Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Những ý tưởng vượt thời đại

01/01/2019 11:31

Dù không được ứng dụng trong thực tế thời Thế chiến 2 do mặt bằng khoa học-kỹ thuật của con người khi đó còn thấp, nhưng những ý tưởng vũ khí này được cho là tiền đề của các loại vũ khí và ngành khoa học hiện đại.

Súng mặt trời

Nhà khoa học tên lửa nổi tiếng của Đức Quốc xã Hermann Oberth đã đưa ra khái niệm gương không gian vào năm 1923. Ý tưởng này sau đó được xuất bản vào năm 1929. Theo NASA, Oberth ban đầu dự định dùng chiếc gương không gian cho mục đích hòa bình như chiếu sáng các bến cảng và làm tan băng các dòng sông đóng băng, nhưng khái niệm này có thể đã được lồng vào chương trình phát triển vũ khí chiến tranh của Đức Quốc xã vào những năm 1930.

Nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu vượt âm F-86 Sabre, tên lửa hành trình JB-2 Loon hay trực thăng cứu hộ HH-43 của Mỹ đều được chế tạo dựa trên sự cải biến những ý tưởng về vũ khí kỳ dị của Đức thời Thế chiến 2.

Ý tưởng của Oberth là sử dụng một tấm gương cầu lõm có đường kính tới 1,6km nhằm tập trung năng lượng mặt trời vào một điểm nhất định trên trái đất. Chiếc gương vũ trụ sẽ nằm ở độ cao khoảng 35.000km cách mặt đất. Oberth dự tính chi phí cho chương trình khoảng 3 triệu marks, thời gian xây dựng khoảng 15 năm. Người ta sẽ đưa các thành phần của gương vũ trụ lên quỹ đạo, sau đó sẽ lắp ráp tổng thể bằng một tàu vũ trụ có người lái. Chương trình còn có kế hoạch xây dựng một trạm không gian có người lái làm nơi sinh hoạt tạm thời cho nhân viên trong quá trình lắp ráp gương vũ trụ. Trạm này có một lỗ đường kính 9,1m cho các tên lửa cập cảng tiếp tế hàng hóa và nhu yếu phẩm. Một khu vườn thủy canh để cung cấp oxy cho trạm và máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời. Oberth mô tả, tấm gương vũ trụ của ông ta là một “vũ khí tối thượng” cho phép tấn công mọi nơi trên trái đất mà đối phương chỉ biết đứng nhìn. Tuy nhiên, với mặt bằng công nghệ thời Thế chiến 2, ý tưởng của Oberth là điều gì đó quá xa vời và viển vông.

Sau chiến tranh, Oberth đã cố gắng đưa các quốc gia khác đến với ý tưởng này, một lần nữa thúc đẩy ứng dụng thời gian phản chiếu gương không gian. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1961, các nhà khoa học của Mỹ đề nghị xây dựng một tấm gương đường kính 300 dặm và có khả năng địa khai hóa các hành tinh, sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ mặt trăng để giảm chi phí. Mặc dù ý tưởng phát triển súng mặt trời của Oberth kỳ quái nhưng nó đã tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành không gian vũ trụ về sau. Trạm vũ trụ quốc tế ISS ít nhiều có ảnh hưởng từ ý tưởng trạm không gian của Oberth. Các tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo hay phóng các tàu thăm dò vũ trụ bắt nguồn từ tên lửa đẩy V2 mà Oberth đã thiết kế.

Có lẽ ý tưởng của Oberth đã khơi mào những ý tưởng về vũ khí ngoài vũ trụ. Trong Chiến tranh Lạnh, nhà khoa học tên lửa Mỹ gốc Đức, Wernher von Braun đã vận động quân đội Mỹ chế tạo vũ khí trên không gian để chống lại Liên Xô. Von Braun cho biết: “Nếu chúng ta không muốn họ giành quyền kiểm soát không gian của chúng ta, đây là thời gian và thời gian cao điểm để chúng ta phải hành động”. Đến năm 1999 Nga tiếp nối ý tưởng của Oberth, khi công bố kế hoạch xây dựng một tấm gương vũ trụ nhằm phản chiếu năng lượng mặt trời trong mùa đông khắc nghiệt trên trái đất.

Súng thần công âm thanh

Nghe giống như trong chuyện viễn tưởng, nhưng vào đầu thập niên 1940, các kỹ sư đã cố gắng phát triển một loại súng thần công âm thanh có thể khiến con người lảo đảo ngay trong tầm ảnh hưởng của súng. Được thiết kế bởi nhà khoa học Đức, TS. Richard Wallauschek, loại súng thần công âm thanh này bao gồm buồng đốt khí methane với 2 tấm phản xạ parabol lớn, phiên bản cuối cùng có đường kính trên 3m. Các chảo bắn xung điện vào khoảng 44Hz và được kết nối với buồng có chứa vài ống phóng phụ.

Những ống này sẽ cho phép một dung lượng hỗn hợp methane và oxygen có trong buồng đốt bị đốt cháy, sẽ biến khí đốt thành âm thanh có thể tiêu diệt đối phương. Dạng sóng âm tiếp đó sẽ được khuếch đại bởi các chảo phản xạ gây ra các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn ở cách đó 274m, bằng cách làm rung xương tai giữa và rung lắc dịch trong ốc tai ngay trong tai trong. Sóng âm được tạo ra có thể thủ tiêu một người đàn ông ở cách đó 50m trong vòng nửa phút.

Tuy nhiên, thần công âm thanh mới chỉ được thử nghiệm trên động vật, chưa được thử nghiệm trên con người nên tính năng của nó vẫn chưa được kiểm chứng. Mặt khác, thiết kế của nó quá cồng kềnh, tính ứng dụng thực tế không cao. Gương phản xạ có đường kính tới 3m nên rất dễ bị tấn công bởi đối phương. Nếu gương phản xạ bị hư hỏng, khẩu thần công này hoàn toàn trở nên vô dụng. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của súng quá ngắn nên không phát huy được sức mạnh.

Mặc dù súng thần công âm thanh của Đức đã không thể đưa vào sử dụng, nhưng ý tưởng này đã tạo tiền đề cho một hướng nghiên cứu phát triển vũ khí phi sát thương mới sử dụng sóng âm thanh ngày nay. Điển hình là chương trình Long Range Acoustic Device (LRAD) của Mỹ. Chương trình được phát triển bởi công ty LRAD cho quân đội và lực lượng thực thi pháp luật Mỹ vào năm 2002. LRAD có thể phát ra sóng âm thanh tần số 2,5kHz, sóng âm thanh này có thể gây cảm giác đau đớn cho con người trong phạm vi 300m, gây thiệt hại thích giác vĩnh viễn trong phạm vi 100m.

LRAD đã được sử dụng trong lực lượng cảnh sát nhằm giải tán các đám đông biểu tình, nó cũng được sử dụng trên một số tàu chiến của Mỹ nhằm mục đích chống cướp biển, xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trái phép. Mặc dù LRAD không dựa vào thiết kế của súng thần công âm thanh, nó sử dụng điện để tạo ra sóng âm, thiết kế của nó cũng nhỏ gọn hơn, tính ứng dụng thực tế cao hơn. Nhưng LRAD được phát triển dựa trên ý tưởng sử dụng sóng âm như một vũ khí của các nhà thiết kế Đức Quốc xã hơn nửa thế kỷ trước.

Thần công gió lốc

TS. Mario Zippermayr, một nhà phát minh người Áo lập dị làm việc tại một cơ sở thử nghiệm tại Lofer ở Tyrol, đã thiết kế và chế tạo một loạt vũ khí phòng không rất phi chính thống, được Reichsluftfahrtamt (Văn phòng Hàng không) quan sát rất chặt chẽ ở Berlin. Do sự vượt trội về số lượng không quân của quân Đồng minh, mọi nỗ lực đã được thực hiện trong năm cuối của cuộc chiến để tìm cách khai thác bất kỳ hiện tượng nào có thể hạ được các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ và Liên Xô. TS. Zippermayr đã chế tạo cả Wirbelwind Kanone (pháo lốc xoáy) và Turbulenz Kanone (pháo gió xoáy) khổng lồ. Cả hai đều có chung mục tiêu hạ gục máy bay ném bom của kẻ thù thông qua thao tác thông minh trên không - gọi chung là Thần công gió lốc (Wind Cannon).

Để đạt được điều này, Wirbelwind Kanone đã sử dụng một vụ nổ hydro và oxy để tạo ra luồng khí nén rất mạnh được truyền qua đoạn ống dài được uốn cong ở một góc và bắn như đạn pháo vào máy bay địch. Có vẻ như Wirbelwind Kanone đã làm rất tốt trên mặt đất - phá vỡ những tấm gỗ dày 1inch từ phạm vi 200m Tuy nhiên, sự phát triển đầy hứa hẹn này không có ý nghĩa đối với các máy bay ném bom của quân Đồng minh bay ở độ cao hơn 6.000m.

Và chính vì không tạo ra được lốc xoáy ở những vị trí cao nên dự án này đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, Turbulenz Kanonelà khẩu súng cối cỡ lớn chôn xuống mặt đất với bụi than và đạn nổ chậm để tạo ra một cơn lốc nhân tạo. Điều này cũng hoạt động tốt trên mặt đất nhưng vấn đề là làm thế nào để tạo ra hiệu ứng đủ lớn để tiếp cận máy bay. TS. Zippermayr không biết liệu sự thay đổi áp suất của thiết bị này có đủ để gây ra thiệt hại cấu trúc cho máy bay hay không, nhưng cơn lốc chắc chắn có ảnh hưởng đến tải trọng cánh vì sự nhiễu loạn không khí đã làm giảm tốc độ máy bay dân sự.

Hồng Định