 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng với giá trị 10,5 tỷ đồng, phần lớn đến từ VGC (6,5 tỷ đồng) và PVS (3,5 tỷ đồng).

Ở góc độ phân tích kỹ thuật, các chuyên gia từ VDSC cho rằng, thị trường vẫn đang trong nhịp tăng điểm với các phiên tăng giảm điểm xen kẽ.

Theo nhận định của VDSC, VN-Index sắp chạm các ngưỡng kháng cự ngắn hạn và rất dễ xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh. Sự phân hóa đang xuất hiện dựa trên các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân vào các cổ phiếu mục tiêu.

Mai Chi

Nguồn Dân Trí: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vo-ong-trinh-van-quyet-nhan-ca-nghin-ty-dong-tien-tuoi-truoc-tet-chong-don-tin-vui-2019011707314056.htm