8X nghỉ việc ở Morgan Stanley về làm việc tại công ty chứng khoán số 1 Việt Nam

24/06/2019 21:57

Nguyễn Đức Thông, nguyên Phó Giám đốc Phòng Chiến lược đầu tư định lượng của Morgan Stanley (Anh), là nhân vật mới trong dàn lãnh đạo cấp trung của SSI, công ty chứng khoán số một Việt Nam.

23 tuổi được nhận vào Goldman Sachs, 29 tuổi là Phó Giám đốc Phòng Chiến lược đầu tư định lượng (QIS) thuộc khối Giao dịch phái sinh chuyên về thuật toán dùng cho giao dịch quyền chọn tại Morgan Stanley (Anh), Nguyễn Đức Thông - nhân vật mới trong dàn lãnh đạo cấp trung của CTCP Chứng khoán SSI - có lý lịch tương đối “khủng”.

Thông học kỹ sư và thạc sĩ tại Đại học Cambridge (Anh). Anh tốt nghiệp năm 2011 - cũng là năm kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển - cực kỳ khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 là 5,1% thì đến 2011 giảm về 3,9% và còn khó khăn tiếp trong năm 2012-2013, đến 2014 mới có dấu hiệu phục hồi. Riêng ở châu Âu, năm 2010 tăng trưởng 1,8%, đến 2011 còn 1,7%, 2012-2013 tăng trưởng âm lần lượt 0,7% và 0,5%.

Nguyễn Đức Thông được nhận vào Goldman Sachs sau 2 lần phỏng vấn và với anh, đó là kết quả của sự kiên trì kèm may mắn. Ảnh: Nhật Minh.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh trong năm 2011 lên cao nhất kể từ 1996. Các doanh nghiệp, ngân hàng ồ ạt cắt giảm nhân sự. Danh sách 14 tổ chức thực hiện "mạnh tay" nhất năm 2011 nêu tên Goldman Sachs với con số ước tính là 1.000 nhân viên tại các chi nhánh Singapore, Credit Suisse cũng sa thải 2.000 người, HSBC Holdings 25.000 người, Barclays lên kế hoạch sa thải 3.000 người…

Thông được nhận vào Goldman Sachs sau 2 lần phỏng vấn. Trả lời câu hỏi “vì sao được chọn”, anh chỉ nói ngắn gọn “do may mắn và kiên trì”. Nghe thì có vẻ mọi thứ đơn giản và khá dễ dàng, suôn sẻ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, cộng đồng du học sinh các nước vẫn nhắc lại giai đoạn khủng hoảng trên như một “điểm đen” và cực đề cao những sinh viên Việt Nam có thể được làm việc tại các tổ chức tài chính lớn trong bối cảnh này.

Năm nay 31 tuổi, Thông có 8 năm kinh nghiệm ở Goldman Sachs, Morgan Stanley, từ phòng công nghệ, bộ phận quản trị rủi ro về giao dịch phái sinh đến phòng giao dịch về quyền chọn (Option). Với cá tính của người học toán - tin, “dân” kỹ thuật, anh khá kiệm lời. Mỗi câu hỏi của người viết được anh trả lời đủ ý, không cố gắng “show” ra những thứ mà mình làm được hoặc người khác nghĩ rằng đó là thành công vượt trội.

Buộc mình phải rèn luyện là cách mà Nguyễn Đức Thông áp dụng vào công việc ở 2 ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley. Anh tự nhận mình có 2 góc tính cách gọi tên được, đó là sự tò mò, ham học hỏi. Với một vấn đề chưa hiểu rõ, anh sẽ tìm mọi cách, bỏ thời gian để hiểu cho bằng được.

6 năm làm tại Goldman Sachs, Thông có ít nhất 3 lần “nhảy” mảng việc một cách chủ động. Điều này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính cách “tò mò, muốn tìm hiểu đến tận cùng” của anh.

Vị trí đầu tiên ở phòng công nghệ cho anh khá nhiều hào hứng vì đúng với chuyên ngành theo học. Nhưng một thời gian sau, vì thích các sản phẩm tài chính, anh xin sang phòng phân tích dữ liệu. Sau đó, thích làm thêm về quản trị rủi ro nên anh lại nộp đơn vào bộ phận quản trị rủi ro về giao dịch phái sinh.

“Làm ở đây, nghiên cứu sâu lĩnh vực này, tôi có thể thấy được người ta giao dịch thế nào, quản trị rủi ro ra sao, có những ngày thấy họ giao dịch nhiều, kiếm nhiều mà cũng mất không ít”, anh nói.

Chia sẻ về một câu chuyện nhỏ trong quá trình làm việc, anh kể trong lần bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017, chỉ một ngày, phòng giao dịch phái sinh của anh kiếm được 20-30 triệu USD khi đầu tư một sản phẩm phái sinh phức tạp. "Đây là trải nghiệm thú vị cho anh thấy tính hiệu quả của việc phân tích thị trường và chiến lược đầu tư tối ưu, hợp lý".

Khi chuyển sang Morgan Stanley, Thông làm về giao dịch quyền chọn (Option), một sản phẩm giống với chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) vừa ra mắt tại Việt Nam. Khi đó, các kiến thức về thuật toán có cơ hội được đem ra áp dụng. Thời gian làm việc tại đây cũng là lúc anh thu thập được nhiều kỹ năng cần thiết để áp dụng vào công việc. Thực tế, trên thế giới, các thuật toán (algo) được sử dụng rất nhiều tại thị trường chứng khoán, hàng hoá… “Mỗi thị trường lại có một concept khác nhau và khi bắt tay vào làm mới biết, phải biết mới có thể đem vào áp dụng hiệu quả cho công việc của mình”, anh nói.

Anh từng có 6 năm làm việc tại Goldman Sachs và 2 năm tại Morgan Stanley tại Anh. Ảnh: Nhật Minh.

Thông quan niệm mọi thứ cần bắt nguồn từ đam mê: “Tôi thích toán, tài chính và lập trình nên rảnh rỗi là đọc sách về các lĩnh vực này, một cách ngẫu nhiên lại giúp mình làm các công việc mình muốn một cách tốt hơn”. Bản chất công việc của Thông cũng đòi hỏi các kiến thức tổng thể. Khi làm việc tại Morgan Stanley, anh buộc phải có sự tìm hiểu nghiên cứu thị trường, sau đó đưa ra chiến thật để "trade", mà để có chiến thuật lại cần viết code nên người viết cần có kiến thức về "coding", tài chính, đặc biệt phải có kiến thức toán vì dùng toán để nghiên cứu và đưa ra chiến thuật hợp lý.

Với sản phẩm rất phức tạp về tính toán như quyền chọn, tính kỹ thuật sẽ giúp mọi người có cách nhìn rõ hơn. Đây cũng là lý do tại sao tại các định chế tài chính lớn trên thế giới, tỷ lệ nhân sự học kỹ thuật so với tài chính hầu như không chênh nhau đáng kể.

Thông dí dỏm chia sẻ, ở Morgan Stanley, cấp trên của Thông là tiến sĩ toán học. Đồng nghiệp ngồi cạnh anh là tiến sĩ ngành vật lý thiên văn… Do đó, với anh, làm gì và làm ở đâu không quan trọng bằng việc cố gắng và để tâm sức cho công việc đó. Tài chính cũng là ngành phát triển theo hướng các sản phẩm phức tạp, đòi hỏi kỹ năng về toán học, tin học. Do đó, người theo khoa học sẽ có khá nhiều lợi thế.

“Thị trường tài chính thay đổi rất nhiều nên ai có khả năng thích học tập và tìm hiểu kiến thức thì hoàn toàn có cơ hội. Tôi cho rằng cuối cùng kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề chứ không phải là kinh tế hay kỹ thuật”, Thông bày tỏ. Cách đây 20 năm, ít ai biết đến 'code' nhưng hiện giờ, bất kể nhân sự nào ở ngân hàng dù làm 'sales' hay giao dịch cũng đều được dạy về lập trình. Xu hướng này đã diễn ra ở các ngân hàng thế giới và sớm muộn sẽ đến Việt Nam.

Quyết định rời Anh về Việt Nam, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Phái sinh tại SSI của Nguyễn Đức Thông được đưa ra khá dễ dàng bởi thâm tâm anh lúc nào cũng muốn về nước, làm việc cho doanh nghiệp Việt.

Thông nói 2 yếu tố quan trọng để anh đưa ra quyết định chính là điều kiện thị trường đã đủ, kiến thức bản thân tích luỹ cơ bản và hiện giờ thời điểm đã chín muồi. Anh nhận thấy 2 năm gần đây, thị trường Việt Nam bắt đầu có các sản phẩm mới, trước đó là phái sinh, sắp tới là CW. Đây cũng là thế mạnh của anh tại Morgan Stanley và Goldman Sachs. Còn về kiến thức, 8 năm làm việc tại 2 ngân hàng hàng đầu, bên cạnh các vấn đề mang tính chuyên môn, thứ mà anh học được chính là kỹ năng giải quyết vấn đề.

Trước khi trở về, Thông nói anh không liên lạc nhiều với các công ty chứng khoán tại Việt Nam mà đặt mục tiêu chọn nơi có tiềm lực đủ mạnh, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Anh chọn SSI vì thấy đây là doanh nghiệp hội tụ đủ những yếu tố đó.

“Khi phỏng vấn vào SSI, tôi được nói chuyện với Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cùng sếp trực tiếp của tôi và thấy tầm nhìn của họ rất xa, hiện đại. Điều đó khiến cho tôi thấy tự tin khi về một tổ chức có tầm nhìn tốt, giống với những gì mà mình mong muốn”, Thông chia sẻ.

Anh cho biết cơ hội để phát triển các sản phẩm mới như phái sinh, chứng quyền có bảo đảm (CW) tại Việt Nam rất nhiều. Ảnh: Nhật Minh.

Anh nói thêm có thể ai đó sẽ nghĩ việc rời Morgan Stanley về Việt Nam là một bước lùi nhưng với anh đó lại là bước tiến của sự nghiệp, vì đây là cơ hội để làm việc ở môi trường khác, có thể đem kỹ năng bản thân học được để đóng góp cho công ty Việt Nam, thị trường Việt Nam.

Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Đức Thông tỏ ra khá hào hứng với sản phẩm CW, cũng là một sản phẩm phái sinh thuộc mảng việc anh phụ trách tại SSI. Anh nhận định thị trường Việt Nam còn có thể phát triển nhiều sản phẩm khác, không chỉ CW vì hiện nay Chính phủ, Uỷ ban Chứng khoán và các Sở rất mở trong việc tạo ra các sản phẩm mới. Luật Chứng khoán đang được sửa đổi và Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là những thông tin tích cực có thể hỗ trợ thị trường trong việc phát triển các sản phẩm mới như vậy.

Theo NDH