Tỷ phú Warren Buffet chủ yếu mua cổ phiếu ngân hàng trong năm 2019.
Khoản đầu tư gây bất ngờ nhất là vào một công ty nội thất ít tên tuổi, RH.
Warren Buffett đầu tư vào ngành dầu khí với đặt cược giá dầu sẽ lên cao.
Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của Berkshire Hathaway, tỷ phú Buffett đã mua 9 cổ phiếu trong năm ngoái.
Amazon
Thương vụ khiến giới đầu tư ngạc nhiên nhất là Berkshire mua cổ phiếu Amazon trong quý I và quý II. Ông Buffett từng cảm thấy tiếc nuối khi không sớm nhìn ra được tiềm năng trong mô hình kinh doanh của Amazon, thứ giúp công ty này chiếm được khoảng 38% doanh số bán hàng qua thương mại điện tử tại Mỹ.
Tuy nhiên, thương mại điện tử và chương trình khách hàng thành viên Prime có lẽ không phải là động lực chính tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của Amazon. Mảng cung cấp dịch vụ đám mây Amazon Web Services đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều mảng thương mại điện tử. Đây cũng là mảng mang lại biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với bán lẻ truyền thống. Nói cách khác, tương lai của Amazon có vẻ sẽ phụ thuộc vào Amazon Web Services, chứ không phải đế chế bán lẻ trực tuyến.
Tính đến tháng 8/2019, Berkshire đã nâng cổ phần tại Amazon lên khoảng 11%, tương đương 537.300 cổ phiếu.
JPMorgan Chase
Cổ phiếu tài chính chiếm gần một nửa danh mục đầu tư của ông Buffett nên không có gì ngạc nhiên khi nhà tiên tri xứ Omaha lại chọn JPMorgan Chase trong quý I/2019. Tính đến cuối quý III/2019, Berkshire nắm giữ 59,5 triệu cổ phiếu của ngân hàng này, tương đương khoảng 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
JPMorgan Chase luôn là một trong những ngân hàng tốt nhất nước Mỹ xét về lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Hơn nữa, Buffett có xu hướng ưa thích những công ty có tính chu kỳ vốn là cỗ máy "sản xuất" tiền mặt tuyệt đối.
PNC Financial Services
Yêu thích cổ phiếu tài chính nên ông Buffett không thể bỏ qua PNC Financial Services. Berkshire thêm cổ phiếu của công ty tài chính này vào danh mục trong quý I/2019.
Trong quý III/2019, PNC Financial ghi nhận thu nhập ròng đạt 1,4 tỷ USD và tổng doanh thu là 4,5 tỷ USD. Theo đó, cổ đông nhận về 1,5 tỷ USD thông qua các đợt mua lại cổ phiếu và trả cổ tức. Tiền gửi và cho vay trung bình của PNC Financial lần lượt tăng 2% và 1%, trong khi nợ xấu lại giảm nhẹ. Rõ ràng, ông Buffett giờ chỉ cần ngồi và nhìn khoản đầu tư của mình sinh lời.
Tỷ phú Buffett đã mua 9 cổ phiếu trong 2019. Ảnh: CoinTelegraph. |
Delta Air Lines
Tỷ phú Buffett rót vốn vào ngành hàng không trong suốt quý II/2016 và đến quý I/2019, ông tìm đến Delta Air Lines. Khi đó, Berkshire đã mua hơn 5 triệu cổ phiếu của hãng hàng không này. Đến cuối quý III cùng năm, Berkshire sở hữu 70,9 triệu cổ phiếu Delta.
So với đối thủ chính là American Airlines Group, Delta có ít nợ ròng hơn và hưởng lợi nhờ giá dầu WTI đang ở ngưỡng 50 USD/thùng. Ngoài ra, ông Buffett chắc chắn bị thu hút bởi hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu là 8 của Delta.
Red Hat
Trong cả quý I và II/2019, Berkshire Hathaway đều rót tiền mua cổ phiếu của Red Hat, một công ty chuyên cung cấp các phần mềm mã nguồn mở cho công đồng doanh nghiệp được IBM mua lại vào ngày 9/7 với giá 34 tỷ USD bằng tiền mặt. IBM bước chân vào cuộc đua điện toán đám mây muộn hơn các đối thủ, đồng thời, doanh số từ các mảng kinh doanh cũ giảm trong gần như tất cả quý của 6 năm qua. IBM mua lại Red Hat nhằm thu hẹp khoảng cách đó. Tuy nhiên, vì từng bị IBM "đốt tiền" trước đó, nhà đầu tư huyền thoại sau đó quyết định rút tiền.
Bank of America
Năm 2019, ông Buffett mua cổ phiếu của Bank of America không chỉ một lần. Đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 của Berkshire về giá trị thị trường. Tính đến cuối quý III/2019, Berkshire nắm giữ 10,5% cổ phần tại ngân hàng này, tương đương hơn 940 triệu cổ phiếu.
Bank of America đã cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách đóng cửa các chi nhánh và tập trung phát triển ngân hàng số. Nhà băng này cũng tăng mức chi trả hàng quý cho cổ đông lên 0,18 USD/cổ phiếu từ mức 0,01 USD từ năm 2014. Cuối tháng 6, Bank of America đang có kế hoạch trả 37 tỷ USD cho giới đầu tư thông qua cổ tức và các đợt mua lại cổ phiếu trong năm tới.
US Bancorp
Trong năm 2019, ông Buffett có xu hướng tăng mua cổ phiếu ngân hàng. US Bancorp là một khoản đầu tư dài hạn đặc biệt "ngọt ngào" đối với nhà tiên tri xứ Omaha trong bối cảnh Berkshire chủ trương tránh các công cụ phái sinh rủi ro và những khoản đầu tư từng phá hủy các ngân hàng lớn trong cuộc Đại suy thoái.
Lợi nhuận trên tài sản của US Bancorp liên tục vượt mức trung bình ngành ngân hàng Mỹ trong thập kỷ qua. Trên thực tế, ngân hàng này không làm điều gì đặc biệt nhưng vẫn có thể xoay xở để kích thích tổng nợ vay và tiền gửi với mức tăng trưởng một con số qua mỗi năm.
RH
Trong quý III/2019, công ty của ông Buffett mua cổ phiếu của RH, từng được biết đến với cái tên Restoration Hardware vốn là một công ty nội thất tại Mỹ. Điều độc đáo về giao dịch này là ông Buffett lâu nay mua cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và độ phủ lớn, còn RH lại không đáp ứng được tiêu chí nào. Chưa kể, RH bán đồ nội thất với giá cao, quá khổ và chủ yếu thông qua các quyển quảng cáo khổ lớn, thay vì qua bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, giới đầu tư sẽ bất ngờ khi thấy RH ghi nhận doanh thu thuần đã điều chỉnh tăng 6% trong quý III, với dòng tiền mặt tự do tính đến cuối năm 2019 tăng vọt lên 234 triệu USD, từ mức 19 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối quý III, Berkshire nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu của công ty này và trở thành cổ đông lớn thứ 4 của RH.
Occidental Petroleum
Cũng trong quý III, tỷ phú Buffett đặt cược vào Occidental Petroleum dù lâu nay ông chủ của Berkshire không dành nhiều tiền để đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Khi đó, Berkshire mua gần 7,5 triệu cổ phiếu của Occidental, tương đương 0,3% tổng cổ phiếu đang lưu hành của công ty này.
Cuối tháng 4, Buffett từng cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Occidental để giúp công ty này mua lại Anadarko. Nhà tiên tri xứ Omaha cho biết đây là một vụ cá cược vào Permian Basin, một bể dầu chứa hơn 20 trong 100 mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ. Đồng thời, ông cho rằng giá dầu thô sẽ lên cao trong dài hạn.
Thanh Long/Theo NDH