Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vụ Tết 2.000 tỷ của ông lớn gốc Huế số 1 Việt Nam

29/01/2019 11:06

Giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí số 2, tỷ phú kín tiếng gốc Đông Âu không chỉ giàu nhất trong ngành mà còn xây dựng được một đế chế gắn kết với các đại gia Việt.

Giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí số 2, tỷ phú kín tiếng gốc Đông Âu không chỉ giàu nhất trong ngành mà còn xây dựng được một đế chế gắn kết với các đại gia Việt.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của ông Hồ Hùng Anh vừa công bố thông tin về việc bán hơn 20,5 triệu trái phiếu của Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Theo đó, Techcombank sẽ bán tối đa hơn 20,5 triệu trái phiếu VHM092020 có kỳ hạn 2 năm (đáo hạn 13/9/2020) do CTCP Vinhomes phát hành cho CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS). Số lượng trái phiếu có tổng mệnh giá hơn 2.053 tỷ đồng.

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh sẽ bán số trái phiếu phiếu nói trên với giá bán không thấp hơn tổng mệnh giá cộng với lãi trái phiếu cộng dồn tính đến ngày bán, trong khoảng thời gian từ ngày 28/1 đến hết ngày 30/6/2019.

Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%, lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi sau 2 kỳ tính lãi đầu tiên bằng tổng của 4%/năm và lãi suất tham chiếu.

Vinhomes đã đưa 50 triệu trái phiếu VHM092020 lên niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE từ tháng 20/2018.

Giao dịch nói trên nếu thành công trên thực chất là một sự chuyển đổi, sắp xếp lại khoản đầu tư của Ngân hàng Techcombank. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là công ty con của Techcombank với tỷ lệ sở hữu 100%.

Techcombank bán trái phiếu Vinhomes.

Việc chuyển đổi khoản đầu tư nói trên sang TCBS diễn ra trong bối cảnh công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Techcombank vừa công bố lợi nhuận khủng, hơn ngàn tỷ đồng trong năm vừa qua. Tiềm lực tài chính của TCBS đủ mạnh để thực hiện vụ mua bán nói trên.

Bên cạnh đó, việc bán trái phiếu Vinhomes sang cho công ty con sẽ giúp Techcombank có thêm dư địa để thực hiện các hoạt động kinh doanh trong năm 2019.

Techcombank của ông Hồ Hùng Anh ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá ngoạn mục trong năm vừa qua, với lợi nhuận đứng số 1 trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, vượt qua cả 2 ngân hàng quốc doanh vốn thống trị trong top 3 nhiều năm qua là BIDV và Vietinbank.

Trong năm 2018, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 10,7 ngàn tỷ đồng (tăng 31%). So với năm 2017, Techcombank đã vượt 3 bậc lên vị trí số 2 về lợi nhuận trong toàn ngành, chỉ thua ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh Vietcombank (VCB). Đây là lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân lọt top 3 lợi nhuận.

Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, doanh nghiệp của tỷ phú kín tiếng Hồ Hùng Anh vụt bước lên số 1. Đại gia gốc Thừa Thiên - Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá gần 21 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank - đại gia ngân hàng ở vị trí tiếp theo - hiện có khối tài sản khoảng 2,2 ngàn tỷ đồng.

Ông Hồ Hùng Anh.

Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người khoảng 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.

Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.

Techcombank đạt kết quả kinh doanh 2018 ấn tượng trong bối cảnh tín dụng của ngân hàng nói riêng và của hệ thống nói chung giảm.

Bí mật đằng sau cú bứt phá ngoạn mục của Techcombank chính là nhờ khách hàng lớn, sự phát triển mạnh mảng dịch vụ và đầu tư.

Trong năm vừa qua, TCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 20% vượt trội so với bình quân ngành; tín dụng cho vay mua nhà tăng cao, cũng ở mức 20%; bán lẻ tăng mạnh; dẫn đầu về thanh toán qua thẻ Visa,...... Bên cạnh đó, TCB được cho là nằm trong hệ sinh thái của Vingroup, cho vay và phát hành trái phiếu cho VIC nhiều. Công ty chứng khoán TCBS cũng góp cả ngàn tỷ lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt sau nhiều phiên là trụ cột nâng đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, sự bứt phá của cổ phiếu Vinhomes (VHM) đã giúp Vn-Index vượt cản tâm lý 910 điểm.

Một số cổ phiếu trụ cột khác như Masan, Hòa Phát, Bảo Việt,... cũng góp phần nâng đỡ thị trường.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh giảm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền được dự báo sẽ hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Tỷ trọng được khuyến nghị duy trì ở mức 25-35% cổ phiếu.

Rồng Việt dự báo, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái sideway và không có nhiều biến động. Dòng tiền chưa có sự cải thiện và thiếu sự lan tỏa. Áp lực bán là không lớn nhưng bên mua cũng thiếu sự nhiệt tình. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài cho tới khi kỳ cơ cấu VN30 kết thúc sau kỳ nghỉ Tết.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index tăng 3,3 điểm lên 912,18 điểm; HNX-Index giảm 0,43 điểm xuống 102,31 điểm. Upcom-Index tăng 0,55 điểm lên 54,01 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,4 ngàn tỷ đồng.

H. Tú

Theo Vietnamnet